Võ thuật: Mỏ vàng bị bỏ quên
Mạng xã hội tuần qua thực sự dậy sóng với cuộc tỉ thí giữa cao thủ Karate Việt Nam là võ sư Đoàn Bảo Châu và võ sư Vịnh Xuân người Canada Pierre Francois Flores. Bỏ qua những yếu tố như “tinh thần thượng võ” thì những cuộc đấu võ thuật luôn được coi là cơ hội kinh doanh rất hiệu quả.
Cùng thời điểm diễn ra trận đấu “không được cấp phép” giữa võ sư Đoàn Bảo Châu với võ sĩ Flores, cuộc họp báo đầu tiên giữa siêu sao quyền Anh Floyd Mayweather với siêu sao MMA (võ tự do) Conor McGregor cũng được tổ chức, thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên một cuộc đấu như vậy được lên lịch chính thức và đương nhiên mục đích chính của các nhà tổ chức là tiền, chứ không phải tinh thần thượng võ này nọ. Đấy là lý do mà truyền thông quốc tế đã đặt cho nó những cái tên như The Money Fight hay The 180 Million Dollar Dance.
Năm 2015, “trận đấu thế kỷ” giữa Mayweather với võ sĩ huyền thoại người Philippines Manny Pacquiao đã thu về 4,4 triệu USD tiền vé, đồng thời lập kỷ lục về lợi nhuận thu từ hệ thống truyền hình trả tiền (PPV) là 410 triệu USD. Món hời như vậy khiến các nhà tổ chức luôn ngóng chờ một trận đấu tương tự. Ngặt nỗi, Mayweather sau đó không lâu đã tuyên bố giải nghệ trong khi những võ sĩ còn đang thi đấu lại không tạo được sức hút.
Do đó, các nhà tổ chức dựng lên một cuộc đấu vô tiền khoáng hậu, giữa một bên là nhà vô địch boxing, còn một bên là nhà vô địch võ tự do trên sàn UFC. Theo thỏa thuận, Mayweather sẽ nhận được ít nhất 100 triệu USD cho lần thượng đài vào ngày 26.8 tại Las Vegas và số tiền sẽ còn tăng hơn nữa nếu như các cột mốc doanh thu từ PPV bị phá vỡ. McGregor sẽ nhận khoảng 75 triệu USD.
Tóm lại, trong thời đại mà các chương trình giải trí trên truyền hình lên ngôi thì những cuộc đấu võ thuật như giữa Mayweather và McGregor cũng có thể coi là một game show lạ miệng, thế chỗ cho những cuộc thi hát kiểu The Voice hay American Idol đã dần trở nên nhàm chán. Mọi yếu tố như tinh thần thượng võ, trượng nghĩa... đều bị xếp sau yếu tố kim tiền.
Nhưng điều đó không quan trọng, bởi ít ra trận đấu đó sẽ tạo ra một lượng công ăn việc làm đáng kể, đồng thời chuyển khoản thuế kha khá vào ngân sách liên bang (Mỹ). Không chỉ Mỹ, nhiều nước trên thế giới cũng dùng những cuộc đấu võ để làm đòn bẩy kinh tế, chẳng hạn như kích cầu du lịch, mà Thái Lan là một điển hình. Những người đã có dịp đi du lịch Bangkok hẳn đều đã được mục kích khán đài Muay Thai khổng lồ được dựng bên ngoài trung tâm mua sắm MBK nổi tiếng. Thậm chí, họ cũng đã xuất khẩu các trận đấu Muay Thai sang tận... Việt Nam, đồng thời truyền trực tiếp trên sóng truyền hình cáp.
Trong khi đó, do nhiều rào cản về mặt pháp lý và chủ yếu là đạo đức, những cuộc đấu võ mang hơi hướng tự do như thế vẫn còn bị hạn chế ở Việt Nam, bởi cơ quan quản lý cho rằng quá bạo lực, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt.
Vài năm trước, dư luận cũng từng quan tâm đến vụ võ sĩ kiêm diễn viên điện ảnh nổi tiếng Johnny Trí Nguyễn bị phạt vì định tổ chức một giải đấu tại võ đường của mình ở TP.HCM. Hay năm ngoái, một công ty truyền thông muốn “giải ngân” khoảng 20 tỉ đồng tiền tài trợ của một nhãn hàng nước giải khát nên có ý định kết nối với Liên đoàn Võ thuật Việt Nam tổ chức một giải đấu võ kiểu tự do, song cũng không đi đến đâu do không tìm được giấy phép.
Thế nên, dường như chúng ta đang bỏ qua một “mỏ vàng”, dù đến cả Myanmar cũng đã tham gia vào vòng quay hái ra tiền này với giải võ tự do lớn nhất châu Á vừa được tổ chức và tạo nên cơn sốt thực sự. Riêng video phát trực tiếp trên Facebook đã thu hút tới 5,4 triệu lượt xem chỉ trong 1 ngày, mở ra cơ hội đầu tư vô cùng hứa hẹn.
Trong một lần trao đổi với người viết, người phụ trách truyền thông của ONE Championship, ông Loren Mack cho biết giải đấu này cũng đã muốn nhắm tới thị trường Việt Nam, song còn quá nhiều rào cản mà họ chưa thể vượt qua nổi. Vì thế, những cuộc đấu tương tự có lẽ vẫn nằm ở quy mô “giao lưu nội bộ” như trận đấu của võ sư Đoàn Bảo Châu mới đây mà thôi.
Hoài Sa