Ảnh: daidoanket.vn
Tìm tiền cho vườn quốc gia
Đã từng được đắm mình trong không khí trong lành của những khu rừng thường xanh, Bảo Ngọc, cô gái 30 tuổi, thích xê dịch, rất hào hứng mỗi khi phát hiện nơi cô đến có một mảng màu xanh trên bản đồ được gọi là vườn quốc gia. Tuy nhiên, điều khiến Ngọc bối rối trong lần đến Đắk Lắk vừa rồi là cô có thể làm gì với Vườn quốc gia Chư Yang Sin, ngoài việc đi theo những con đường trải nhựa, làm gì để cô có thể khám phá hệ động thực vật phong phú tại đây?
Có 16% các loài động thực vật trên thế giới đang sinh sống ở Việt Nam, một phần lớn phân bổ trong hệ thống 33 vườn quốc gia có diện tích gần 11.000km2 phân bổ khắp các vùng sinh thái của cả nước. Việt Nam là một nơi có đa dạng sinh học cao khi chỉ giữa năm 1997 và 2007, 1.000 loài mới được phát hiện, vẫn còn nhiều loài được lần lượt khám phá hằng năm tại các vườn quốc gia mà Vũ Quang, Pù Mát, Bù Gia Mập là ví dụ.
Mục tiêu quản lý của các vườn quốc gia là bảo tồn các hệ sinh thái đại diện của quốc gia, các loài động, thực vật hoang dã, các giá trị văn hóa, tinh thần, làm nền tảng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái. “Tuy vườn quốc gia nhận được sự quan tâm của Nhà nước về thể chế và chính sách, nhưng về cơ bản chủ yếu tập trung cho công tác bảo vệ rừng, chưa có điều kiện để quan tâm đến phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học”, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, nhận định.
Theo ông Dũng, các vườn quốc gia chịu nhiều sức ép khi việc bảo tồn thiên nhiên cần có tầm nhìn dài hạn trong khi nguồn kinh phí lại được phân bổ hằng năm nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế thực sự hiệu quả để thúc đẩy cơ chế đối tác công - tư (PPP) trong phát triển du lịch sinh thái.
Trong số những vườn quốc gia trên đường xê dịch của Ngọc, cũng có những nơi đã hình thành những tuyến du lịch sinh thái. Cô đã từng thả rùa biển và tìm hiểu về hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng già ở Côn Đảo, cô đã tận mắt trải nghiệm sự dịch chuyển về địa hình từ sa mạc đến rừng rồi biển ở Núi Chúa.
Cô cũng được cắm trại giữa rừng để buổi sáng thức dậy trong tiếng chim rừng ríu rít và tiếng quẫy nước của những chú cá sấu trong rừng Nam Cát Tiên. Tuy nhiên, cô thấy rõ sự khác biệt giữa du khách đến những nơi này so với đến những địa điểm du lịch khác lân cận. Sẽ là khập khiễng để so sánh, nhưng năm 2017, các vườn quốc gia tại Mỹ chào đón 84 triệu lượt khách đến thăm, so với con số vài triệu đến các vườn quốc gia tại Việt Nam.
Du lịch sinh thái được đánh giá là ngành công nghiệp thúc đẩy du lịch có trách nhiệm đến các khu vực tự nhiên, với ý tưởng là tăng cường bảo tồn các không gian và loài hoang dã trong một hệ sinh thái thông qua sử dụng tài nguyên thiên nhiên như một điểm thu hút khách du lịch. Lợi ích của hoạt động này là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, tạo việc làm và cải thiện nhận thức bảo tồn.
Nam Cát Tiên và Phong Nha - Kẻ Bàng là 2 trong những vườn quốc gia đã thành công trong việc tạo ra ngành công nghiệp vừa cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, vừa truyền tải nhận thức về thiên nhiên hoang dã cần được bảo tồn đến cho khách du lịch. Các công ty cũng nhận ra lợi ích của việc hòa mình vào thiên nhiên với việc tăng sức khỏe thể chất và tinh thần cho nhân viên, hiệu suất của họ có thể được cải thiện sau khi dành thời gian bên ngoài.
Tuy nhiên, câu chuyện nào cũng có tính 2 mặt. Để du khách truy cập được, cần xây dựng cơ sở hạ tầng, việc này có thể chia cắt hoặc chiếm khoảng không hiện có của các loài. Trong khi doanh thu tạo ra thường theo mùa, thì hành vi kém của khách du lịch là một vấn đề lớn đe dọa hệ sinh thái và các loài động thực vật. “Để huy động tiềm năng du lịch sinh thái tại đây, bên cạnh việc chủ động truyền thông, các vườn quốc gia cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp và quy hoạch để đảm bảo du lịch không ảnh hưởng đến bảo tồn”, ông Dũng nhận xét. Việc phối hợp, liên kết với các bên liên quan là cần thiết, trong khi chờ đợi chính sách hoàn thiện và có tính khả thi hơn.
Chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng là một chính sách có hiệu quả để huy động nguồn lực tư trong việc góp phần quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng. “Ngoài chi trả dịch vụ môi trường rừng là nguồn kinh phí cho quỹ môi trường, còn có các cơ chế tự nguyện khác như tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế quan tâm đến công tác bảo tồn có thể đóng góp”, ông Dũng cho biết. Nhưng dường như các nguồn thu trên chưa đủ để phục vụ cho phát triển nên những dự án du lịch tư nhân đã được đề xuất cắt ngang xẻ dọc những khu vườn quốc gia như ở Cát Bà, Phú Quốc.