Ảnh: Ananas-anam.com

 
Kim Thùy Thứ Sáu | 13/12/2019 21:09

Vải da từ lá dứa

Ô nhiễm sản xuất vải da từ lá dứa ít hơn 20% so với sản xuất vải da từ động vật...

Không còn được xem là phụ phẩm của nông nghiệp, lá dứa có tiềm năng mang lại doanh thu 3,4 tỉ USD cho Việt Nam, bằng cách sử dụng lá dứa để sản xuất vải da thay thế cho vải da làm từ động vật.

Việt Nam là nước có sản lượng dứa đứng thứ 10 trên thế giới, với tổng diện tích trồng dứa cả nước khoảng 34.642ha và sản lượng đạt 555.047 tấn (theo FAO, 2016). Nhưng đầu ra của dứa hiện nay chủ yếu vẫn là bán trái thô, sản lượng chưa ổn định, trong khi giá phụ thuộc nhiều vào thương lái, khiến nông dân gặp không ít khó khăn.

 

Anh Hữu Hạnh, nông dân trồng dứa sạch ở vùng đất Quỳnh Lưu (Nghệ An), chủ Nông trại Dứa Hạnh Phúc, chia sẻ: “Thời gian để thiên nhiên tạo ra một quả dứa Hạnh Phúc mất tới 18 tháng, lâu gấp 2 lần thời gian một đứa trẻ ra đời. Dứa kể từ khi ra quả đến lúc chín tự nhiên là khoảng 6-8 tháng và chỉ thu hoạch phần trái là chính”. 

Tại huyện Quỳnh Lưu, dứa được xem là loại cây trồng chủ lực, giúp người dân cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nhưng trong mùa vụ năm 2019, dứa quả to có giá chỉ từ 3.000-3.500 đồng/kg, loại nhỏ 1.000-1.500 đồng/kg. Nhận thấy không thể chỉ phụ thuộc vào việc bán trái thô, anh Hạnh đã nghiên cứu thêm các sản phẩm mới làm gia tăng giá trị cho trái dứa như detox dứa, mứt dứa... Thương hiệu Dứa Hạnh Phúc đã đi đến nhiều vùng miền trên quê hương Việt Nam từ Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP.HCM... và cả nước ngoài nhưng lợi ích kinh tế vẫn chưa cao.

Khi được hỏi anh có biết về vải da từ lá dứa, anh Hạnh khá mơ hồ. Anh Hạnh cũng như bao chủ vườn dứa ở Việt Nam vẫn chỉ nhìn giá trị của cây dứa qua việc thu hoạch trái mà chưa biết rằng trên thế giới, lá dứa cũng mang lại giá trị kinh tế cao không kém, tiêu biểu là vải da từ lá dứa (Pinatex). “Đó là một vật liệu tự nhiên, hoàn toàn được làm từ sợi lá dứa”, Tiến sĩ Carmen Hijosa ở Anh cho biết.

Ngành công nghiệp dứa trên toàn cầu sản xuất khoảng 13 triệu tấn chất thải, trong đó 40.000 tấn là lá dứa, thường bị đốt cháy hoặc thối rữa. Công ty Ananas Anam sử dụng lá dứa này và chiết xuất chất xơ để tạo ra Pinatex. Sinh khối còn lại sau khi loại bỏ chất xơ cũng không bị lãng phí, mà trở thành một loại phân bón tự nhiên rất giàu chất dinh dưỡng cho đất.

Các sợi tơ dứa sau khi chiết xuất được rửa và sấy khô. Khi các sợi đã khô, chúng bị khử màu và pectin được giải phóng khỏi sợi (pectin là phân tử làm cho lá cứng). Khi pectin đã được loại bỏ, sợi dứa trở thành một vật liệu mềm và dẻo, giống như bông. Các sợi trở thành một tấm lưới không dệt bằng cách đâm hàng ngàn cây kim vào các sợi trong một quy trình cơ học, công nghiệp để tạo ra một cấu trúc giống như nỉ.

 

Pinatex thô tiếp tục được chuyển đến Tây Ban Nha để được xử lý tiếp thành vật liệu có cảm giác bề mặt và độ bền giống như da, nhờ sử dụng một quy trình đặc biệt. “Đây là bước cuối cùng và sau đó vật liệu được đóng gói thành cuộn, được giao trực tiếp cho nhà thiết kế và thương hiệu độc quyền như chúng tôi”, thông tin từ Ananas Anam cho biết.

Dựa trên dữ liệu của Công ty, ước tính ô nhiễm sản xuất da tự nhiên này ít hơn 20% so với sản xuất da động vật với giá chỉ 18 bảng Anh/m2, rẻ hơn 40% so với da thuộc, có giá từ 20-30 bảng Anh/m2. “Vượt lên trên tất cả những lợi ích kinh tế, vải da từ lá dứa có tính đạo đức hơn nhiều vì không có động vật hay con người bị tổn hại trong quá trình sản xuất”, Tiến sĩ Carmen Hijosa chia sẻ.

Theo Ananas Anam, tại thời điểm này, tất cả các lá dứa cho Pinatex đến từ Philippines, quốc gia số 1 về xuất khẩu dứa. Mặc dù tiềm năng phát triển vải da dứa ở Việt Nam không hề thua kém Philippines, nhưng lại vấp phải rào cản lớn nhất là độc quyền công nghệ. Bởi lẽ, quy trình sản xuất được cấp bằng sáng chế bởi Tiến sĩ Carmen Hijosa và chỉ có thể được sản xuất và cung cấp bởi Ananas Anam.

Trong khi Ananas Anam đang nỗ lực mở rộng ra nhiều quốc gia hơn, thì các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn im ắng. Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam 2019, nguồn nguyên liệu của ngành sợi là bông và sơ hầu như đến từ nhập khẩu. Trong đó 2 loại sợi được dùng phổ biến là sợi polyester filament, chiếm 45% tổng sản lượng tiêu thụ và sợi cotton chiếm 24,6%. Xu thế đang nghiêng về sợi polyester filament nhờ ưu thế về giá và nguồn cung ổn định. Điều đó cho thấy nguồn nguyên liệu lá dứa tuy có nhiều tiềm năng nhưng ngoài rào cản về công nghệ, cạnh tranh về giá của vải da từ sợi dứa cũng là một trở ngại để các công ty sản xuất xơ sợi ở Việt Nam quan tâm tới “mỏ vàng” này

►Ăn tôm nhớ giữ vỏ!