Xu hướng du lịch mới: Chơi “ngông” với nhà trên cây
Trong các kỳ nghỉ lễ tại Tây phương, trẻ em trong các gia đình thượng lưu mới thường được người lớn chiều ý khi lựa chọn các điểm đến mùa lễ hội. Trượt tuyết ở Thụy Sĩ, ngắm nham thạch Hawaii hay lặn biển xem san hô hở hoa tại Úc đã không còn là thú chơi hấp dẫn chúng. Trong thập niên gần đây, xu hướng này đã bị thay thế bằng thú chơi ngông cầu kỳ mới là sở hữu những ngôi nhà trên cây (treehouse).
Nguyên tắc phi xâm lấn
Nhà trên cây không chỉ là mơ ước của trẻ thơ, mà giới quý tộc thế giới hiện cũng đang đua nhau thiết kế, xây dựng và sở hữu bằng được những ngôi nhà độc đáo này. Nhờ đó, ngành công nghiệp “xây tổ chim” đang phát triển nhanh, đem lại doanh thu hấp dẫn cho hàng loạt các công ty trải dài từ Bắc Mỹ đến châu Âu.
Do nhu cầu không ngừng gia tăng, hiện có đến hơn 30 công ty lớn ở Mỹ và châu Âu chuyên về thiết kế xây dựng nhà cây theo nhu cầu đa dạng của khách hàng trên khắp nơi trên thế giới, từ dạng đơn giản cho trẻ con đến những kết cấu phức tạp đầy đủ tiện nghi dành để ở hoặc nghỉ dưỡng dài hạn.
Một “tổ chim” bắt buộc phải thỏa mãn tối thiểu 2 tiêu chuẩn khắc khe trong kỹ thuật xây dựng để có thể trở thành một ngôi nhà trên cây tiêu chuẩn. Ðiều kiên quyết đầu tiên khi tiến hành thiết kế nhà cây, theo kỹ sư kiêm Tổng Giám đốc Pete Nelson của Nelson Treehouse and Supply, là “nguyên tắc phi xâm lấn” cây chủ dưới mọi hình thức. Nghĩa là từ khâu thiết kế, xây dựng và sử dụng đều phải đảm bảo không tác động đến sự sinh trưởng bình thường của cây chủ.
Ngay từ bước phác thảo, kỹ sư thiết kế phải làm việc chặt chẽ với các nhà sinh vật học nhằm hiểu rõ và nắm vững quá trình sinh trưởng, đặc điểm chịu lực của cành, độ sâu của bộ rễ, địa chất đất xung quanh. Họ phải tính toán chính xác độ lớn lên của cành cây và thân cây mỗi năm, nhằm đảm bảo mỗi ngôi nhà trên cây có tuổi thọ sử dụng từ 50-70 năm vẫn không ảnh hưởng đến quá trình lớn lên của cây chủ.
Chính vì phải tuân theo nguyên tác giữ gìn sự sống cho cây chủ, nhà trên cây đã tạo nên thú chơi “ngông” và sự khác biệt của những người sở hữu. Bởi họ sẽ được xã hội công nhận là có lối sống xanh thân thiện với thiên nhiên, bất chấp chi phí xây dựng “khủng” và thời gian chờ đợi kéo dài.
Với một số công ty xây dựng nhà cây nổi tiếng như Tree Top Builders (Mỹ), Baumraum (Ðức), Castles Carey (Anh) hay Rêve de Cabane (Pháp), chi phí xây dựng nhà cây tối thiểu là từ 9.000 USD/dự án, thậm chí có thể lên đến 700.000 USD/dự án cho thành phẩm thô chưa có các kết cấu phụ đi kèm.
Chi phí và thời gian đi kèm ở đây chính là sự phức tạp khi phải chứng minh cho các nhà chức trách như bộ xây dựng, bộ môi trường, bộ văn hóa... về việc công trình không xâm hại đến cây chủ cũng như môi trường xung quanh. Từ chất lượng của loại sơn trên gỗ, chất khử côn trùng hay từng ốc vít và dây văng đều được kiểm tra nhiều lần trước, trong và sau quá trình xây dựng. Vì vậy, mỗi ngôi nhà trên cây khi hoàn thành đều thỏa mãn yêu cầu của giới thượng lưu là độc nhất và không hề có phiên bản thứ 2.
Theo thống kê của Tổ chức Nhà trên cây Quốc tế, thời gian trung bình để hoàn thành nhà cây là 4-6 tuần, phụ thuộc vào kích thước, độ phức tạp thiết kế và sự thuận tiện trong việc tiếp cận nơi xây dựng. Hằng năm, chỉ tính riêng quy mô thị trường nhà trên cây hướng tới mục đích sở hữu cá nhân của các gia đình giàu có trên toàn cầu đã lên tới gần 2 tỉ USD.
Kinh doanh nhà trên cây
Ðến thời điểm hiện tại, các hình thức kinh doanh nhà trên cây đã không còn quá xa lạ. Chúng được xây dựng với nhiều mục đích như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cho bất kỳ ai yêu thích một không gian gần gũi với thiên nhiên và muốn trải nghiệm cảm giác mới lạ trên cây. Số lượng khách sạn, nhà hàng trên cây hiện nay đã lên đến hàng trăm.
Khu vực rừng già tại các quốc gia vùng Bắc Mỹ, châu Âu và một số nước nhiệt đới châu Á là nơi tập trung rất nhiều ngôi nhà trên cây. Chi phí đầu tư một nhà cây có thể khai thác thương mại ở mức từ 100.000 USD cho đến vài triệu USD. Khách sạn trên cây (treehotel) có ưu thế vượt trội nhờ chủ yếu được xây dựng trong các khu rừng ôn đới hoặc nhiệt đới không khí trong làm, xanh mát, cho phép du khách có thể tự do di chuyển khám phá khu rừng và các loài động thực vật ở đó.
Một số khách sạn cây nổi tiếng thế giới như Green Village (Bali, Indonesia), Tree House Lodge (Limón, Costa Rica), Domaine de la Romaningue (Gironde, Pháp) có mức giá phòng dao động từ 50-900 USD/đêm tùy chất lượng. Ngoài việc cho thuê phòng, các khách sạn cây còn kết hợp làm nhiều dịch vụ về du lịch khác. Ví dụ như khách sạn Brazil’s Ariau Amazon Towers là cụm khách sạn trên cây quy mô lớn nhất thế giới. Khu nghỉ dưỡng này mang tới cho du khách trọn gói dịch vụ khám phá Amazon, bao gồm toàn bộ lịch trình du lịch với rất nhiều hoạt động giải trí trong rừng.
Việt Nam hiện chưa có bất kỳ quy định nào cụ thể trong việc xây dựng nhà cây. Hầu hết các ngôi nhà trên cây được xây dựng nhỏ lẻ, mang tính giải trí vui chơi là chủ yếu. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 20 ngôi nhà trên cây được đưa vào khai thác thương mại. Trên một số website tìm phòng ở như Airbnb, nhà cây được đưa lên giao dịch cho thuê với mức giá từ 15-800 USD/đêm, hầu hết tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Khách thuê chủ yếu là các du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch.
Với xu hướng độc lạ và gần gũi giao hòa với thiên nhiên, nhiều hình thức khách sạn mới đã và đang phát triển như khách sạn dưới nước hay khách sạn băng tại các vùng cực. Trong bối cảnh đó, khách sạn trên cây cũng là một trào lưu mới mẻ từ “bụi” cho đến cao cấp tại nhiều nơi trên thế giới, từ Mỹ tới New Zealand. Theo The Wall Street Journal, các phòng khách sạn kiểu này có giá biến động từ 50-900 USD/đêm và đang nổi lên như một hình thức cạnh tranh mới với các khách sạn dưới nước và băng tuyết.
An Cầm