Quan trọng là thần thái
Giải Laureus vốn được coi là Oscar trong lĩnh vực thể thao và ban tổ chức giải năm 2018 đã mời diễn viên nổi tiếng Benedict Cumberbatch làm MC, xướng tên người chiến thắng năm nay là Roger Federer. Nam tài tử người Anh mới một lần được đề cử Oscar điện ảnh, Federer thì đã có 6 lần giành “Oscar thể thao”.
Dù đã quá quen thuộc với sân khấu Laureus, nhưng giải lần này với Federer có vẻ như là phần thưởng đặc biệt hơn cả. Bởi ở tuổi 36, anh là người cao tuổi nhất đạt được danh hiệu danh giá ấy. Nó ghi nhận nỗ lực phi thường của Federer, khi vượt qua những chấn thương và tuổi tác để trở lại một cách sáng chói với 2 chức vô địch Australian Open và Wimbledon 2017.
Huyền thoại người Thụy Sĩ đã đánh bại kỳ phùng địch thủ Rafael Nadal, người cũng giành được 2 giải Grand Slam trong năm qua, cũng như những nhà thể thao xuất chúng khác như ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo, vận động viên đua xe đạp Chris Froome, huyền thoại điền kinh Mo Farah hay tay đua F1 Lewis Hamilton.
Quan trọng hơn, chiến thắng của Federer cho thấy ở anh vẫn toát ra một thần thái đặc biệt, giúp tay vợt người Thụy Sĩ tạo được sự khác biệt vượt trội so với những đồng nghiệp nổi tiếng khác. Huyền thoại Martina Navratilova, người trao danh hiệu nhà thể thao xuất sắc nhất năm cho Federer, dùng từ “phi thường” để mô tả về chủ nhân của 20 giải Grand Slam. Còn Federer tiết lộ, anh từng nhận được câu hỏi về khả năng giải nghệ từ cách đây gần 1 thập niên.
“Những câu hỏi đó chẳng khác nào tiếng búa nện vào cánh cửa nhà tôi. Nhưng tôi quyết tâm giữ chặt cửa, không để nó ập tới. Nó khiến tôi quyết tâm hơn và mạnh mẽ đáp trả lại những câu hỏi đó,” Federer cho hay. “Đó là một thách thức, buộc tôi phải thực sự lắng nghe cơ thể mình. Liệu tôi còn có thể giành chiến thắng? Tôi cảm thấy mình vẫn đủ sức, không phải để chứng minh mọi người đã sai, mà chỉ là để chứng tỏ bản thân cũng như đội ngũ của tôi đã đúng”.
Cũng có một số ý kiến cho rằng trong năm qua Cristiano Ronaldo cũng xứng đáng không kém Federer và ngôi sao người Bồ Đào Nha lẽ ra phải trở thành cầu thủ bóng đá đầu tiên giành giải Laureus, kể từ khi giải ra đời vào năm 2000. Trước đó, Ronaldo đã càn quét tất cả các danh hiệu cao quý nhất trong môn bóng đá, đồng thời cũng đã vươn lên trở thành nhà thể thao kiềm tiền nhiều nhất thế giới. Bóng đá đương nhiên là môn thể thao đại chúng hơn so với tennis và Ronaldo cũng là nhân vật có lượng người theo dõi lớn nhất trên mạng xã hội.
Tuy vậy, đẳng cấp của một nhà thể thao lại không được đong đếm bằng số lượt “like” trên Facebook. Xét về mặt hình ảnh, rõ ràng Federer luôn toát ra một năng lượng “bền vững” hơn so với Ronaldo. Cứ nhìn vào các nhãn hàng mà họ đang đại diện. Trong năm qua, Federer kiếm được tổng cộng 64 triệu USD, trong đó có tới 54 triệu USD là từ quảng cáo. Các thương hiệu hạng sang như Credit Suisse, Mercedes-Benz, Nike hay Rolex đều gắn bó với huyền thoại người Thụy Sĩ suốt cả thập niên qua.
Trong khi đó, dù thu về 93 triệu USD, nhưng thu nhập của Ronaldo chủ yếu từ mức lương khủng tại Real Madrid, nhờ tiền bản quyền truyền hình ở môn bóng đá. Còn thu nhập từ quảng cáo của Ronaldo là 35 triệu USD, kém xa so với Federer. Trong số nhãn hàng mà Ronaldo đại diện, có những mặt hàng phổ thông như dầu gội đầu trị gàu, dầu nhớt xe máy, hay thậm chí là cả một khu nghỉ dưỡng tại... Đà Nẵng.
Dĩ nhiên, tiền nào cũng là tiền, nhưng nó cho thấy đẳng cấp của các nhà thể thao nằm ở chỗ tên tuổi của họ được gắn với cái gì. Nên nhớ rằng Federer đã 35 tuổi, nhưng sức hút chưa bao giờ nguội. Và không phải ngẫu nhiên mà Laureus đã 6 lần vinh danh huyền thoại người Thụy Sĩ, nhiều hơn bất cứ một nhà thể thao nào khác