Nhiều hoạt động thiện nguyện trên khắp cả nước đã góp phần chia sẻ khó khăn với những người yếu thế. Ảnh: danviet.vn
Thiện nguyện cần chuyên nghiệp
Truyền thống lá lành đùm lá rách của người Việt là một trong nhiều điểm sáng trong suốt thời gian phòng chống dịch. Nhiều hoạt động thiện nguyện trên khắp cả nước đã góp phần chia sẻ khó khăn với những người yếu thế khi họ bị giảm thu nhập hoặc mất việc làm như trao tặng thiết bị lọc nước, dụng cụ trữ nước ngọt cho bà con vùng hạn mặn hay tổ chức cây “ATM gạo”, “siêu thị 0 đồng”, tặng thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến đầu...
Tuy nhiên, cùng với quy mô thiện nguyện ngày càng lớn và lan rộng, hoạt động này cần tính chuyên nghiệp hơn để phát huy hiệu quả và lợi ích đến được với nhiều người hơn. “Hiện tượng” ca sĩ T.T càng làm vấn đề này bức xúc hơn. Bởi vì, đi cùng số tiền quyên góp hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung, bên cạnh những lời khen ngợi, cũng có không ít ý kiến băn khoăn về tính hợp pháp của việc làm này. Lý do là theo Nghị định 64/2008, chỉ có cơ quan nhà nước được quyền quyên góp cũng như cứu trợ. Bên cạnh đó, không ít lời ra tiếng vào cho rằng ca sĩ này ăn chặn tiền từ thiện. Quá bức xúc, cô đã lên báo giãi bày.
Từ trường hợp của nữ ca sĩ này cho thấy Nghị định 64 còn nhiều điểm không hợp lý như quy định điều phối tiền hàng nhận được chỉ trong 20 ngày hay giúp bệnh nhân hiểm nghèo phải “theo từng trường hợp cụ thể”... Theo ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam Việt Nam, Nghị định 64 chưa cho phép cá nhân, tổ chức tham gia công tác cứu trợ. Thời gian thực hiện cứu trợ ngắn, không đủ để giúp người dân phục hồi.
Truyền thống lá lành đùm lá rách của người Việt là một trong nhiều điểm sáng trong suốt thời gian phòng chống dịch. Ảnh: Quý Hòa |
“Công tác phê duyệt dự án cứu trợ của nước ngoài còn chậm, chồng chéo trong việc thực hiện giữa Nghị định 64, Nghị định 50 và Nghị định 80 của Chính phủ. Việc tham gia cứu trợ của các cá nhân, tổ chức thiếu chuyên nghiệp dẫn đến chồng chéo, lãng phí, chưa công bằng, từ đó gây mất đoàn kết trong dân, người làm cứu trợ bị gièm pha. Cũng có những trường hợp lợi dụng cứu trợ để trục lợi...”.
Chính những hạn chế trong quản lý khiến hoạt động từ thiện tại Việt Nam chưa được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Theo nghiên cứu Đóng góp từ thiện tại Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương và Các vấn đề quốc tế và Quỹ châu Á, dù nhiệt tình tham gia các hoạt động đóng góp từ thiện, vẫn có 14% người trả lời ở thành phố và 7% ở nông thôn không ủng hộ phương thức làm từ thiện như hiện nay. Lý do chủ yếu là lo ngại về tính công khai, minh bạch, chưa đúng đối tượng cần đến và trong chừng mực nhất định công tác tuyên truyền còn hạn chế, nên chưa tạo được lòng tin cho người đóng góp.
Vì thế, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính soạn thảo Nghị định mới để thay thế Nghị định 64/2008 về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Việc sửa đổi nhằm ngăn chặn các biến tướng trong hoạt động từ thiện và quan trọng hơn là nhằm thay đổi tư duy và cách quản lý hoạt động từ thiện của người dân và doanh nghiệp.
Đại diện Oxfam cho rằng quá trình sửa đổi Nghị định cần làm rõ 3 vấn đề chính: mở rộng đối tượng tham gia cứu trợ, thiện nguyện đến mọi tổ chức, cá nhân; tăng cường sự chuyên nghiệp và phối hợp trong công tác cứu trợ để đảm bảo hiệu quả và an toàn; thay đổi tư duy của chính quyền và đoàn thể trong công tác cứu trợ, từ “quản lý” cứu trợ đến “điều phối và hỗ trợ” nhằm đảm bảo hoạt động cứu trợ hiệu quả.
“Thiện nguyện” bắt nguồn từ Philanthropos trong tiếng Hy Lạp, nghĩa là “tình yêu của con người”, đặc điểm nổi bật của các hoạt động liên quan là tính tự nguyện. Vì thế, theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, Công ty Luật NHQuang và Cộng sự, Nghị định 64 sửa đổi cần làm rõ cả 3 khái niệm khác nhau về việc cứu trợ khẩn cấp, với việc làm từ thiện - quyền cơ bản của con người và các hoạt động phi lợi nhuận. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thì cho rằng Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp làm từ thiện bằng cơ chế giảm thuế phí. Cần có hình thức động viên, khích lệ, khen thưởng những cá nhân, tập thể làm từ thiện hiệu quả.
Cao hơn, thông qua các sửa đổi, chúng ta sẽ xây dựng một bộ luật về tổ chức phi lợi nhuận làm từ thiện chuyên nghiệp với mục tiêu xây dựng các thiết chế bảo vệ lợi ích của người đóng góp, yêu cầu trách nhiệm minh bạch và báo cáo hoạt động của quỹ. Từ thiện là một hoạt động không thể thiếu trong sự phát triển của xã hội và bản thân hoạt động từ thiện cũng không bất biến mà vận động thay đổi theo xu thế của xã hội. Chúng ta có một nguồn vốn xã hội khổng lồ và vô cùng quý báu là tinh thần “đồng bào” của người Việt giàu lòng nhân ái. Nhưng niềm tin đó nếu không được bảo vệ bằng pháp lý sẽ dễ bị xói mòn và tổn thương.