Ảnh: SVW

 
Kim Thùy Thứ Ba | 24/03/2020 20:03

Tấn công vào đường dây tỉ đô buôn bán động vật hoang dã

Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc chặn đứng các hoạt động buôn bán động vật hoang dã...

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu khẩn trương soạn thảo một chỉ thị để cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trước ngày 1.4.2020, trong nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn. Tuy nhiên, với hàng ngàn cơ sở nuôi động vật vẫn tồn tại, dù là thương mại hay phi thương mại, đều đang gây khó khăn rất lớn cho nỗ lực này.

Một ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ USD với hàng ngàn chợ buôn bán trên khắp đất nước với nhiều mục đích như làm thịt, chế biến thuốc hoặc nuôi nhốt. Tại Tây Nguyên, thịt thú rừng ngang nhiên được bày bán tại các địa điểm ven đường và trong các nhà hàng, quán nhậu. Trong khi tại các chợ nông sản ở Long An, người ta mua bán công khai chim, cò, sếu và nhiều loại chim quý hiếm...

 

Theo phóng sự của The Guardian, nạn buôn bán mặt hàng đặc biệt này còn được đưa lên các kênh trực tuyến như Facebook, Zalo... Tại đây, đầy rẫy các hình ảnh chào hàng như mèo báo bị mắc lưới, tê tê cấp đông, khỉ đã giết mổ, những con hổ đông lạnh... Đáng chú ý hơn, theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) cập nhật đến tháng 7.2019, Việt Nam có 700 loài bị đe dọa từ mức sắp nguy cấp. Gần 2 triệu cá thể thuộc các loài như hổ, gấu, hươu, nai, lợn rừng, nhím, trăn, cá sấu, khỉ đuôi dài... vẫn đang được nuôi thương mại tại trên 4.000 cơ sở đã có giấy phép trên lãnh thổ Việt Nam.

Thống kê báo cáo sơ bộ năm 2019 của Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước cho thấy, trên địa bàn 4 tỉnh này hiện có trên 328 trại nuôi động vật hoang dã, 60% trại nuôi các động vật trong nhóm động vật nguy cấp, quý, hiếm được xếp vào các nhóm IB và IIB trong danh mục theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP. 

Lỗ hổng pháp luật dễ nhìn thấy trong Điều 15 và Điều 17 của Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Bởi vì Chi cục Kiểm lâm địa phương nhiều nơi vẫn cấp phép gây nuôi sinh sản các loài được liệt kê trong Phụ lục I CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp). “Nhiều hộ đã lợi dụng có thể có giấy phép hợp pháp nuôi, gây giống nhiều loài động vật. Một số loài này cực kỳ khó nuôi nhốt, trong khi những loài khác không có khả năng có lợi về thương mại. Nhưng đó không phải là thông lệ để lôi kéo các bên thứ 3 vào quá trình cấp phép trang trại, nên chính quyền có thể đang cấp giấy phép buôn bán các động vật có nguồn gốc từ tự nhiên”, ông Douglas Douglas Hendrie, Giám đốc Cơ quan Thực thi Môi trường Địa phương NGO, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), nhận định với tờ The Guardian.

Thêm vào đó, hoạt động nuôi nhốt động vật hoang dã vì mục đích phi thương mại tại các vườn thú, trang trại ở Việt Nam cũng đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Theo ENV, hệ thống quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này còn chưa đầy đủ, gây bất lợi cho hoạt động của các cơ sở chân chính đang có những đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn loài. Những lỗ hổng pháp lý cũng đang tạo điều kiện cho một số đối tượng lợi dụng để thành lập các cơ sở phi thương mại làm vỏ bọc cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép. 

Cũng theo ENV thông tin ngày 19.3.2020, Việt Nam hiện có 46 cơ sở được cấp phép và con số này vẫn tiếp tục gia tăng, mặc dù một số cơ sở bảo tồn hoạt động đúng mục đích thành lập, nhưng nguồn gốc động vật hoang dã tại các cơ sở này lại là điều nghi ngờ. Vì chưa có quy định pháp luật cụ thể về việc các cơ sở bảo tồn được trao đổi và buôn bán động vật hoang dã, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở này để buôn bán bất hợp pháp.

 

Ông Tilo Nadler, chuyên gia linh trưởng, cựu Giám đốc Trung tâm cứu hộ linh trưởng Vườn Quốc gia Cúc Phương, kiến nghị: “Không nên để các cơ sở tư nhân quản lý các cơ sở bảo tồn vì đây không phải là hình thức kiếm tiền. Đối với những cá thể được sinh ra trong điều kiện nuôi nhốt cần có chương trình tái thả vì tất cả các động vật đều thuộc tự nhiên. Điều này rất cần thiết và động vật hoang dã nguy cấp chỉ nên được nhân giống tại các cơ sở bảo tồn và nhân giống không vì mục đích thương mại”.

“Nâng cao nhận thức của người tiêu thụ cũng sẽ rất quan trọng, vì một số người tin rằng thịt động vật hoang dã an toàn hơn thịt nuôi. Đây là một thời điểm quan trọng để thử và thay đổi nhận thức văn hóa đó”, ông Benjamin Rawson, Giám đốc Chương trình Bảo tồn và Phát triển, WWF Việt Nam, chia sẻ. Các nhà bảo tồn hy vọng sẽ thấy sự thực thi mạnh mẽ trên cả hai phía cung và cầu trong việc buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam.

Giải quyết vấn đề buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã sẽ chưa thể giúp khắc phục đại dịch hiện tại, nhưng nỗ lực này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn thảm họa toàn cầu tương tự trong tương lai.