Nhà trẻ Khu công nghiệp Tây Bắc. Ảnh: baodansinh.vn.
Xây trường chăm trẻ trong khu công nghiệp
Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), chỉ riêng ngành giày da, dệt may đã cần bổ sung đến hàng triệu lao động trong những năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung lao động ở Việt Nam đang suy giảm. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm chỉ có thêm khoảng 500.000 người tham gia thị trường lao động, ước tính lực lượng lao động Việt Nam sẽ co hẹp thêm 5%, tương đương giảm 2,75 triệu lao động vào năm 2040, theo World Bank.
Dưới áp lực thiếu hụt lao động, sự tham gia của lao động nữ là rất cần thiết. Nhưng để các nữ nhân viên yên tâm làm việc, cần phải giải quyết nỗi lo của họ, nhất là những người làm mẹ. “Tôi hiểu những phụ nữ trẻ có con khó khăn như thế nào khi phải đi làm và chăm sóc gia đình và tôi nghĩ việc hỗ trợ một trường mẫu giáo có thể giúp ích cho họ”, Sy Kim, Tổng Giám đốc Công ty Now Vina, nhận xét.
Xây trường học là giải pháp mà đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất có số lượng lao động lớn đang hướng đến. Ngoài việc giúp tăng năng suất, giảm tỉ lệ vắng mặt đột xuất, giảm tần suất nhảy việc, đây còn là một trong những lợi thế tuyển dụng. Ông Đinh Sỹ Phúc, Trưởng ban Liên đoàn Lao động Công ty Taekwang Vina, chia sẻ: “Nếu không có trung tâm giữ trẻ tại nhà máy, chúng tôi sẽ mất rất nhiều lao động nữ không thể làm việc do khó khăn trong việc nuôi dạy con cái của họ trong giai đoạn đầu”.
Trong báo cáo trực tuyến “Lợi ích kinh tế dành cho doanh nghiệp hỗ trợ người lao động chăm sóc trẻ em tại Việt Nam” do IFC công bố ngày 27.8.2020, các doanh nghiệp sản xuất giày da và dệt may lớn như Evervan (Bình Dương) Feng Tay, Taekwang Vina (Đồng Nai), Greenland (Hải Phòng), Now Vina (Phú Thọ) đều đã tự xây dựng trường và trả lương cho giáo viên để nuôi dạy con của người lao động với khoản đầu tư từ 30.000-400.000 USD trở lên. Bù lại là lợi ích kinh tế từ việc ổn định nhân sự.
Dù vậy, tình trạng thiếu hụt trường chăm trẻ ở các khu công nghiệp vẫn rất cao. Hiện vẫn có trên 70% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ngần ngại mở trường vì đủ tiềm lực tài chính chỉ mới là bước đầu tiên.
Có thể thấy, để thành lập trường mầm non tư thục, ngoài việc trang bị đủ các điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, phòng nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, nhà bếp... doanh nghiệp còn phải làm thủ tục thành lập trường và đề nghị cho phép hoạt động giáo dục. Đi kèm là xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn, đủ về số lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bà Amy Luinstra, Giám đốc Chương trình Giới tính và Phát triển kinh tế của IFC, chia sẻ: “Ở các quốc gia khác, chúng ta có thể thấy các mô hình nhượng quyền hoặc cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em quy mô lớn hơn đang di chuyển vào các thành phố và khu công nghiệp. Thay vì tự bản thân một doanh nghiệp mở trường, kinh doanh nhượng quyền có thể giảm thiểu nhiều rủi ro”.
Tìm kiếm những mô hình có thương hiệu tốt và tiến hành nhượng quyền cho khu vực này là cần thiết vì sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm thiểu rất nhiều vấn đề về quản lý hành chính pháp lý, tiêu chuẩn lớp học, đào tạo nhân sự, thuận tiện cho các cơ quan quản lý giám sát hơn so với việc doanh nghiệp tự chủ động xây dựng tiêu chuẩn riêng.
Đặc thù thời gian giữ trẻ trong khu công nghiệp có rất nhiều khác biệt so với các trường mầm non công lập. Giáo viên thường phải ở lại trường trễ hơn và cần hoạt động thêm vào thứ Bảy. Đơn cử như thực trạng thiếu các trường mầm non tổ chức giữ trẻ ngoài giờ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là nỗi lo lắng của hàng ngàn công nhân TP.HCM. Các trường mầm non công lập chỉ đáp ứng 15% nhu cầu, 85% còn lại phải dựa vào các cơ sở giáo dục mầm non tư thục, theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, báo cáo về giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất (năm 2019).
Trong 8 phương án hỗ trợ người lao động với trách nhiệm chăm sóc của doanh nghiệp, việc xây trường riêng hoặc hợp tác với doanh nghiệp khác là 2 phương án đáp ứng nhu cầu của người lao động cao nhất. Nghiên cứu của IFC đưa ra 8 phương án gồm: (1) nhà trẻ trong khuôn viên hoặc gần nơi làm việc; (2) thuê chỗ tại các cơ sở bên ngoài hoặc hợp tác với doanh nghiệp khác để cung cấp dịch vụ; (3) hợp tác với chính quyền địa phương; (4) phòng vắt sữa; (5) trợ cấp nuôi con nhỏ cho nhân viên; (6) kéo dài thời gian trông trẻ, cụ thể là nhận trẻ sớm, trả trẻ muộn, nhận trông trẻ buổi tối và cuối tuần; (7) dịch vụ trông trẻ tạm thời/khi cần gấp; (8) các buổi phổ biến kiến thức làm cha mẹ.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, cũng cho rằng: “Cần đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục mầm non nói chung và giáo dục mầm non ở các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có rất nhiều chính sách ưu tiên đối với giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất. Nghị định có hiệu lực từ 1.11.2020”.