Tiềm năng du lịch golf
Một giải golf lớn được tổ chức vào cuối tháng 11 ở Hà Nội có kèm theo lời quảng cáo khá hấp dẫn là “nhằm thúc đẩy lĩnh vực du lịch khá mới mẻ ở Việt Nam”. Vậy tiềm năng du lịch golf của Việt Nam đến đâu?
Nhằm giới thiệu giải “2016 BRG Golf Hanoi Festival” tại Việt Nam, ông Mark Reeves, Giám đốc Khối phát triển golf và Kinh doanh Bất động sản của Tập đoàn BRG, cho biết mục đích của giải đấu là nhằm “gắn kết các sân golf đẳng cấp, các khách sạn quốc tế cao cấp và cả mạng lưới các công ty du lịch vào trong một sự kiện”.
Giải đấu được tổ chức ở 3 sân golf đẳng cấp thuộc hệ thống của BRG, có tổng giá trị giải thưởng lên tới 6,5 tỉ đồng, chưa kể hàng loạt giải thưởng hấp dẫn khác như Hole-in-one là một chiếc Honda CRV. Nhưng điều đáng nói nhất là Ban tổ chức kết hợp với các hãng du lịch lữ hành lớn để đưa hàng trăm golf thủ (chuyên lẫn không chuyên) từ nhiều nước tới Việt Nam. Các golf thủ có thể lựa chọn những gói chương trình “Stay and Play”, nghĩa là vừa chơi golf, vừa kết hợp nghỉ dưỡng tại các khách sạn 5 sao là đối tác chính của Festival.
Thực tế, du lịch chơi golf đã được thế giới khai thác từ lâu. Sở dĩ loại hình này ít được đề cập ở Việt Nam có thể xuất phát từ một số định kiến. Chẳng hạn, cứ mỗi lần xuất hiện các dự án xây sân golf ở một số tỉnh nghèo ở miền Trung là lại rộ lên những ý kiến phản đối, kiểu như dân nghèo mất đất canh tác, rồi một địa phương còn nhiều khó khăn cần gì những sân golf sang trọng vốn chỉ dành cho giới lắm tiền...
Trong khi đó, với một đất nước có đường bờ biển kéo dài cùng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú như Việt Nam, việc mỗi năm ngành du lịch chỉ lôi kéo được trên 10 triệu lượt du khách quốc tế quả là điều đáng tiếc. Cách đây 10 năm, một vị quan chức của Hiệp hội Golf Việt Nam từng hào hứng trao đổi với người viết về tiềm năng của du lịch golf. Nhưng cho đến giờ, mỗi lần gặp lại, ông vẫn phải thừa nhận rằng tiềm năng ấy vẫn chưa được khai thác hết, một phần cũng bởi những định kiến xưa cũ kia.
Chẳng hạn, chúng ta đúng là được thiên nhiên ưu đãi, nhưng nếu không có những sản phẩm du lịch để lôi kéo và giữ chân du khách thì khó có thể trở thành một điểm đến lý tưởng và cũng khó lòng cạnh tranh với những nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia. Hai điểm đến này mỗi năm đón từ 25-30 triệu lượt du khách.
Ở một số tỉnh nghèo ở miền Trung, bao năm nay người dân vẫn phải canh tác trên những mảnh đất cằn cỗi với sản lượng ít ỏi, nên chuyển đổi cơ cấu kinh tế là điều kiện tiên quyết để thoát nghèo. Xây sân golf để thúc đẩy du lịch cũng là một trong những hướng đi mà các chuyên gia kinh tế bàn đến nhiều lần.
Đấy cũng chính là lý do mà các tập đoàn khách sạn, nghỉ dưỡng hàng đầu Việt doanh nghiệp nắm trong tay số lượng sân golf nhiều nhất cả nước. BRG có 4 sân golf, Vingroup và FLC cũng sở hữu 3 sân golf trong tổng số 40 sân golf trên cả nước. Những tour du lịch kết hợp đánh golf cũng không còn xa lạ, đem lại nguồn thu lớn cho cả các ông chủ lẫn người dân địa phương.
Khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều ánh nắng ở Việt Nam rất phù hợp cho các hoạt động thể thao ngoài trời. Nhưng chúng ta không thể chỉ thu hút khách du lịch bằng vài cuộc đua thi chạy marathon hay đua thuyền buồm ở Mũi Né, Đà Nẵng như thường thấy. Đó là lý do nhiều sân golf mới đã và đang được mọc lên, trong đó nhiều sân golf do chính các golf thủ lừng danh thế giới như Jack Niclaus, Greg Norman thiết kế.
Theo một số liệu do Công ty Tiếp thị Thể thao Sports Marketing Surveys của Anh công bố, châu Á hiện là khu vực có số lượng người chơi golf nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Thêm nữa, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu lại từ các quốc gia có người chơi golf chiếm số đông như Hàn Quốc, Nhật.
Để phục vụ những du khách vốn rất hào phóng chi tiêu này, nhiều hãng hàng không đã tung ra những chương trình khuyến mãi như miễn phí hành lý quá cân cho bộ gậy đánh golf. Bên cạnh đó là những gói sản phẩm du lịch, kết hợp nghỉ dưỡng với vận động thể thao ngoài trời. Thế nên, nếu để những vị khách hào phóng bay sang Thái, Malaysia sẽ là nỗi ân hận của du lịch Việt Nam!
Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ nước ngoài FDI vào Việt Nam ngày càng tăng cũng giúp phát triển thêm số người chơi golf tiềm năng, tức những doanh nhân làm việc cho các dự án nói trên. Điều kiện làm việc xa nhà càng khiến họ cần đến những nhu cầu giải trí, mà tốt nhất là xách gậy lên để đến sân golf. Nói như vị quan chức Hiệp hội Golf Việt Nam kể trên, đôi khi việc đàm phán kinh doanh ở sân golf còn thuận lợi hơn là trong phòng kín. “Tôi nhường anh một gậy để anh nới lỏng một điều khoản trong hợp đồng”, vị quan chức này hài hước nói.
Thế nên, một giải golf kết hợp thúc đẩy du lịch như “2016 BRG Golf Hanoi Festival” chắc chắn sẽ không còn là của hiếm, mà sẽ trở thành xu thế cho những sự kiện golf sau này. Bởi du lịch ở một đất nước có hơn 3.000km đường bờ biển chắc chắn sẽ không thể thiếu những sân golf.
Hoài Sa