Ảnh: Thanh Hằng.

 
Kim Thùy Thứ Sáu | 10/01/2020 16:49

Việt Nam: Nguy cơ tuyệt chủng rùa biển cao nhất thế giới

Trong khi nạn buôn bán lậu không giảm thì luật pháp tại việt nam còn lỏng lẻo, khiến rùa biển đứng trước nguy cơ tuyệt chủng...

Số lượng rùa biển đẻ trứng giảm hơn 20 lần trong 3 thập niên qua, đồi mồi dứa và đồi mồi là 2 trong số 5 loài rùa biển trong danh sách bảo tồn đang cư trú ở Việt Nam vừa được xác nhận biến mất tại các vùng biển miền Nam Trung Bộ... Ngày càng có thêm nhiều báo cáo về tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp đã đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia đe dọa tuyệt chủng rùa biển cao nhất thế giới hiện nay.

Theo thông tin từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), quá trình trưởng thành của một con rùa cần tới 35 năm. Để thụ thai, rùa đực và rùa cái phải giao phối đến 72 giờ. Đến mùa sinh sản, rùa mẹ có thể sinh từ 8-11 tổ, mỗi tổ từ 70-200 quả trứng. Dù vòng đời lên đến hơn 80 năm nhưng tỉ lệ sống sót và trưởng thành của loài vật này khá thấp, chỉ xấp xỉ 1/1.000. Kỹ thuật nuôi ấp nhân tạo phức tạp, trong khi nhu cầu sử dụng trứng, rùa biển làm thức ăn, thuốc đông y, đồ thủ công mỹ nghệ vẫn rất cao khiến việc bảo tồn và duy trì số lượng rùa biển trong tự nhiên gặp không ít khó khăn.

 

Mới đây tại Đà Nẵng, đã diễn ra Hội nghị ký kết Bản ghi nhớ về quản lý, bảo tồn rùa biển và môi trường sống của chúng ở khu vực vùng biển Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Tại đây, ông Jake Brunner, đại diện IUCN tại Việt Nam, cho biết: “Một trong những lý do dẫn đến tình trạng suy giảm số lượng rùa biển là do khai thác quá tải các bãi đẻ của rùa, đánh bắt và buôn bán bất hợp pháp rùa biển và các sản phẩm làm từ rùa, gây mất sinh cảnh, nguồn thức ăn của rùa, chất lượng môi trường suy giảm”.

Việc buôn bán bất hợp pháp và thương mại quốc tế về rùa biển liên quan đến Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong 30 năm qua, mặc dù đã có luật pháp bảo hộ từ những năm 1990, nhưng có vẻ như việc buôn bán rùa biển chỉ là chuyển từ hình thức công khai sang thị trường ngầm.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất do TRAFFIC và Ban Thư ký CITES (Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp) về tình trạng buôn lậu rùa biển ở 3 quốc gia Indonesia, Malaysia và Việt Nam, công bố tháng 9.2019, Việt Nam là nơi cung cấp nguồn rùa chính để đáp ứng nhu cầu trong nước và ngày càng bị liên lụy là nguồn cung cấp rùa nhập lậu cho các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Pháp trong vai trò là một thị trường tiêu thụ và là tuyến đường quá cảnh trong việc buôn bán rùa biển.

Cụ thể, từ năm 2015 đến tháng 7.2019, trên địa bàn 3 quốc gia trong nghiên cứu đã phát hiện, thu giữ ít nhất 2.354 cá thể rùa, cả sống và chết trong 163 vụ việc cùng hơn 91.000 quả trứng rùa (hơn 75.000 quả trứng thu ở Malaysia), gần 3.000 mai và 1,7 tấn thịt rùa. Việt Nam liên đới trên 75% số vụ trong đó có ít nhất 782 cá thể đồi mồi được phát hiện, thu giữ với hơn 380 cá thể có nguồn gốc từ Haiti và được chuyển từ Pháp về Việt Nam.

Nghiên cứu này bao gồm các cuộc khảo sát nhanh về thị trường ở các địa điểm được chọn trong Indonesia, Malaysia và Việt Nam cũng như phân tích dữ liệu thu giữ từ năm 2015 đến tháng 7.2019. Các vị trí quan trọng đã được truy cập trong mỗi vị trí đất nước bao gồm các thị trường, cửa hàng lưu niệm, bãi biển làm tổ, trại sản xuất rùa và các trang buôn bán rùa qua internet.

 

“Rùa biển từ lâu đã bị đe dọa. Nghiên cứu của chúng tôi trong những năm qua liên tục cho thấy mức độ thương mại bất hợp pháp đáng kể ở nhiều quốc gia trong khu vực và rất ít bằng chứng cho thấy các mối đe dọa với rùa giảm đi”, bà Kanitha Krishnasamy, Giám đốc TRAFFIC Đông Nam Á, cho biết. Ở Việt Nam, trước năm 2002, các nghiên cứu đã chứng minh rằng việc buôn bán các sản phẩm rùa biển ở Việt Nam đang đe dọa dân cư địa phương (CRES 1994; Duc và Broad 1995; Traffic 2004; Van Dijk và Shepherd 2004). Kể từ đó, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề về bảo tồn rùa biển bằng cách trở thành một bên ký kết một loạt công ước và hiệp ước toàn cầu và khu vực.

Trong nhiều năm nay, các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn đã được tiến hành cùng với việc nâng cao nhận thức, thực thi pháp luật hiệu quả hơn và một kế hoạch hành động quốc gia. Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) có hiệu lực ngày 1.1.2018, các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc 5 tỉ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỉ đồng đối với tổ chức, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân. Điều này cho thấy nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Nhìn chung, luật tuy đã có nhưng vẫn chưa có cơ quan chịu trách nhiệm chính và giới hạn khác nhau trong nhiều quy định khiến việc kiểm soát trở nên phức tạp, vì Việt Nam vẫn cho nuôi rùa thương mại, việc phân biệt rùa nuôi và rùa tự nhiên không hề dễ dàng.

►Vải da từ lá dứa

►Ăn tôm nhớ giữ vỏ!