Tăng tiền thưởng để ngăn tiêu cực: Liệu có khả thi?
Giải quần vợt Australian Open 2017 đã xô đổ ngưỡng 50 triệu AUD khi tăng tổng mức tiền thưởng lên tới 14% so với giải năm 2016. Điều gì đằng sau sự thay đổi mang tính lịch sử này?
Trong vòng 15 năm qua, tổng số tiền thưởng của Australian Open đã tăng chóng mặt. Con số 50 triệu AUD của năm 2017 cao hơn tới 10 triệu AUD so với giải năm 2014, cao hơn 6 triệu AUD so với năm 2016. Năm ngoái, giải Grand Slam đầu tiên trong năm đạt mức tổng tiền thưởng là 44 triệu AUD, trong đó các nhà vô địch đơn nam nữ là Novak Djokovic và Angelique Kerber nhận được 3,4 triệu AUD cho mỗi người. Sang đến giải đấu được tổ chức từ 16-29.1.2017, nhà vô địch sẽ được nhận 3,7 triệu AUD, tức tăng 300.000 AUD so với giải 2016; tay vợt bị loại từ vòng 1 cũng sẽ nhận được 50.000AUD. Australian Open sẽ tạm vươn lên trở thành Grand Slam có tổng giá trị tiền thưởng cao thứ 2, chỉ sau US Open.
Tuy nhiên, chi tiết được chú ý nhiều nhất chính là mức tăng dành cho các tay vợt bị loại sớm, chứ không phải số tiền dành cho nhà vô địch. Vì như với Novak Djokovic, tăng thêm 300.000USD (nếu tiếp tục bảo vệ được danh hiệu) cũng chưa bằng con số lẻ trong tài khoản của anh.
Lý giải về những con số tăng đột biến này, ông Craig Tiley, Tổng Giám đốc Australian Open, cho biết nhà tổ chức muốn đảm bảo rằng các tay vợt đến với Melbourne, dù phải ra về ngay từ vòng đầu hay trụ lại đến vòng cuối cùng, cũng sẽ được hưởng lợi từ việc tăng số tiền thưởng. “Những tay vợt ngoài top 100 cũng xứng đáng được tưởng thưởng cho những nỗ lực của họ. Chúng tôi không chỉ trao quyền bình đẳng cho các tay vợt nam và nữ (bằng số tiền thưởng) mà còn đem lại sự công bằng cho cả những tay vợt có thứ hạng thấp”, ông Tiley cho hay.
Australian Open đã tăng tổng mức tiền thưởng lên tới 14% so với giải năm 2016. Ảnh: ibtimes.com |
“Tiền thưởng vòng 1 tăng 30%, vòng 2 tăng 19% và vòng 3 tăng 20%, với 130.000AUD cho các tay vợt. Các tay vợt cần nhận được số tiền tương xứng với công sức mà họ bỏ ra để đầu tư cho sự nghiệp chuyên nghiệp”, ông Tiley nói. Thực tế, ông Tiley tránh nói đến một chi tiết nhạy cảm. Đó là việc ở Australian Open hồi năm ngoái, hãng truyền thông Anh đã cùng với trang tin đang nổi BuzzFeed News điều tra đường dây cá độ bất hợp pháp tại giải đấu này, trong đó có tới 16 tay vợt được cho là có dính líu đến nghi án dàn xếp tỉ số. Dĩ nhiên, không có tên tuổi nào đáng chú ý nằm trong số 16 tay vợt này. Bởi đã là ngôi sao, chẳng ai dại bán rẻ tên tuổi vì mấy đồng bạc lẻ. Nhưng với nhiều tay vợt ít tên tuổi, tiền bạc luôn là một vấn đề sát sườn. Nếu không sống được bằng tiền thưởng thì họ đôi khi phải “bán mình”.
Nghi án đó đã phơi bày mảng tối trong thế giới quần vợt chuyên nghiệp, vốn bị che lấp bởi sự hào nhoáng mà những tay vợt hàng đầu như Roger Federer, Djokovic hay Rafael Nadal đem lại. Những tên tuổi kia luôn nằm trong số những nhà thể thao kiếm được nhiều tiền nhất thế giới. Nhưng còn hàng ngàn đồng nghiệp của họ vẫn phải vật lộn với miếng cơm manh áo hằng ngày để theo đuổi ước mơ.
Quần vợt chuyên nghiệp, cũng như mọi môn thể thao được chuyên nghiệp hóa khác, là tự kiềm tiền nuôi sống bản thân cũng như tham dự các giải đấu (trừ các giải như Davis Cup hay Olympic có Nhà nước tài trợ). Các tay vợt vô danh sẽ phải gom góp điểm số (và tiền thưởng) ở các giải đấu nhỏ để có thể đặt chân tới Grand Slam, nơi mà nếu may mắn họ có thể lọt vào vòng đấu chính thức và có thể gặt hái được một khoản tương đối khá khẩm để tiếp tục cuộc hành trình. Song, cũng có những người không giữ được bản lĩnh nên đã nghe theo những lời đường mật của những kẻ môi giới cá độ.
Thế nên, loại bỏ nguy cơ tiêu cực bằng việc tăng mạnh mức tiền thưởng cho vòng loại và vòng ngoài cũng có thể được coi là một liệu pháp tích cực của ban tổ chức Australian Open, với hy vọng về một giải đấu thật “sạch” theo đúng nghĩa.
Hoài Sa