Vì sao dân quần vợt thà mặc đồ trắng hơn bỏ chơi?
Tại Wimbledon, mọi tay chơi được yêu cầu phải mặc trang phục "toàn trắng" hoặc "chủ yếu là màu trắng".
Giải Wimbledon là giải vô địch quần vợt Anh. Wimbledon không đại diện cho mọi hệ thống thi đấu của làng quần vợt thế giới, nhưng đây là giải lâu đời, uy tín nhất của môn quần vợt và thuộc hệ thống giải Grand Slam danh giá. Grand Slam chỉ có 4 giải là Ôxtrâylia mở rộng, Pháp mở rộng (Roland Garros), Anh mở rộng – Wimbledon và Mỹ mở rộng (US Open - diễn ra trong tháng 9 tới).
Wimblendon năm nay đã diễn ra trong tháng 7, nhưng câu chuyện về mũ trắng, băng-đô trắng, váy trắng, giày trắng, dây cổ tay trắng, thậm chí đồ lót trắng hay bất cứ thứ gì tay vợt khoác lên người khi tham dự trận đấu - đều trở thành 1 trong vài niềm tự hào của cả người dự giải lẫn người Anh khi nhắc đến Wimbledon năm nay.
Đặc biệt, từ năm 2014, mọi tay vợt tham dự Wimblendon buộc phải mặc đồ toàn trắng.
Năm ngoái, các quan chức của Wimbledon nói với Roger Feferder đế giày của anh quá lòe loẹt. Anh buộc phải đổi giày trong trận đấu tới. Ảnh: New York Times |
Tay vợt 7 lần vô địch Wimbledon Roger Feferder khi được hỏi về bộ quy tắc này đã thốt lên bức xúc "Trắng, trắng, toàn trắng. Khắc nghiệt quá. Tôi nghĩ gì à? Tôi thấy quy tắc đó quá khắc nghiệt".
Trên thực tế, các nhà thiết kế quần áo và từng tay vợt tham dự Wimbledon đã được khuyến cáo trước về quy tắc mới và bị buộc phải tuân thủ. Trong vòng loại, tay vợt Rhyne Williams được yêu cầu phải lấy băng keo màu trắng che phần dưới mũ màu đen, trước khi tiếp tục chơi. Ngay cả Martina Navratolova, người 9 lần vô địch Wimbledon cũng bị phê bình là "chống đối quy tắc đồ trắng" vì mặc váy sọc xanh trong một trận đấu đôi.
Navratilova khi đó than phiền không biết truyền thống còn có vai trò gì ở Wimbledon không - khi cô không được phép mặc loại đồ thi đấu từng được dùng qua hàng thập kỷ, thậm chí chúng vẫn được trưng bày trang trọng trong bảo tàng Wimbledon.
Quy tắc toàn trắng xuất hiện khi vài năm trước, khi các hãng thời trang bổ sung một số màu lòe loẹt vào trang phục thi đấu của Wimbledon với mục đích tạo điểm khác biệt giữa biển trang phục màu trắng. Năm 2010, Serena Williams mặc váy trắng sọc đỏ và quần sooc đỏ tươi. Tay vợt giải thích mặc như vậy là để tôn vinh dâu tây và kem, hai món đồ ăn vặt truyền thống tại Wimbledon.
Serena Williams mặc váy viền đỏ với ý định tôn vinh món dâu và kem truyền thống của Wimbledon. Ảnh: New York Times |
Hiện tượng trang phục trắng trong quần vợt xuất hiện cuối những năm 1800. Bấy giờ, nhiều người quan niệm đồ thể thao trắng có thể che đi các vệt mồ hôi kém thẩm mỹ trong bối cảnh quần vợt trở nên thịnh hành trong các buổi tụ họp xã hội.
Trong cuốn "Thời trang quần vợt: Hơn 125 năm biến đổi", tác giả Valerie Warren chỉ rõ, "một vấn đề nan giải trong môn quần vợt là chuyện đổ mồ hôi. Trong trận đấu yêu cầu người chơi phải di chuyển liên tục, trang phục màu mè khiến các vết mồ hôi rõ mồn một. Cảnh tượng một quý cô loang lổ vết mồ hôi trên đồ thi đấu thật là khó chấp nhận".
Từ sau đó, chuyện mặc đồ trắng tại giải Wimbledon đơn thuần là một loại lễ nghi truyền thống, không phải là quy định bắt buộc.
Đến năm 1947, môn quần vợt lại đón nhận một chuyện mới.
Ông Ted Tinling, tay vợt người Anh, là người đi tiên phong trong mảng thời trang quần vợt nữ. Sau khi giải nghệ, ông ra mắt một trong những dòng trang phục màu tại giải Wimbledon năm 1947, với viền màu xanh nhạt và hồng đặc trưng.
Trong hồi ký "60 năm quần vợt", ông Tinling nhớ về vụ náo động do một chiếc váy gây ra. Bấy giờ, một tay vợt nữ mặc một chiếc váy có màu tương tự với những thiết kế của Ted Tinling, tham dự giải quần vợt Wightman Cup. Bà Hazel Wightman, mẹ đẻ của nền quần vợt Mỹ và người đứng đầu giải Wightman Cup, đã lên tiếng phản đối đồ quần vợt có màu. Bà Hazel thậm chí còn cho rằng tay vợt nữ kia sẽ thua cuộc vì "cô ta quá tập trung vào màu sắc trên chiếc váy".
Ngày hôm sau, bà Wightman đề nghị hội đồng Wimbledon cấm loại váy có màu đó. Tới năm 1949, mọi phòng thay đồ tại giải Wimbledon treo biển "Mọi tay vợt buộc phải mặc đồ toàn trắng".
Khi giải Mỹ mở rộng trở thành giải đấu đầu tiên chấp nhận đồ thi đấu có màu (năm 1972), giải Wimbledon không mảy may bị ảnh hưởng. Thậm chí trong 1 thập kỷ sau, bộ quy tắc dành cho các tay vợt Wimbledon qui định rõ "Người Anh vẫn chuộng xem thi đấu quần vợt và cricket trong trang phục màu trắng".
Song, vẫn xuất hiện những chiếc áo phông, váy màu tại các giải đấu và mọi tay vợt vẫn nhìn nhau xem quy tắc đồ trắng bị vượt rào tới mức nào.
"Tôi mặc đồ toàn trắng, họa tiết hoa cũng trắng, nhưng có ít sọc đỏ nhỏ xíu và không bắt mắt lắm. Nhưng có một người nhìn ra được mấy cái sọc này và buộc tôi quay về phòng thay đồ để mặc đồ mới", cô Chris Evert, người 3 lần vô địch Wimbledon cho biết.
Việc tuân thủ quy tắc đồ trắng cũng bắt buộc phải nhất quán.
Cựu tay vợt số 1 thế giới người Thụy Điển, Björn Borg, từng giành 11 Grand Slam đơn nam trong sự nghiệp, kiêng những điều không giống ai khi tham dự giải Wimbledon từ năm 1976 đến năm 1980.
Borg luôn để ria mép và mặc một chiếc áo trắng có sọc xanh nhỏ, cổ màu xanh đậm khi tham dự giải đấu trên đất Anh. Chiếc áo trở thành món đồ mốt của hãng thời trang thể thao Fila.
Về sau, hãng Fila đưa thiết kế này vào bộ sưu tập thời trang quần vợt tôn vinh quá khứ, nhưng hội đồng đứng đầu All England Club (khu tổ hợp tổ chức giải Wimbledon hàng năm) từ chối thông qua. Theo đó, điều luật về áo phông toàn trắng phải được thực hiện nhất quán từ Ý tới Anh.
Ông Danny Lieberman, phó chủ tịch mảng thời trang của Fila cho biết doanh số từ trang phục màu trắng có khuynh hướng giảm so với doanh số của trang phục cùng thiết kế nhưng có màu sắc lòe loẹt.
"Nhìn chung ở Mỹ, trang phục toàn trắng không phải là loại bán chạy nhất. Người Mỹ thích đồ màu mè".
Song, Serena Williams, tay vợt kỳ cựu tại Wimbledon khá lạc quan về qui định trang phục mới: "Tôi nghĩ đó là một thay đổi hay ho". Serena Williams hiện đang sở hữu một công ty thời trang riêng mang tên EleVen, cô cũng là một trong vài người mặc đẹp nhất trong mọi giải quần vợt.
Cựu danh thủ Arthur Ashe, một trong những nhà vô địch lớn trong lịch sử Wimbledon nói: “Một trong những điều làm nên sự đặc biệt của Wimbledon là truyền thống của giải đấu này. Wimbledon nêu cao những giá trị và truyền thống của nước Anh, ai cũng biết Anh là quốc gia đạt đỉnh cao về những giá trị của truyền thống”.
Tổng số tiền thưởng tại đấu trường Grand Slam sân cỏ 2014 là 42 triệu USD. Chức vô địch đơn nam, đơn nữ Wimbledon năm nay là 2,9 triệu USD, tăng 10% so với mùa hè năm ngoái. Khoản tiền thưởng dành cho các tay vợt đánh đôi bị loại tại 3 vòng đầu tiên tăng hơn 100%. Cặp vận động viên phải ra về ngay vòng đầu nhận 45.450 USD, tăng 14,9%. Tiền thưởng cho nội dung đôi nam, đôi nữ tăng 8,7% và nội dung đôi nam-nữ tăng 6,1%.Các vận động viên dự giải đều nhận tiền thưởng. Để tăng thưởng, các sân cỏ tại Wimblendon đều hướng tới việc mở rộng khán đài. Sân Trung tâm của Wimbledon ngoài việc chuẩn bị xây sân có mái che đóng mở tăng 900 ghế, nâng tổng số ghế ngồi lên 12.400 chỗ. Đây là nỗ lực của nhà tổ chức nhằm giúp các tay vợt chi kinh phí khổng lồ tới giải Grand Slam đắt đỏ có khoản kinh phí bù đắp sự mất mát của mình. Mặc dù All England Club là nơi tổ chức Wimbledon hàng năm nhưng bản thân tổ hợp này lại không thu về bất kỳ một khoản lời lãi nào sau mỗi lần tổ chức. Tất cả các khoản tiền lãi thu được từ sự kiện này sẽ được chuyển cho Hiệp hội Tennis để phục vụ cho công tác đào tạo và phát triển môn thể thao này ở nước Anh. |
Nguồn GAFIN/DVO