Hoài Sa Thứ Tư | 07/09/2016 13:00

Trung Quốc thâu tóm Châu Âu qua bóng đá

Chỉ tính từ tháng 1.2015 đến nay, tổng số tiền mà người Trung Quốc đầu tư vào các câu lạc bộ bóng đá nước ngoài đã đạt mức 2 tỷ USD.

Sau khi tấn công vào nhiều ngành công nghiệp truyền thống ở châu Âu, các lâu đài, ruộng nho ở Pháp, Ý,… các tỉ phú Trung Quốc đã chuyển hướng sang mục tiêu mới: bóng đá. Nói như tờ The Economist, bản đồ bóng đá châu Âu đang bị vẽ lại bằng chiếc bút đỏ (ám chỉ màu cờ Trung Quốc).

Màu đỏ rất có ý nghĩa trong văn hóa truyền thống của người Hoa. Thế nên, chẳng ngạc nhiên khi các tỉ phú Trung Quốc đang lên kế hoạch thâu tóm Liverpool, vốn có biệt danh The Reds (Đoàn quân Đỏ). Nhưng mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Liverpool không chỉ là một trong những đội bóng giàu truyền thống nhất nước Anh mà còn của cả châu Âu. Huấn luyện viên Arsene Wenger của Arsenal chua chát: “Cả làng bóng đá châu Âu đang bị chuyển về Trung Quốc”.

Theo Công ty Tư vấn tài chính Rhodium Group, chỉ tính từ tháng 1.2015 đến nay, tổng số tiền mà người Trung Quốc đầu tư vào các câu lạc bộ bóng đá nước ngoài đã đạt mức 2 tỉ USD. Thương vụ lớn nhất là vụ một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc, thông qua công ty có tên Sino-Europe Sports mua lại câu lạc bộ AC Milan từ tay cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi với giá 820 triệu USD. AC Milan từng là niềm kiêu hãnh trong đế chế Berlusconi, mà thông qua khẩu hiệu “Forza Milan”, tỉ phú mưu mẹo này đã leo lên chiếc ghế quyền lực nhất nước Ý. Vậy mà Berlusconi cũng phải xiêu lòng trước những chiếc vali xếp đầy đồng nhân dân tệ. Một số sân bóng ở Anh, Tây Ban Nha cũng xuất hiện các tài phiệt Trung Quốc ngồi trên hàng ghế VIP, với mức độ thâu tóm khác nhau, trong đó có Manchester City, Atletico Madrid, Espanyol, Aston Villa hay West Brom…

Trung Quoc thau tom Chau Au qua bong da
Tiền đạo người Brazil Hulk đặt chân đến Thượng Hải sau khi chuyển từ Zenit St Petersburg đến Shanghai SIPG. Ảnh: O’Globo

Con số này sẽ tiếp tục tăng. Bởi đơn giản là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn vậy! Lâu nay, ông Tập ủng hộ nhiệt thành cho việc các doanh nghiệp nước này đầu tư vào bóng đá, để đến một ngày không xa, đội bóng Thiếu Lâm sẽ vô địch World Cup chứ không chỉ là trổ oai trên bộ phim hài của Châu Tinh Trì. Nhằm thực hiện mục tiêu đó, người Trung Quốc đã lên một kế hoạch đầy tham vọng gồm 50 điểm, mà một trong những ưu tiên là đầu tư vào bóng đá ngoại để kích cầu bóng đá nội, nhằm xây dựng một đế chế hùng mạnh có giá trị 850 triệu USD vào năm 2025. Đến năm 2030, Trung Quốc sẽ đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Bước tiếp theo hẳn là vô địch World Cup như đã nói.

Theo tờ The Economist, một trong những lý do chính khiến các nhà tài phiệt Trung Quốc sốt sắng ủng hộ chiến lược của ông Tập là vì họ muốn… né chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” đang diễn ra mạnh mẽ. Ngoài ra, mua lại câu lạc bộ nước ngoài còn được xem là một cách chuyển tiền khỏi Trung Quốc, một cách đầu tư khôn ngoan né việc tỉ lệ đồng nhân dân tệ sụt giảm.

Chưa biết đầu tư có sinh lời về mặt tài chính hay không, song chắc chắn bóng đá Trung Quốc cũng sẽ được hưởng lợi về chất lượng khi các cầu thủ Trung Quốc có thể sang học việc ở nhiều câu lạc bộ châu Âu. Mặt khác, những học viện đào tạo của nhiều câu lạc bộ châu Âu rồi cũng sẽ mọc lên bên cạnh lò võ wushu “quốc hồn quốc túy” của người Trung Quốc.

Chuyên gia Mark Dreyer của trang blog China Sports Insider cho rằng tham nhũng và cá độ sẽ là lực cản lớn để bóng đá Trung Quốc có thể chuyển mình. Như thế, bóng đá đất nước 1,4 tỉ dân này cũng lại phải trông đợi vào chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của ông Tập thành công.

Hoài Sa