Rừng xanh vang tiếng Pơ mu
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, loài thực vật sinh cùng thời với khủng long ở khu vực Đông Nam Á đang hấp hối dưới sự tàn phá của con người. Pơ Mu là một trong những loài thực vật có giá trị lịch sử đang phải gánh chịu nỗi đau như thế. Những năm gần đây đã chứng kiến hàng loạt vụ đốn hạ trái phép Pơ Mu cổ thụ, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên của Việt Nam và tình trạng này đang ngày càng diễn biến phức tạp.
Cây Pơ Mu có tên khoa học là Fokienia, là một chi thuộc họ Hoàng Đàn, tùy theo văn hóa của mỗi vùng miền mà chúng còn có tên gọi khác là Tô Hạp Hương, Khơ Mu, Hòng He hay Mạy Vạc. Dù đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam từ năm 1996, thuộc nhóm IIA - nhóm gỗ quý hạn chế khai thác hay sử dụng cho mục đích thương mại. Nhưng do những đặc tính nổi trội như khả năng chống mối mọt, chất gỗ đanh và cứng, thớ nhỏ mịn, độ liên kết giữa các tôn cao rất dẻo dai nên gỗ Pơ Mu khá được ưa chuộng và sử dụng nhiều trong ngành thiết kế nội thất hay xuất khẩu.
Thông tin từ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, chưa đầy 2 năm, trên địa bàn tiểu khu 1219 đã có 5 vụ lâm tặc khai thác trái phép, trên 110 cây Pơ Mu trong khu vực rừng nguyên sinh bị sát hại với tần suất ngày càng dày đặc. Đặc biệt gây bức xúc là các vụ khai thác trái phép 48 cây Pơ Mu xảy ra vào tháng 10.2018, 24 cây vào tháng 2.2019, 9 cây vào tháng 12.2019, 14 cây vào tháng 2.2020 và gần đây nhất là vụ 19 cây vào tháng 4 vừa qua.
Những vụ việc này đã được chuyển sang Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra hiện trường, truy tìm hung thủ để khởi tố. Theo quy định tại Điểm B Khoản 2 Điều 13 Nghị định 35/2019/NĐ-CP, hành vi khai thác trái phép gỗ thuộc Danh mục nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA trong rừng phòng hộ, có mức xử phạt lên đến 200 triệu đồng.
Trong trường hợp hành vi khai thác rừng trái phép gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc từng bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, có thể bị xử lý hình sự mức phạt lên đến 10 năm tù. Nhưng “một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng Pơ Mu bị tàn phá là do hầu hết các vụ phá rừng đến nay vẫn chưa có vụ án nào tìm ra được đối tượng gây án nên không có tính răn đe đối với các nhóm lâm tặc”, ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông, chia sẻ.
Thêm vào đó, đường đi của gỗ Pơ Mu lậu lại rất rộng, thường chọn các vùng giáp ranh để thuận lợi trong vận chuyển. Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, gần đây, tại các tỉnh trong khu vực và giáp ranh với Lâm Đồng như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Nam, Khánh Hòa... các vụ phá rừng, khai thác trái phép với quy mô lớn liên tiếp xảy ra. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh Kon Tum đã phát hiện 193 vụ phá rừng, thiệt hại hơn 20 ha.
Tình trạng phá rừng giáp ranh giữa huyện Krông Pa (Gia Lai) với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) cũng là điểm nóng khiến nhiều cánh rừng bị triệt hạ. Không chỉ là những loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm như Pơ Mu mà còn cả những loài thực vật rừng thông thường như Bằng Lăng, Gáo Vàng, Ké, Sao... cũng bị khai thác, nguồn Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Khối lượng gỗ khai thác lậu không hề nhỏ mà lại di chuyển trót lọt tới nơi tiêu thụ, thêm vào việc hầu hết các vụ đều không bắt được hung thủ đang đặt ra nhiều nghi vấn về năng lực và đạo đức của các cơ quan chủ quản. Thậm chí, nhiều cây Pơ Mu hàng trăm năm tuổi sinh trưởng xung quanh các khu vực vừa bị khai thác trái phép đều bị cưa một lát mỏng ở phần gốc cây như một đánh dấu để chờ khai thác của lâm tặc, công khai thách thức pháp luật.
Nhân sâm quý ở lâu năm, di sản quý ở giá trị lịch sử, trong rừng cây Pơ Mu to lớn mỗi mùa cả triệu hạt, mà dưới gốc chẳng có cây con nào. Sinh tồn qua hàng trăm hàng ngàn năm, các “cụ” Pơ Mu mang những giá trị không có gì thay thế được. Để gìn giữ loài cây tiền sử này cho thế hệ mai sau, nhiều nông dân như anh Lù A Sáy ở Sơn La hay anh Vừ Vả Chống ở Nghệ An đã kiên trì gây dựng những rừng Pơ Mu mới. Đây là một nỗ lực đáng khâm phục.