U19 giành vé World Cup: Nền tảng từ chiến lược bài bản
Một trong những sự kiện đình đám trong năm 2016 là đội tuyển U19 Việt Nam bất ngờ giành được tấm vé quý giá để tham dự vòng chung kết U20 thế giới trong năm nay ở Hàn Quốc.
Hành trình của đội tuyển U19 lần này không hề dễ dàng. Nhưng nhờ thể lực và chiến thuật hợp lý, đội tuyển đã lần lượt vượt qua các đối thủ rất mạnh như đánh bại U19 Triều Tiên 2-1, hòa UAE và Iraq trước khi bất ngờ đánh bại chủ nhà Bahrain 1-0 ở trận quyết định để giành chiếc vé tham dự vòng chung kết. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cùng với Myanmar là hai đội tuyển duy nhất đại diện cho khu vực giành được vé. Ngay cả Thái Lan cũng ngạc nhiên với kỳ tích này.
“Cho đến lúc này, chúng ta vẫn không thể lọt vào vòng chung kết World Cup bóng đá trẻ. Trong khi đó, những người bạn láng giềng như Myanmar và Việt Nam đều làm được điều đó. Tôi không hàm ý cấp độ bóng đá trẻ Thái Lan đang xuống dốc. Tuy nhiên, bản thân chỉ thấy tiếc rằng bóng đá Thái Lan đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong quá khứ để phát triển và chúng ta nên bắt đầu xây dựng tương lai lúc này”, Huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Thái Lan Kiatisak cho biết trên tờ The Bangkok Post.
Ít ai biết được đằng sau thành công của U19 Việt Nam là sự đóng góp thầm lặng của một doanh nghiệp là Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng bóng đá Việt Nam (PVF). Đây là đơn vị đã cung cấp gần một nửa thành viên cho đội tuyển U19 như Minh Dĩ, Việt Anh, Đức Chinh, Thái Quý.
Khóa khai giảng đầu tiên của PVF quy tụ 50 học viên là các thiếu niên từ 8 tuổi trên khắp cả nước. Các em được đào tạo miễn phí trong vòng 10 năm. PVF được trang bị trang thiết bị hiện đại cùng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho các cầu thủ.
Tham gia đội ngũ huấn luyện là các chuyên gia đến từ châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, cùng nhiều cựu danh thủ nổi tiếng trong nước như Trần Minh Chiến, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Cường, Hứa Hiền Vinh... Tháng 9.2016 vừa qua, PVF cũng đã mời chuyên gia nổi tiếng người Nhật Daisuke Machinaka về tham gia đội ngũ huấn luyện. Đây là người đã 2 lần đưa đội U18 Gamba Osaka giành ngôi á quân Giải U18 Nhật năm 2013 và 2014. Bên cạnh được rèn luyện các kỹ năng và tư duy chơi bóng ở cấp độ cao, các học viên ở đây còn được học văn hóa tại các trường công lập và thậm chí còn được rèn luyện tiếng Anh cho tới khi tốt nghiệp.
Đội ngũ huấn luyện từng là cầu thủ giỏi thị phạm giúp các học viên trẻ có thể tiếp thu một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, các em được cọ xát thường xuyên với hai nền bóng đá Nhật và Hàn Quốc qua các trận giao hữu ít nhất hai lần mỗi năm.
PVF nổi lên như một hiện tượng khi thành công liên tục ở các giải đấu trẻ. Ảnh: doisongphapluat.com |
Ngoài thành tích đóng góp lực lượng nòng cốt cho tuyển U19 quốc gia làm nên kỳ tích trong năm 2016, các lứa tuyển thủ khác của PVF đã gặt hái được nhiều thành tích ở cấp độ quốc gia và khu vực như Vô địch giải bóng đá U13 quốc gia 2010 và 2012, Vô địch U11 quốc gia 2011, Vô địch U15 quốc gia 2012, Vô địch U10 quốc gia 2012, vô địch U17 2014, cùng một số giải thưởng khác ở quy mô cấp khu vực.
“Với thành tích dày đặc tại nhiều giải bóng đá trẻ trong nước và quốc tế, PVF đã tạo nên thương hiệu trong giới chuyên môn và nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của phụ huynh có con em mình đang theo học”, ông Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Phó Ban Huấn luyện PVF, chia sẻ.
Khác với các mô hình hoạt động của các trung tâm huấn luyện khác, PVF đào tạo học viên không nhằm phục vụ cho bất kỳ câu lạc bộ nào. Các lứa sau khi tốt nghiệp sẽ được quyền tham gia các câu lạc bộ tại V-League nếu họ muốn. Ví dụ, lứa cầu thủ tốt nghiệp mới đây là Hà Đức Chinh, Mạc Đức Việt Anh, Đỗ Thanh Thịnh, Phạm Trọng Hóa đã được SHB Đà Nẵng tuyển chọn ký hợp đồng. Các cầu thủ Hồ Minh Dĩ, Trương Văn Thái Quý, Nguyễn Vũ Tín, Lê Thành Phong về đầu quân cho Hà Nội T&T. Đó là chưa kể một loạt các cầu thủ của PVF được Than Quảng Ninh, FLC Thanh Hóa hay Cần Thơ mượn để thi đấu ở V-League. Chất lượng đào tạo của PVF thật sự được các câu lạc bộ đánh giá cao.
Bóng đá Việt trong nhiều năm nay vẫn được xem là thiếu nền tảng cơ bản để phát triển ổn định. Các đội tuyển vì thành tích trước mắt nên không chú trọng vào khâu đào tạo trẻ. Một số câu lạc bộ có trung tâm đào tạo cho cầu thủ trẻ nhưng cơ sở vật chất, phương pháp huấn luyện vẫn còn khá hạn chế, không thể theo kịp trình độ phát triển của bóng đá thế giới. Vì thế, mô hình hoạt động của PVF hay Hoàng Anh Gia Lai Arsenal với một số cầu thủ xuất ngoại được xem có thể mang đến những giải pháp hữu hiệu mới để nâng tầm bóng đá Việt.
Những ngày đầu năm, Việt Nam cũng đón nhận một tin vui khi Liên đoàn Bóng đá Thế giới công bố quyết định nâng số đội tuyển tham gia lên 48 đội kể từ World Cup 2026. Như vậy sẽ có thêm 16 suất cho các quốc gia cạnh tranh giành phần. Nếu mặt bằng chung của nền bóng đá Việt Nam giữ được nhịp độ cải thiện giống như U19 đã làm trong năm 2016 thì cơ hội tham gia World Cup của tuyển quốc gia sẽ là một giấc mơ không quá xa vời.
Tâm Đức