Triển lãm ảnh “POT-AU-PHỞ”
Triển lãm ảnh POT-AU-PHỞ, một dự án hợp tác giữa Julien Brun (Pháp) và Nguyễn Dạ Quyên (Việt Nam), sẽ được khai mạc vào lúc 10h sáng thứ Bảy, 7/4/2018 tại TOONG 126 Nguyễn Thị Minh Khai nhân dịp kỷ niệm 45 năm Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp.
Ý tưởng về dự án Pot-Au-Phở ra đời vào 2011. Triển lãm này lấy cảm hứng từ cuộc sống thường nhật ở Việt Nam và bật mí mối liên hệ độc đáo trong ngôn ngữ giữa hai nước. Dự án POT-AU-PHỞ sẽ giới thiệu 38 tác phẩm trong đợt triển lãm này.
Từ điển tiếng Việt hiện đang có tầm hơn 500 từ ngữ có gốc Pháp hay từ hỗn chủng với tiếng Pháp, như từ Pâté (thịt ba tê), Poupée (búp bê), Rideau (màn ri đô), Rodage (chạy rô đa), Rondelle (lông đền), Sandale (giày xăng đan), Sapotier (quả sa bô chê), Savon (xà bông), Balcon (ban công), Bandeau (băng đô), Bidon (bình bi đông), Bleu (lơ, xanh lơ), Essence (xăng), Buffet (tủ búp phê), Café (cà phê), Carreau (ca rô), Champagne (sâm panh), Choux Fleur (súp lơ), Chouchoute (su su), Cirque (xiếc), Crème (cà rem), Divan (cái đi văng).... Pot-Au-Phở ghép từ chữ “Pot-au-feu” của Pháp và “Phở” của Việt Nam, như là nét giao thoa văn hóa Việt-Pháp, hay dấu ấn từ gốc Pháp trong tiếng Việt.
Kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã có nhiều tranh cãi về nguồn gốc ra đời của phở cũng như nơi xuất xứ thực sự hay thời điểm ra đời chính thức. Có thể xem phở là một trong những ví dụ đặc trưng cho khái niệm bricolage (lai ghép) mà nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc dùng để chỉ đặc tính cơ bản của văn hóa Việt Nam: nghĩa là thiên hướng lai ghép (chủ yếu tiếp thu, kết hợp, biến tấu từ nhiều nguồn ngoại lai) hơn là tự thân sáng tạo.
Phở dù chịu ảnh hưởng rõ của văn hóa ẩm thực do người Pháp mang tới Việt Nam nhưng nó không phải là sáng tạo ẩm thực độc quyền của những người phương Tây. Nó cũng mang ảnh hưởng rõ của văn hóa ẩm thực từ cộng đồng người Hoa ở Việt Nam nhưng cũng không phải hoàn toàn sáng táo độc nhất của người Hoa. Nói tóm lại, phở là sản phẩm kết hợp của ba nét văn hóa ẩm thực là Việt-Pháp-Hoa, trong đó người Việt đóng vai trò là chủ thể tổng hợp (tiếp nhận và biến tấu) hơn là tự mình sáng tạo ra cái mới hoàn toàn.
Tuổi khai sinh của phở chẳng được sử liệu ghi nhận chính thức. Các cuốn tự điển Việt như Tự điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes, xuất bản năm 1651 không có từ "phở". Tự điển Huỳnh Tịnh Của (1895), Tự điển Genibrel (1898) cũng vậy. Danh từ phở được chính thức ấn hành lần đầu trong cuốn Việt Nam tự điển (1930) do Hội Khai trí Tiến Đức khởi thảo: "Món đồ ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò". Điều này củng cố thêm luận chứng phở chỉ có thể sinh ra trong khoảng từ 1900 - 1907.