Thị trường đồng hồ xa xỉ qua sử dụng có thể lên tới 21 tỉ USD hằng năm. Ảnh: hodinkee.com
Thời của đồng hồ xa xỉ second-hand
Khi Silas Walton ra mắt công ty kinh doanh đồng hồ cũ ngay tại phòng khách căn hộ của mình ở London vào năm 2014, anh khởi nghiệp chỉ với 10.000 bảng Anh giá trị các đồng hồ được lấy từ kho hàng không bán được của một đại lý. Chỉ vài tháng sau anh đã có lãi. 6 năm sau, trang web bán lẻ A Collected Man của Walton đã vượt mốc 25 triệu bảng Anh doanh số bán đồng hồ đã qua sử dụng. Dù còn 1 quý nữa mới hết năm 2020, công ty của Walton đã bỏ xa mức doanh thu 9,5 tỉ bảng Anh của năm ngoái, một phần nhờ cơn sốt mua sắm qua mạng bùng nổ trên khắp thế giới do dịch COVID-19.
Ngoài yếu tố dịch bệnh, thời điểm ra mắt website của Walton chưa bao giờ đúng lúc hơn thế, khi đón đầu làn sóng gia tăng ngoạn mục về doanh số bán các mặt hàng “xa xỉ cứng” second-hand (chủ yếu là trang sức và đồng hồ), mà theo số liệu tổng hợp từ hãng tư vấn BCG, dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ hằng năm 8% cho đến năm 2023. Trong đó, đồng hồ đang chiếm tới 75% thị trường hàng xa xỉ cứng đã qua sử dụng ước tính trị giá 21 tỉ USD hằng năm.
Ngược lại, doanh số bán đồng hồ xa xỉ mới được BCG dự báo sẽ giảm tới 50% vào cuối năm 2020 so với năm ngoái, giảm thêm 25-35% vào năm 2021 và ít nhất sẽ giảm 15% nữa vào năm 2022. Sarah Willersdorf, đứng đầu bộ phận xa xỉ ở BCG, nhận định: “Tác động của dịch bệnh chắc chắn là một nhân tố thúc đẩy doanh số bán qua mạng nhưng xu hướng này một phần là do khẩu vị chi tiêu tùy hứng đã phai nhạt do ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế hiện tại và tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi. Mọi người đều muốn tạo ra giá trị tốt nhất cho đồng tiền của họ. Hơn nữa, yếu tố bền vững của món hàng cũng đặc biệt có sức hút đối với nhóm khách hàng là những người tiêu dùng trẻ tuổi hơn”.
Dịch bệnh hay khẩu vị tiêu dùng thay đổi đều không phải là lý do khiến Walton quyết định thành lập A Collected Man, ban đầu được anh gọi là Watch Xchange. Lý do thực sự là vì anh nhận thấy quá ít lựa chọn cho người muốn bán đồng hồ cũ và anh cũng muốn đả phá thái độ hoài nghi của nhiều đại lý bán đồng hồ second-hand đối với kênh bán hàng qua mạng.
“Khi ấy, tôi hầu như không biết gì về đồng hồ và chỉ sở hữu 2 chiếc là Cartier Tank và Longines. Tôi mua chúng từ Selfridges bằng tháng lương đầu tiên khi làm luật sư cho một quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Thời gian sau, tôi muốn bán lại 2 chiếc đồng hồ này thì mới phát hiện người bán có rất ít lựa chọn”, chàng trai 33 tuổi nhớ lại. Lúc đó, người bán chỉ có thể lựa chọn bán rẻ lại cho đại lý, hoặc chịu rủi ro bán qua một nền tảng như eBay hoặc nhờ cậy một nhà đấu giá truyền thống nhưng phải chi một khoản phí hoa hồng rất lớn.
“Tôi cũng nhận thấy trong khi các phân khúc khác của thị trường xa xỉ sôi nổi đưa hàng lên mạng, phân khúc đồng hồ đã qua sử dụng thì không, vì đa phần các đại lý dè dặt trong việc trở thành một công ty kỹ thuật số, dù xu hướng online đã trở nên quá rõ ràng”, Walton cho biết thêm.
Ảnh: Diamondbanc.com |
Walton cũng chia sẻ, ý tưởng bán đồng hồ xa xỉ second-hand qua mạng của anh từng vấp phải sự nhạo báng của đông đảo các công ty gạo cội trong ngành, không tin rằng mô hình này sẽ tồn tại được. Nhưng tốc độ tăng trưởng của A Collected Man đã cho thấy điều ngược lại. Trang web này bán đủ loại đồng hồ được ký gửi bởi các chủ sở hữu cá nhân và cả những đồng hồ thuộc sở hữu của chính Công ty Walton.
A Collected Man gần đây đã bán ra 2 chiếc đồng hồ với giá hơn 1 triệu bảng Anh mỗi chiếc. Đó là chiếc The Blue của nhà sản xuất đồng hồ quá cố George Daniels và chiếc Philippe Dufour Duality. Walton cho rằng có một số nguyên nhân tạo nên đà tăng ngoạn mục ở thị trường đồng hồ cũ. Một trong số đó là người mua nhận thức rằng họ có thể mua đồng hồ tình trạng “như mới” trong khi tiết kiệm một khoản tiền đáng kể. Một số đồng hồ có phiên bản từ cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 từng bị bỏ lơ như đồng hồ của Roger Dubuis và Franck Muller giờ được công nhận về tính thẩm mỹ cao, bộ phận chuyển động chất lượng và mức độ hoàn mỹ không chê vào đâu được.
Trước một danh sách dài những người chờ đợi mua một số mẫu đồng hồ đáng săn lùng, không ít người mua vì nôn nóng đã quay sang các trang web bán lẻ qua mạng như Chronext và Chrono24, nơi các chủ sở hữu cá nhân và những đại lý được thẩm định đủ tư cách có thể quảng bá cả đồng hồ mới lẫn đồng hồ đã qua sử dụng.
Vào năm 2018, tập đoàn hàng xa xỉ Richemont, chủ sở hữu một bộ sưu tập đa dạng các nhãn hàng đồng hồ như Panerai, IWC, Cartier, Vacheron Constantin và Jaeger-LeCoultre, đã bất ngờ mua lại nền tảng bán đồ cũ Watchfinder & Co. Công ty Anh này khởi đầu chỉ là một startup nhỏ vào năm 2002 nhưng giờ đã tạo ra doanh thu hơn 120 triệu bảng Anh mỗi năm. Các tổ chức đấu giá quốc tế và khu vực cũng ăn nên làm ra nhờ khẩu vị gia tăng của người tiêu dùng đối với những kiệt tác second-hand trong bối cảnh lệnh phong tỏa do dịch càng đẩy nhanh làn sóng online.
Trong phòng đấu giá tại Geneva của nhà đấu giá Phillips vào tháng 7.2020, chỉ một số người có mặt, nhưng lại có hơn 2.000 người tham gia đấu giá qua mạng từ 70 quốc gia, gấp đôi số người tham gia cuộc đấu giá của Phillips vào tháng 5.2019. Đáng nói là tất cả 210 lô đấu giá đều bán ra thành công, thu về tổng cộng 31,7 triệu USD, vượt qua mức ước tính cao nhất trước thời điểm đấu giá là 23,2 triệu USD