Ngăn chặn phá rừng tại Amazon.

 
Quốc Ngô Thứ Sáu | 26/06/2020 14:30

Sẽ còn những COIVID-19...

Dịch COVID-19 là lời khuyến cáo con người phải nhanh chóng hàn gắn mối quan hệ đổ vỡ với thiên nhiên.

Đã qua nửa năm nhưng dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Tính đến 9 giờ ngày 17.6.2020, đã có hơn 8,2 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu với hơn 445.000 trường hợp tử vong. Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng khiến cho nền kinh tế toàn cầu tổn thất 5.800-8.800 tỉ USD, tương đương 6,4-9,7% GDP thế giới, theo một báo cáo vào tháng 5 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Trả lời The Guardian mới đây, các nhà lãnh đạo tại Liên hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đều nhận định, các đại dịch như COVID-19 là kết quả của quá trình phá hủy thiên nhiên do chính bàn tay con người tạo ra và thế giới đã và đang phớt lờ hiện thực tàn khốc này trong nhiều thập niên vừa qua. 

Các chuyên gia đa dạng sinh học hàng đầu thế giới cũng khuyến cáo, những trận bùng phát dịch bệnh tàn khốc hơn thế sẽ có khả năng tái diễn trong tương lai, nếu con người không dừng ngay việc hủy hoại thiên nhiên. “Rủi ro tương lai xuất hiện một căn bệnh mới từ động vật hoang dã lây sang cho con người đang tăng cao hơn bao giờ hết, có khả năng hủy hoại các nền kinh tế, sức khỏe con người và an ninh thế giới”, một báo cáo được công bố vào tuần qua của WWF nhận xét. 

Buôn lậu tê tê.
Tê tê bị buôn lậu

“Chúng ta đã chứng kiến nhiều căn bệnh xuất hiện trong những năm qua như Zika, AIDS, SARS và Ebola. Tất cả đều có nguồn gốc từ động vật trong những điều kiện môi trường nghiêm trọng”, Elizabeth Maruma Mrema, đứng đầu Hội nghị về Đa dạng sinh học Liên hiệp Quốc, Maria Neira, Giám đốc Môi trường và Sức khỏe của WHO và Marco Lambertini, đứng đầu WWF International, cùng đưa ra nhận định. 

 

Với virus Corona, “những trận bùng phát này là bằng chứng cho thấy mối quan hệ cực kỳ mất cân bằng giữa con người với thiên nhiên… Tất cả đều minh chứng cho một điều rằng các hành vi mang tính hủy diệt của chúng ta đối với thiên nhiên đang gây nguy hiểm cho sức khỏe của chính chúng ta. Đây là một hiện thực tàn khốc mà chúng ta đã phớt lờ suốt hàng thập niên”, Mrema, Neira và Lambertini nói thêm.

Việc phá hủy môi trường sống tự nhiên như phá rừng và đẩy mạnh canh tác nông nghiệp ở các vùng đất hoang dã đang ngày càng buộc những loài động vật hoang dã có chứa virus gây bệnh đến gần hơn với con người, “mở đường” cho những chủng bệnh mới phát triển. Scott Weaver, Giám đốc Viện Miễn dịch và Tác nhân gây nhiễm ở người tại University of Texas Medical Branch, cho biết nạn phá rừng sẽ càng gia tăng nguy cơ lây nhiễm từ nhiều loại virus có trong loài muỗi ở những khu vực như các vùng nhiệt đới, Mỹ Latinh và Đông Nam Á.

Nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã cũng là một nhân tố góp phần không nhỏ vào việc lây truyền bệnh từ động vật hoang dã sang cho con người. Theo báo cáo WWF, 60-70% các căn bệnh mới xuất hiện ở con người kể từ năm 1990 có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Trong cùng thời kỳ, 178 triệu ha rừng đã bị khai phá, tương đương với gấp hơn 7 lần diện tích của nước Anh.

 


Giáo sư Thomas Lovejoy, thuộc Quỹ Liên hiệp Quốc và Đại học George Mason tại Mỹ, nhận xét: “Bệnh dịch không phải là sự trả thù của thiên nhiên mà chúng ta đã làm điều đó với chính mình. Đó là hậu quả của những hành vi xâm phạm không ngừng và quá mức vào thiên nhiên, hoạt động buôn lậu động vật hoang dã lan tràn, các thị trường buôn bán động vật hoang dã…”.

Đồng quan điểm, trong một bài báo mới đây, Giáo sư Partha Dasgupta và Inger Andersen, Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hiệp Quốc, nhận định: “Các nền kinh tế của chúng ta, sinh kế và sức khỏe của chúng ta tất cả đều dựa vào thiên nhiên từ thực phẩm chúng ta ăn, cho đến kiểm soát môi trường, bệnh tật và sự viên mãn về tinh thần. Không có thiên nhiên, sẽ không có sự sống”. 

Đáng buồn là trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các hoạt động tàn phá thiên nhiên vẫn không hề ngưng nghỉ. Từ khu vực sông Mekong, Amazon cho đến Madagascar, những báo cáo đáng báo động về các hành vi săn bắt động vật hoang dã, khai thác rừng bất hợp pháp và nạn cháy rừng. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang cắt giảm ngân sách cho công tác bảo tồn và bảo vệ môi trường. 

Vì thế, báo cáo mới đây của WWF đã kêu gọi tất cả các chính phủ phải nhanh chóng ban hành và thực thi các quy định luật pháp nhằm ngăn chặn sự phá hủy thiên nhiên từ các chuỗi cung ứng hàng hóa cũng như thay đổi chế độ ăn uống theo hướng bền vững hơn.

Thịt bò, dầu cọ và đậu nành nằm trong số những loại hàng hóa thường gắn liền với nạn phá rừng và các nhà khoa học nói rằng tránh ăn thịt và các sản phẩm sữa là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm tác động môi trường. Nghiên cứu cho thấy thịt và sữa cung cấp chỉ 18% calorie và 37% protein, nhưng lại sử dụng đến 83% đất canh tác và chiếm tới 60% tổng lượng khí thải nhà kính của ngành nông nghiệp. 

Trong khi đó, theo Tanya Steele, đứng đầu WWF tại Anh, các hiệp định thương mại hậu Brexit phải nhắm đến việc bảo vệ thiên nhiên. “Chúng ta không thể là một tác nhân làm gia tăng nguy cơ xảy ra trận dịch tiếp theo. Chúng ta cần có cơ chế lập pháp mạnh mẽ và các hiệp định thương mại giúp ngăn việc nhập khẩu các thực phẩm là kết quả của hành vi tàn phá rừng hoặc những hoạt động sản xuất mà phớt lờ phúc lợi của người nghèo và các chuẩn mực môi trường tại các nước sản xuất những thực phẩm đó. Chính phủ có một cơ hội vàng để dẫn dắt sự thay đổi của thế giới”. 

 

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng các gói cứu trợ trị giá hàng ngàn tỉ USD được các quốc gia tung ra nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nên hướng đến việc bảo vệ môi trường.

Ở khía cạnh chính trị, có vẻ như sẽ mang lại lợi ích khi nới lỏng các tiêu chuẩn môi trường và vực dậy những ngành như nông nghiệp thâm canh, hàng không và các ngành năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch, nhưng làm thế mà không có sự thay đổi mang tính căn cơ sẽ càng cổ xúy sự trỗi dậy của các bệnh dịch trong tương lai.

“Chúng ta cứ chờ nghiên cứu ra vaccine ngừa dịch bệnh. Đó không phải là chiến lược hay ho. Điều cần làm là phải giải quyết những nguyên nhân đằng sau đó”, Tiến sĩ Peter Daszak, nhà động vật học người Anh, nhận định. 

Con người có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại một cách mạnh mẽ hơn và bền vững hơn bao giờ hết, nếu biết bảo vệ thiên nhiên và từ đó thiên nhiên sẽ bảo vệ lại con người.