Thanh Hằng Thứ Hai | 21/03/2022 10:31

Trồng gần 30.000 cây gỗ lớn rừng đầu nguồn Miền Trung

Giúp phủ xanh hơn 30 ha rừng đặc đụng đầu nguồn nghèo kiệt thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Hưởng ứng ngày Thế giới Trồng cây 21.3, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia với sự hỗ trợ từ rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã có mặt cùng các bạn trẻ và người dân địa phương trồng gần 30.000 cây gỗ lớn bản địa thuộc gần 40 loài khác nhau tại Vườn Quốc Gia Bến En và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên. Hoạt động này đã giúp phủ xanh hơn 30 ha rừng đặc đụng đầu nguồn nghèo kiệt thuộc tỉnh Thanh Hóa, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiệt hại bão lũ và tạo nơi sinh sống an toàn cho các loài động vật hoang dã quý hiếm cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Thanh Hóa nói riêng, Việt Nam nói chung. 

Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới trồng cây 21/3 được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) phát động từ năm 2013 để kêu gọi các địa phương, quốc gia cùng nỗ lực trồng cây và nâng cao nhận thức bảo tồn rừng, phát triển bền vững. Ngày 21/3 còn là Ngày Quốc tế về Rừng khích lệ các quốc gia tổ chức các chiến dịch trồng rừng, trước thực trạng rừng trên thế giới đang ngày càng suy giảm về chất lượng và diện tích. 

Chiến dịch trồng rừng ý nghĩa này còn hưởng ứng và thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây của Chính phủ, góp phần thực hiện cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 (Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) tổ chức tại Vương quốc Anh vào tháng 10.202, về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Tại Việt Nam, do suy giảm chất lượng rừng, các thiên tai bão lũ, hạn mặn, ô nhiễm không khí diễn biến ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người từ nông thôn đến thành thị. COVID-19 với ảnh hưởng nặng nề không chỉ trên toàn thế giới mà cả Việt Nam cũng là một biểu hiện của mối liên kết lỏng lẻo giữa con người với thiên nhiên. Ngay sau COVID-19, chúng ta lại phải đối mặt với mối nguy lớn hơn rất nhiều, đó chính là Biến đổi khí hậu và Đại suy thoái Đa dạng sinh học.  

Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò cấp thiết của việc trồng rừng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn đại dịch tiếp theo và đẩy lùi đại suy thoái đa dạng sinh học, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã tiếp tục đẩy mạnh các chương trình trồng rừng đầu nguồn khắp Việt Nam, với tiêu điểm tháng 3 là các hoạt động trồng gần 17.000 cây gỗ lớn bản địa tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên và gần 13.000 cây gỗ lớn tại rừng Bến En, tỉnh Thanh Hóa. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của hơn 1100 cá nhân, đội nhóm và các doanh nghiệp gồm: Nestle, Manulife, Saitex International, ARUP, Mekong Capital, Faslink, và Bholdus. 

Với mong muốn cùng tái tạo tương lai tốt đẹp và bền vững hơn, Nestlé Việt Nam đã phối hợp với Trung Tâm Bảo Tồn Thiên Nhiên Gaia và các đối tác triển khai chương trình: “Trao điều lành, Đón lộc xanh”  dịp Tết 2022 vừa qua nhằm gây quỹ để trồng 8000 cây xanh rừng phòng hộ và 250,000 cây cà phê chất lượng cao. 

Không đơn giản dừng lại ở việc góp rừng, nhiều doanh nghiệp còn tiên phong sáng tạo nên những chương trình ý nghĩa nhằm lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường thông qua việc kết hợp các hoạt động rèn luyện sức khoẻ. Đơn cử như Manulife Việt Nam với chương trình “MOVE vì Việt Nam - Tốt Hơn Mỗi Ngày". Với chương trình này, người tham gia đã cùng Manulife Việt Nam đóng góp 5000 cây cho đợt trồng rừng tháng 3/2022 tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên tỉnh Thanh Hóa.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Nhà sáng lập & Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nhấn mạnh: “Sau COVID-19, chúng ta sẽ phải ứng phó với nguy cơ toàn cầu lớn hơn. Đó chính là biến đổi khí hậu. Trồng rừng, phục hồi hệ sinh thái là một giải pháp hiệu quả hiện đang được cả thế giới đẩy mạnh!”

Để đảm bảo chất lượng và tỷ lệ cây sống tối thiểu là 70-80% sau 4 năm, các khu rừng sẽ được theo dõi, và chăm sóc trong vòng 4 năm. Gaia cũng sẽ phối hợp cùng Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên và Vườn Quốc gia Bến En thực hiện hoạt động nghiên cứu, giám sát khu rừng và công khai báo cáo hàng năm. Sau đó, khu rừng sẽ tiếp tục được bảo vệ lâu dài từ các nguồn vốn của nhà nước. Mọi người đều có thể cập nhật thông tin về khu rừng hàng năm như: tỷ lệ sống của cây, độ lớn của cây, tình trạng phát triển của khu rừng, bộ ảnh giám sát cây, ảnh giám sát khu rừng, hiện trạng các loài động thực vật trong khu rừng...