Trekking ở Kashmir: Cuộc chinh phục độ cao 5.000m
Đèo Ganda La 4.900 m. Độ cao dường như là thứ vô hình hút đi sức mạnh và chèn ép tim phổi bạn, thổi vào thứ cảm giác nhộn nhạo và đầy hơi, khiến đầu bạn quay cuồng. Nó tạo trong bạn một nỗi sợ không định dạng. Nhưng khi biết tập trung vào nhịp thở và dần thích ứng, dù cả khi leo dốc với chiếc ba lô 5 kg trên vai, bạn vẫn sẽ cười hả hê khi có thể thở nhẹ nhàng ở độ cao trên 5.000 m. Rồi đến khi tụt xuống 4.000 m, không khí cô đặc lại, nhẹ nhàng, thân thuộc và bạn biết bạn đã chinh phục được nó.
Tầm nhìn từ Gongmaru La (ở độ cao 5.300 m) |
Đó là một hành trình đầy trải nghiệm trong suốt 10 ngày của tháng 9. Dù có gần 20 người đăng ký ban đầu, đoàn chỉ còn 7 người kể cả tôi. Có đến 5 trong 7 là các thành viên cũ đã từng khám phá Nepal. Đoàn đã bay đến Lakhar, Jammu và Kashmir (thuộc Ấn Độ) bắt đầu cuộc trekking “thần thánh” (du lịch mạo hiểm xuyên rừng núi) một tuần lễ. Chúng tôi đã đeo ba lô, đi và leo khoảng gần 100 km đường núi.
Bản đồ vùng cao nguyên Kashmir |
Chuyến đi là một “sứ mệnh cân não” dù chỉ lên đến độ cao 5.300 m. Mặt trời Himalaya luôn chói chang ngay cả khi nhiệt độ xuống rất thấp. Tháng 9, trời xanh không gợn mây, nóng đến nỗi có thể “nướng chín” đám lữ khách và ngựa, lừa thồ. Gió trên cao khi thì lặng lẽ luồn trong thung lũng, khi lại gầm rít thổi trên dốc và trên những ngọn đồi cao. Gió cùng mặt trời lấy đi nước của bạn, từ hơi thở, làn da, cho đến môi và mũi có thể khô rát, chảy máu bất chấp bạn bôi bao nhiêu Vaseline, kem chống nắng hay kem chống nẻ. Khi mặt trời tắt sau những rặng núi, cũng là lúc gió và khí lạnh hung hãn xâm chiếm bầu trời. Nhiệt độ giảm nhanh chóng khi đêm buông xuống. Những vì sao to như cái đấu cũng không đủ soi sáng màn đêm đặc quánh đến rợn người.
Trong suốt hành trình, dân bản xứ chúng tôi gặp chủ yếu là người Tạng, hiền lành và giản đơn. Một câu chào “Julle” vừa là “hi”, vừa là “goodbye”, vừa là “thank you”, vừa là “you’re welcome”. Cách làm “marketing” của người Tạng dễ thương và ân cần. Tôi bắt gặp mỗi thung lũng chỉ có vài nóc nhà. Còn mấy nhóm trekking khác chúng tôi gặp đi gặp lại trong suốt hành trình. Họ thể hiện những tính cách khác nhau, nhưng ai nấy đều kiên nhẫn và mạnh mẽ.
Cụ già người Tạng bán trà trên núi |
Đường đi xuyên thung lũng mang tên Markha có chỗ đất cứng, đất mềm khó đi, chỗ lại hơi xâm xấp nước. Ngày cuối khi xuống núi, đường đi trở thành lòng suối cũ. Cách duy nhất để thấy đường là băng qua lớp bụi mờ trên đám đá cuội và đám phân ngựa trên đường. Tháng 9 ít nước nên con đường này còn đi được. Nếu vào mùa nước, chỉ có cách leo trên những con đường nhỏ cheo leo lên xuống hai bên bờ vực, còn khó gấp bội phần.
Trong khi đó, đường lên dốc lại uốn éo hụt hơi. Đường xuống núi thường là đường đất hay đá nhỏ, khó đi, dễ trượt. Đường vòng qua sườn núi nhiều, một bên là vách núi, một bên là bờ vực, thực sự là thử thách những người yếu bóng vía, thế mà dân bản xứ vẫn cưỡi ngựa đi qua như thường.
Thung lũng Markha |
Lúc leo lên dốc, mặt trăng ban ngày lộng lẫy trên nền trời, lửng lơ như có thể với tay được. Tôi cố chụp hình khung cảnh hư ảo này, nhưng trăng không bao giờ xuất hiện trong tấm hình. Khi lên đỉnh dốc, trăng bỗng trở nên xa vời, không cách nào với được. Trăng ban ngày trên đỉnh đèo chỉ mắt thường mới thấy, nửa thực nửa ảo.
Cả mấy ngày chúng tôi gặp chưa đến 100 người. Nhưng cuộc sống trong thung lũng Markha nhẹ nhàng, giản đơn đến tinh khiết hơn bất cứ nơi nào khác tôi đã từng đến. Nước là dấu hiệu sự sống của cả Himalaya. Tháng 9 mùa mưa đã qua, nước suối và băng tan luồn trong thung lũng thành dòng lớn, cuộn qua những đám đá sỏi rồi tách thành dòng nhỏ luồn lách vào những khe nhỏ xung quanh. Cuộc sống của Himalaya lẫn trong nước trong những thung lũng. Những cánh đồng yến mạch vàng óng mùa gặt với dòng nước róc rách uốn quanh. Dòng nước nhỏ chảy ngang những ngôi nhà đá, dưới chân những cây cầu gỗ nhỏ và xuyên qua những khu đất nhỏ nơi chúng tôi đóng trại. Lên trên 4.000 m, những dòng suối đột nhiên biến mất. Nước lạnh như cắt khi chúng tôi tắm suối dưới ánh nắng mặt trời. Nước như hóa đá khi mặt trời vừa lặn.
Cắm trại trên đỉnh Yurutse (ở độ cao 4.365m) |
Chúng tôi đã có những lần tắm suối nhớ đời. Hơn 4 giờ ở độ cao gần 3.900 m, mặt trời xuống núi chỉ còn chút le lói phía dốc. Chúng tôi đuổi theo đến chân dốc. Vừa xuống, mặt trời biến mất, tôi chạy lên 5 m rồi thấy mặt trời cũng vừa biến luôn. Nước không có mặt trời lạnh ngắt, khoảng dưới 10 độ. Thay đồ, giặt được ống tay áo và cái mũ xong, tay tôi đỏ như bị bỏng. Tôi chui vào túi ngủ nằm mà chân vẫn lạnh cóng.
Những tác phẩm đá do du khách tạo nên |
Với tôi, đi Himalaya như về thăm nhà cũ. Kinh nghiệm trekking luôn là cơ hội để tôi trải nghiệm cảm giác đơn độc và tách biệt khỏi thế giới. Ngoài những lúc đếm nhịp thở và thở điều hòa khi leo lên cũng là lúc tâm tôi hoàn toàn tĩnh lặng. Có khi đi nhè nhẹ, có lúc căng hết tốc lực trên đường đá. Cuộc hội thoại tĩnh lặng là điều lớn nhất tôi có từ cuộc hành trình. Tôi yêu Himalaya với những con người thân thuộc và chân chất, sống cuộc sống đơn giản giữa thiên nhiên. Himalaya đẹp như tranh với gam màu đơn giản.
Cuộc sống của tôi trở nên tốt hơn. Đồ ăn gì cũng ngon. Ngủ trên giường trở nên đặc biệt. Tắm thoải mái từ vòi là đặc quyền. Hít thở cũng dễ dàng. Chân tự nhiên nhẹ bỗng và những người xung quanh trở nên đáng yêu hơn. Những chuyện to tát đời thường bỗng chốc trở nên nhỏ bé dưới những ý niệm đơn giản, trong sự hùng vĩ hấp dẫn đến lạ thường của thiên nhiên.
Các thành viên trong đoàn 7 người đều là lãnh đạo của các công ty Việt Nam gồm: Galaxy Media & Entertainment, Fim+, MoMo, VNG. • Ngày 1: Bắt đầu từ Zingchen 3.435 m rồi ngủ ở Yurutse 4.365 m. Đi 9,7 km, tổng leo 833 m theo chiều đứng. Tan (góc leo trung bình) = 8,6%
|
Nguyễn Hoành Tiến