Ảnh: QH
Số hóa di sản
Vào Ngày Di sản Thế giới 18.4, một di sản của Việt Nam lần đầu tiên được số hóa 3D là Lăng vua Tự Đức tại Huế để đưa vào thư viện Di sản Mở tại Google Arts & Culture (GAC). Trên cả mục tiêu đưa di sản giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn, việc lưu trữ dữ liệu số hóa 3D cho việc phục hồi trở nên cần thiết hơn bao giờ hết sau khi cả thế giới chứng kiến một phần của Nhà thờ Đức Bà Paris bị phá hủy sau trận cháy mới đây.
Câu chuyện về việc đưa Lăng Tự Đức vào thư viện Di sản Mở bắt đầu từ mùa hè năm 2018 khi CyArk phối hợp cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (HMCC) để số hóa điện Hòa Khiêm, văn bia Lăng Tự Đức và Lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh, đưa ra các mô hình 3D và các bản vẽ kiến trúc nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn và lưu trữ.
“Lăng Tự Đức khi ấy vừa được trùng tu được HMCC chọn là 1 trong 2 ứng cử viên sáng giá nhất được hưởng lợi từ việc số hóa”, ôngJohn Ristevski, Chủ tịch kiêm CEO CyArk, giải thích với NCĐT lý do lựa chọn công trình lăng mộ này cho bước khởi đầu. “HMCC muốn có một dữ liệu cơ sở chính xác về tình trạng hiện tại của di tích”, ông Ristevski cho biết.
Chỉ mất hơn 1 tuần để đội ngũ chuyên gia làm việc thực địa, nhưng sau đó cần 2-3 tháng để dữ liệu được xử lý, tạo ra mô hình 3D và các bản vẽ bảo tồn. Đa phần các công tác của dự án được thực hiện ngoài trời nên thời tiết mưa gió là một thách thức lớn.
Được thành lập năm 2003, CyArk đã dữ liệu hóa hơn 200 địa điểm trên cả 7 châu lục, từ những kỳ quan hiện đại cho đến những địa điểm khảo cổ học quý giá. “Chiếc hòm ảo” (Cyber Ark) là để ghi lại những địa điểm này trong trường hợp mất mát do thiên nhiên hoặc do con người, sao cho dữ liệu có thể được sử dụng để hỗ trợ phục hồi hoặc ít nhất ghi lại địa điểm đó. Kho lưu trữ này cũng là nguồn tài nguyên cho những người quản lý di tích và những người quan tâm đến những địa điểm này.
Dữ liệu của CyArk đã giúp UNESCO và người Thái có cơ sở phục hồi Wat Phra Si San Phet, di tích linh thiêng bị ảnh hưởng trong trận lụt lớn vào năm 2011. Là biểu tượng của nước Thái với 3 tháp hình chuông, Wat Phra Si San Phet chứng kiến các tháp sụt lún dần sau trận lụt. Dữ liệu số hóa đã giúp tạo ra những hình ảnh chính xác có độ phân giải cao về di tích để xác định độ nghiêng và sử dụng làm tài liệu tham khảo trong tương lai.
Mô hình 3D cũng được dùng làm cơ sở cho ứng dụng thực tế ảo, đưa du khách đến thành phố lịch sử Ayutthaya nơi họ có thể khám phá Wat Phra San Si Phet.
CyArk được thành lập khi Ben Kacyra bị đánh động bởi việc các bức tượng ở Bamiyan tại quê hương Afghanistan của ông bị phá hủy trong cuộc nội chiến đầu thế kỷ XX. Những bức tượng đã tồn tại trong gần 2 thiên niên kỷ, trải qua nhiều hỗn loạn chính trị. Vậy mà chỉ trong 1 ngày, chúng biến thành cát bụi.
“Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là bảo tồn bằng dữ liệu những di sản đang bị đe dọa, mà còn để lại những câu chuyện và dữ liệu chúng tôi đã thu thập cho thế hệ nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và sinh viên trong tương lai”, nhà quản lý CyArk nói. Để đẩy nhanh tiến độ, họ chuyển giao công nghệ cho chuyên gia địa phương.
Mỗi tháng, có hơn 500 triệu lượt tìm kiếm liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật trên Google. Trong lúc CyArk số hóa dữ liệu thì đối tác GAC giúp họ lưu trữ dữ liệu, đồng thời cho phép người dùng sử dụng công nghệ như một phương thức mới để hòa mình vào không gian trải nghiệm nghệ thuật, lịch sử, văn hóa và các kỳ quan thế giới từ hơn 1.000 tổ chức trên thế giới.
Không chỉ hỗ trợ thư viện Di sản Mở, GAC còn đóng góp nhiều cho việc mở rộng tiếp cận văn hóa. “Với hơn 1.800 đối tác tính đến nay, GAC đã tạo ra hơn 11.500 triển lãm và tour tham quan ảo, đồng thời thu thập hình ảnh tư liệu của 6 triệu cổ vật trên nền tảng này”, ông Chance Coughenour, Quản lý Dự án tại GAC, cho biết.
Một tượng đài không biến mất đơn giản khi bị hủy hoại, mà là khi không còn ai nhớ đến nó. Bất chấp nỗ lực tối đa của các nhà bảo tồn, không phải luôn có thể bảo vệ hình hài của những di sản thế giới. Không chỉ chiến tranh như trường hợp ở Afghanistan, mà những thảm họa thiên nhiên như động đất, lũ lụt có thể làm hư hại những di tích văn hóa quan trọng. Đô thị hóa, ô nhiễm và bị bỏ quên cũng có thể khiến các di tích đổ sụp xuống.
Sau Lăng Tự Đức, những di tích khác trong Cố đô Huế như Lăng Minh Mạng và Lăng Khải Định cũng đang trong quá trình thương thảo để được số hóa. Các di sản tại quốc gia nhiệt đới ẩm đang tiến gần đến công chúng và cơ hội bảo tồn nguyên vẹn hơn bao giờ hết.