Thái Bình Thứ Hai | 30/08/2021 16:39

Trồng 10.000 cây gỗ lớn ứng phó biến đổi khí hậu và ngăn đại địch tiếp

Đến hôm nay, toàn bộ 5.600 cây đã được trồng trên diện tích 7,5ha tại rừng Xuân Liên và 2.605 cây đã được trồng phủ xanh 2,6ha tại rừng Bến En.

Kể từ khi bùng phát trở lại từ cuối tháng Tư đến nay, cả nước đã có hơn 431.000 ca Covid-19, trong đó, TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 209.900. Dịch đã lan ra 62 tỉnh thành và chưa dừng lại. Cả nước dồn mỗi nỗ lực quyết tâm chống dịch. Và chúng ta tạm quên đi mối nguy lớn hơn, sẽ xảy ra khi Covid-19 qua đi. Đó chính là Biến đổi khí hậu và Đại tuyệt chủng lần thứ 6. Vài người có thể vui mừng vì thiên nhiên và chất lượng không khí đã bước đầu được phục hồi khi con người rút về nhà. Tuy nhiên, hơn 14.000 nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo về việc “các dấu hiệu sống” của Trái Đất như: gia tăng dân số, diện tích rừng, tiêu thụ năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính...đang diễn biến xấu đi nhanh chóng vì con người. Việc đảm bảo “Một sức khỏe” cho con người và cả thiên nhiên ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta chỉ thực sự khỏe khi có thiên nhiên khỏe và các loài động vật khỏe. Trồng rừng, phủ xanh đất trống trọc, cải thiện chất lượng rừng là một trong những giải pháp hiệu quả, khẩn cấp để góp phần đảm bảo sức khỏe cho các loài động vật hoang dã, sức khỏe của thiên nhiên và sức khỏe của chúng ta. Trồng rừng góp phần đắc lực trong việc ngăn đại dịch tiếp theo, ứng phó với biến đổi khí hậu và đẩy lùi Đại tuyệt chủng lần thứ 6. 

Trước bối cảnh trên, với chuyên môn của một tổ chức khoa học kỹ thuật, hiểu rõ được vai trò và tầm quan trọng của việc trồng rừng, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã phát động chiến dịch Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo, với hoạt động thực tiễn là trồng gần 10.000 cây gỗ lớn bản địa tại Khu bảo tồn Xuân Liên và Vườn Quốc gia Bến En, tỉnh Thanh Hóa trong tháng 8 này. Mặc dù tình hình Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề, Gaia và các đơn vị đối tác vẫn quyết tâm tìm ra nhiều giải pháp để tiến hành trồng và giám sát rừng, theo phương châm đảm bảo mục tiêu kép, đồng thời tuân thủ mọi quy định của Chính phủ trong phòng chống dịch. Nhiều cuộc họp trực tuyến, làm việc khẩn trương với cán bộ Vườn Quốc gia Bến En, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, người dân địa phương và cả nhà tài trợ đã được tiến hành. Các giải pháp khác nhau về kỹ thuật, giám sát rừng, ghi hình… đã được áp dụng nhằm đảm bảo trồng thành công toàn bộ số cây này. 

Đến hôm nay, toàn bộ 5.600 cây đã được trồng trên diện tích 7,5ha tại rừng Xuân Liên và 2.605 cây đã được trồng phủ xanh 2,6ha tại rừng Bến En. Sự thành công này phải kể đến sự đóng góp và hỗ trợ nhiệt huyết của SAITEX, Cường Thuận Phát, Sun Life và 427 cá nhân và nhóm khác. 

Ông Sanjeev Bahl, Người sáng lập Công ty TNHH Saitex International, đơn vị cam kết mạnh mẽ trong hoạt động trồng rừng cho biết: “Trong tình hình đại dịch và thiên tai liên tiếp như hiện nay, chúng tôi càng ý thực mạnh mẽ hơn về vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phục hồi thiên thiên, đặc biệt là trong công tác trồng rừng. Chúng tôi cam kết ủng hộ lâu dài cho việc trồng những khu rừng đầu nguồn này tại Việt Nam nhằm tạo ra tác động bền vững cho thiên nhiên và cả con người”.  

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền- Nhà sáng lập - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết “Trồng rừng giúp tạo ra đa dạng sinh học giúp kiểm soát dịch bệnh. Trồng rừng tạo nơi sinh sống cho các loài hoang dã, khiến các loài virus gây bệnh tiềm ẩn trong thiên nhiên bị ngăn cách với con người và do vậy khó có thể tạo thành đại dịch. Trồng rừng còn giúp cải thiện sức khỏe của mọi người, thông qua việc lọc sạch không khí, điều hòa khí hậu. Trồng rừng chống sạt lở và giảm thiệt hại thiên tai. Trồng rừng cải thiện năng suất mùa vụ, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và an toàn sinh thái”. Bà Huyền cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần hành động ngay trước khi biến đổi khí hậu và các đại dịch tiếp theo tác động mạnh mẽ khiến chúng ta chịu tổn thất nặng nề không thể cứu vãn. Mỗi người hãy hành động theo khả năng của mình, cùng góp phần ngăn chặn đại dịch tiếp theo và ứng phó với biến đổi khí hậu, trước khi quá muộn”. 

Cũng trong tháng 8, Gaia cũng đã trồng 2000 cây gỗ lớn bản đại tại Khu Bảo tồn Thiên Nhiên Văn hóa Đồng Nai trong nỗ lực ngăn chặn đại địch tiếp theo và bảo vệ một trong những đàn Voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam. Không chỉ nỗ lực trồng rừng, Chiến dịch Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo còn gồm các buổi tọa đàm trực tuyến, chuyến đi trực tuyến, và chuỗi bài truyền thông trên các kênh mạng xã hội, tiếp cận đến hàng trăm ngàn lượt bạn đọc mỗi tuần, giúp nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của việc trồng rừng, phục hồi thiên nhiên trong việc ngăn chặn đại dịch tiếp theo.

Trong thời gian tới, Gaia sẽ tiếp tục thực hiện nhiều sáng kiến góp phần nâng cao nhận thức công chúng cũng như tiếp tục trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo. Gaia rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi cá nhân, đơn vị đối với chiến dịch, đặc biệt với việc góp cây trồng rừng, phục hồi thiên nhiên, cùng nhau hướng tối Một sức khỏe bền vững, vì một Việt Nam xanh hơn, khỏe hơn!