Tuyển golf Việt Nam dự SEA Games 29: Có danh sẽ nên phận
Golf vốn được coi là môn thể thao quý tộc và đứng ngoài lề Olympic suốt cả trăm năm trước khi quay lại đấu trường này ở Rio 2016. Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ và đánh golf luôn nằm trong nhóm các môn thể thao được xã hội hóa mạnh nhất. Nhưng tại SEA Games 29 ở Malaysia tới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển golf sẽ dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á với nguồn kinh phí được Nhà nước hỗ trợ 100%.
Ở các kỳ SEA Games trước đây, đội tuyển golf gần như tách biệt khỏi đoàn thể thao Việt Nam. Bởi nếu như hầu hết các môn thể thao còn lại được Nhà nước bao cấp, thì các golf thủ lên đường với nguồn kinh phí tự túc hoặc vận động các nhà tài trợ. Nếu các đội đoạt huy chương ở đại hội thì khi về nước, ngoài phần thưởng cho các suất giành huy chương theo quy định, chi phí mà đội đã tự bỏ ra cho thành viên sẽ được Nhà nước thanh toán.
Nhưng ở SEA Games 29, các vận động viên golf Việt Nam sẽ được hưởng chế độ giống như các đồng nghiệp thuộc nhóm các môn thể thao Olympic là 50 USD/người/ngày. Thực tế, kinh phí dự SEA Games không phải là vấn đề lớn đối với các golf thủ, bởi đã theo đuổi môn thể thao này thì phải có chỗ dựa vững chắc từ gia đình. Vận động viên chuyên nghiệp nào cũng tự ý thức được điều đó và chuyện tự bỏ tiền túi dự các giải trong nước lẫn quốc tế đã là chuyện bình thường. Thậm chí, chi phí các golf thủ tự bỏ ra còn cao hơn nhiều so với mức 50 USD/ngày/người mà Nhà nước áp dụng, chưa kể sự hỗ trợ của các “mạnh thường quân”.
Tuy nhiên, SEA Games với người Việt Nam là một sự kiện đặc biệt, mang tính màu cờ sắc áo, nên việc lần đầu tiên đội tuyển golf được hưởng mức bồi dưỡng kể trên cũng tạo được sự hứng khởi cho các thành viên. Nói gì thì nói, sự quan tâm của Nhà nước cũng giúp cho đội tuyển golf có được sự chuẩn bị kỹ càng nhất từ trước tới nay.
Điều đó được thể hiện qua việc tổ chức đấu loại, tập trung đội tuyển dài ngày cùng những chuyến tập huấn chất lượng trong và ngoài nước. Cụ thể, ngay từ đầu tháng 8, đội tuyển golf Việt Nam đã lên đường sang Malaysia tập huấn 4 ngày ở The Mines Resort, sân thi đấu chính thức của môn golf ở SEA Games 29, đồng thời cũng là nơi tổ chức các trận đấu thuộc PGA Tour, hệ thống giải chuyên nghiệp hàng đầu thế giới.
Việc tập huấn sớm tại đây sẽ giúp các golf thủ có điều kiện làm quen với sân bãi, yếu tố tối quan trọng trong môn thể thao vốn chú trọng nhiều đến thổ nhưỡng như đánh golf. Nhưng điều quan trọng hơn cả, việc nhận được sự quan tâm từ ngành thể thao có thể là động lực mới cho các golf thủ. Chiến đấu vì màu cờ sắc áo bao giờ cũng là yếu tố tinh thần quan trọng trong thi đấu thể thao.
Dĩ nhiên, yếu tố đầu tiên cũng quan trọng không kém. Việc đội tuyển golf được chuẩn bị kỹ càng hơn hẳn các kỳ SEA Games trước còn có sự đóng góp đáng kể của các nhà tài trợ như trang phục, dụng cụ thi đấu đồng bộ. Theo đó, HS Golf Việt Nam đã trở thành nhà tài trợ trang phục chính thức của đội tuyển, phụ kiện thi đấu mang thương hiệu Chervo, còn Nike Việt Nam tài trợ giày. Nhiều tháng trước khi đội tuyển được thành lập, Công ty FLC cũng đã cam kết hỗ trợ toàn bộ chi phí thi đấu, ăn, nghỉ trong quá trình đội tuyển tổ chức huấn luyện và thi đấu vòng loại tại FLC Quy Nhon Beach & Golf Resort.
Trong khi đó, sân golf Đại Phước và Thủ Đức đã quyết định miễn phí thi đấu cho đội tuyển trong thời gian tập huấn tại những sân golf này. Riêng sân golf Thủ Đức đã bố trí những đường golf dành riêng cho đội tuyển luyện tập, cụ thể các Green (vùng cỏ quanh hố golf) được bố trí về mặt kỹ thuật giống như sân The Mines Resort để các tuyển thủ làm quen với tiêu chuẩn của sân golf chủ nhà SEA Games 29.
Không chỉ có sự đột phá trong khâu chuẩn bị, thành phần đội tuyển Việt Nam dự SEA Games 29 còn có điểm khác biệt nữa là sự pha trộn giữa các cựu binh dày dạn gồm Trương Chí Quân, Đỗ Lê Gia Đạt và Nguyễn Thảo My cùng 4 gương mặt lần đầu dự SEA Games là Đoàn Xuân Khuê Minh, Nguyễn Hùng Dũng, Hanako Kawasaki và Nguyễn Phương Toàn.
Dù mới lần đầu tiên lên tuyển nhưng những tân binh này đang đại diện cho một thế hệ golf trẻ triển vọng nhất hiện nay của Việt Nam. Nguyễn Hùng Dũng, Nguyễn Phương Toàn đều đang được đào tạo tại những học viện golf danh tiếng ở Mỹ. Một tân binh khác là Đoàn Xuân Khuê Minh đã vinh dự trở thành tuyển thủ golf quốc gia trẻ nhất trong lịch sử tham dự SEA Games ở tuổi 14. Golf thủ trẻ đến từ Hà Nội này mặc dù chưa có điều kiện như những người đồng nghiệp trên, nhưng hiện tại, đang theo học tại học viện golf David Leadbetter và trước đó tại Hanoi Golf Academy dưới sự dìu dắt của cựu golf thủ nhà nghề Nguyễn Thái Dương.
Trong khi đó, golf thủ 17 tuổi Hanako Kawasaki dù chưa từng đào tạo tại bất kỳ học viện golf nào, nhưng golf thủ mang hai dòng máu Việt - Nhật này đang nổi lên như là một ngôi sao sáng của làng golf Việt Nam hiện nay. Cô gái 17 tuổi này hiện là nhà đương kim vô địch giải vô địch Nữ Quốc gia và Giải Vô địch Trẻ Việt Nam Mở rộng, đồng thời có tên trong bảng xếp hạng chính thức các golf thủ không chuyên thế giới (WAGR).
“Chúng ta chỉ hy vọng ở nội dung đồng đội, đơn nữ. Do Thái Lan quá mạnh, nên các golf thủ Việt Nam vào tốp 5-10 cũng là một kỳ tích lớn. Dù vậy, tôi vẫn tin tưởng các vận động viên sẽ thu hẹp được khoảng cách với Thái Lan, để từ đó chúng ta có thêm niềm tin để tiếp tục phấn đấu”, huấn luyện viên golf Hà Nội Huy Tiến cho biết. Sự pha trộn ấy, cộng với việc lần đầu được “ăn cơm nhà nước” liệu có giúp golf Việt Nam làm nên chuyện ở SEA Games sắp tới.
Quang Đoàn