Thanh Hằng Thứ Ba | 20/11/2018 06:30

Thuốc sâu rất xấu!

Thay đổi tập quán canh tác, hướng đến những sản phẩm an toàn và bảo vệ tài nguyên là xu hướng của nông nghiệp tương lai.

Giờ đang là đầu vụ lúa Đông Xuân, trên cánh đồng rộng 10ha xâm xấp nước, 2 người phụ nữ lúi húi dặm lại những hàng lúa non vừa được xuống giống 2 ngày trước. Chủ ruộng Phan Công Chính chỉ một chiếc bao to màu trắng đặt dọc bờ kênh, bên trong chứa những bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã dùng cho mùa này. Thay vì bị quăng vương vãi khắp đồng như những mùa vụ trước, những bao bì này được gom lại và sẽ tập kết tại nơi để chung của hợp tác xã.

“Mỗi kg vỏ bao còn sót lại 0,02kg thuốc. Như vậy mỗi mùa vụ nếu dùng 1 tấn bao bì thì sẽ còn lại 20kg thuốc nguyên chất. Nếu bị vứt ngoài đồng, lượng thuốc này sẽ nhiễm vào hệ thống kênh rạch, từ đó ra sông lớn, đầu độc nguồn nước của chính người dân”, anh Bùi Trần Giang, cán bộ của Tập đoàn Lộc Trời, trao đổi với bà con nông dân. Là đơn vị đặt mục tiêu sản xuất lúa bền vững, Lộc Trời có nhiều nỗ lực thuyết phục người dân thực hiện tập quán sản xuất bền vững, mà việc bảo vệ nguồn nước như trên là một trong những tiêu chí.

Thuoc sau rat xau!
 

Việt Nam là nước nông nghiệp truyền thống, hơn 80% diện tích đất được dùng cho nông nghiệp. Tuy nhiên, tập quán canh tác lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, cộng với việc thoái hóa giống và thời tiết thay đổi thất thường đang là mối đe dọa với người nông dân. Ví dụ, tại xã Bình Thành ở Đồng Tháp đã không thể trồng được giống lúa Jasmine nổi tiếng vì giống bị thoái hóa dẫn đến năng suất thấp. Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thị Vượng, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ Thực vật Việt Nam, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật giống như dùng con dao hai lưỡi, không chỉ làm tăng giá đầu tư, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nông dân mà còn tạo ra sản phẩm không an toàn.

Gần đây, xu hướng làm nông bền vững đã được phát động và len lỏi vào nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp. Không giống như các tiêu chuẩn VietGap hay GlobalGap, nông nghiệp bền vững đơn giản là thay đổi tập quán canh tác. Thay vì dùng thuốc và phân bón vô tội vạ, người nông dân sử dụng với liều lượng thích hợp, song song với việc thoát nước hợp lý để bảo vệ nguồn nước. Họ cũng chú ý hơn đến sức khỏe của người trực tiếp lao động trên đồng ruộng bằng những biện pháp bảo hộ lao động và cả sức khỏe của cộng đồng xung quanh thông qua cảnh báo trên đồng ruộng vào những lần phun xịt thuốc.

Dự án trị giá 301 triệu USD do World Bank tài trợ VnSAT năm 2016 là nỗ lực của Nhà nước trong việc chuyển đổi nông nghiệp bền vững trong thời gian qua. Hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là lúa và cà phê được chọn để thí điểm.

Với dự án này, khoảng 63.000 hộ nông dân trồng cà phê và 140.000 hộ nông dân trồng lúa sẽ được tiếp cận áp dụng biện pháp canh tác bền vững, tái canh cà phê, với lợi nhuận tăng thêm đến 20-30%. Mục tiêu của dự án đến năm 2020, khoảng 200.000ha sản xuất lúa của 140.000 hộ nông dân áp dụng công nghệ tiên tiến; lợi nhuận của nông dân trên mỗi hecta có thể tăng 30%, tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng từ 40-60 triệu USD/năm.

Thuoc sau rat xau!
 

Trong lúc đó, cũng có nhiều doanh nghiệp tư nhân theo đuổi chiến lược bền vững trong xây dựng nguồn nguyên liệu. Như đã kể trên, không những tập đoàn trong nước là Lộc Trời quan tâm đầu tư lúa bền vững, mà tập đoàn kinh doanh gạo quốc tế Phoenix cũng bắt đầu tìm kiếm nguồn gạo này.

“Bền vững là xu hướng tất yếu và chúng tôi muốn đi đầu trong lĩnh vực này”, ông Nguyễn Quốc Phong, đại diện Phoenix, trao đổi trong quá trình đi tìm nguồn lúa bền vững tại đồng bằng sông Cửu Long. Hay như PepsiCo Foods đã cần mẫn mở rộng vùng nguyên liệu khoai tây theo hướng nông nghiệp bền vững trong suốt một thập niên qua.

Tuy mang nhiều ý nghĩa trong dài hạn, nhưng chiến lược nông nghiệp bền vững còn vấp phải nhiều khó khăn. “Sản lượng lúa giảm trong khi giá mua không cao hơn nhiều làm lợi nhuận của chúng tôi thấp đi”, anh Chính nói. Trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp như hiện tượng khô hạn đến xâm thực tại đồng bằng sông Cửu Long, việc thay đổi tập quán canh tác ít tác hại cho môi trường hơn là cần thiết.

Khi tham gia vào CPTPP, nhiều cánh cửa ở các thị trường lớn sẽ tiếp tục mở ra cho nông sản Việt. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, nông nghiệp Việt sẽ đối diện với nhiều khó khăn trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt là những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, theo đuổi canh tác bền vững là xu hướng tất yếu. Ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam không thể chậm chân trong xu hướng này