Phong cách du lịch của người giàu nay đã khác
Tại khách sạn Burj Al Arab ở Dubai, một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất thế giới, du khách được phục vụ những chiếc iPad bằng vàng 24 carat và đắp mặt nạ được chiết xuất từ trứng cá muối. Giá phòng rẻ nhất ở đây là 1.000 USD/đêm; những ai thích ở loại phòng hoàng gia phải bỏ ra tới xấp xỉ... 25.000 USD/đêm. Không phải ai cũng thích phô trương như vậy. Nhưng nó cho thấy một xu hướng: cách người giàu tiêu tiền đang thay đổi.
Trước đây, những người lắm của hay thích mua các món hàng đắt tiền. Nhưng giờ họ chi nhiều hơn vào những trải nghiệm khi đi du lịch. Một báo cáo vào năm ngoái do hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG) công bố cho thấy trong số 1.800 tỉ USD được chi vào các sản phẩm và dịch vụ xa xỉ trên toàn thế giới năm 2012, gần 1.000 tỉ USD được rót vào “những trải nghiệm xa xỉ”. Du lịch và khách sạn chiếm tới khoảng phân nửa con số này.
Giới nhà giàu từ các nước đang phát triển ngày càng góp mặt nhiều hơn trong xu thế này. Những người giàu có Trung Quốc, chẳng hạn, bỏ ra 20 ngày mỗi năm đi du lịch đây đó, theo hãng lữ hành ILMT. Điểm đến ưa thích nhất là Úc và gần phân nửa trong số đó đi đến tận châu Âu. Trung bình, những người Mỹ giàu có đi nghỉ mát 3,9 lần vào năm 2014, tăng lên so với chỉ 3 lần vào năm 2012, theo hãng tư vấn Resonance. Gần phân nửa đi du lịch xa hơn 1.600 km trong chuyến đi gần đây nhất. Họ thích châu Âu, đặc biệt là Ý, Anh và Pháp.
Antonio Achille, Giám đốc Điều hành BCG, cho biết những người chi tiêu xa xỉ có phong cách tiêu xài rất đặc trưng, phụ thuộc vào độ tuổi của họ và vào việc họ sinh trưởng trong một gia đình giàu có, hay là nhà giàu mới nổi. Những người trẻ tuổi và những người mới phất lên gần đây có xu hướng mua các món hàng rất đắt tiền để làm “lóa mắt” bạn bè.
Soft Living Places, khách sạn hạng sang của Ý, gần đây đã quay một đoạn quảng cáo để “khuyên” những khách du lịch Nga mới phất lên, chẳng hạn như “đừng khoe khoang bằng cách gọi chai rượu đắt nhất trong thực đơn”. Ngược lại, những khách không phải mới phất lên mà giàu có từ lâu thì có xu hướng coi trọng giá trị, chất lượng hơn là sự phô trương.
Khi đi du lịch, những khách giàu có ở độ tuổi khoảng 20 thường bị cuốn hút vào các thú vui chơi tụ họp đông người để đăng hình ảnh trên các trang mạng xã hội, nhằm làm cho bạn bè ganh tị. Nhưng nhiều người cũng xem đi nghỉ mát, du lịch như một cơ hội để học thêm điều gì mới mẻ và mở rộng kiến thức văn hóa của mình, theo Chris Fair, Chủ tịch hãng tư vấn Resonance.
Mặc dù những du khách lớn tuổi hơn khi đi sang Ấn Độ vẫn thường chọn ở tại khách sạn Taj hay Oberoi, nhưng những khách trẻ hơn thì có xu hướng chọn du lịch theo hình thức ở chung nhà homeshare (mặc dù đó là một ngôi nhà sang trọng).
Những người giàu có từ lâu thì thường nghỉ tại các khách sạn 5 sao. Nhưng muốn làm hài lòng những vị khách giàu có này cũng không còn dễ dàng như trước. Những phòng tắm sang trọng, những đầu bếp nổi tiếng thế giới và công nghệ hiện đại bậc nhất giờ là tiêu chuẩn phải có ở những khách sạn xa xỉ nhất. Vì thế, muốn tạo sự khác biệt, các khách sạn cao cấp này phải tìm cách cung cấp những dịch vụ thiết kế theo yêu cầu từng vị khách.
Giá trị cộng thêm nằm ở chỗ “quan tâm đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất”, theo Frank Marrenbach, Tổng Giám đốc Oetker Collection, một tập đoàn khách sạn xa xỉ. Dịch vụ ân cần, chu đáo có nghĩa là ghi nhớ từng ý thích của khách hàng. Họ biết được sở thích nhờ những du khách này từng ở tại khách sạn trước đó hoặc lấy thông tin từ những lần du khách đi du lịch ở những nơi khác.
Điều quan trọng không kém, theo ông Marrenbach, là biết khi nào thì nên cho khách hàng không gian riêng vì đối với những vị khách giàu có, thời gian nghỉ ngơi cũng là một sự xa xỉ. Tại Villa Stephanie, một spa mà tập đoàn này điều hành ở Đức, các du khách có thể chạm nhẹ vào một công tắc trong phòng khi họ muốn ngắt tín hiệu không dây của máy tính và điện thoại để có thể nghỉ ngơi.
Vì gần như cái gì cũng đã có nên những người giàu coi trọng việc được làm hoặc cảm nhận điều gì mới mẻ. Theo BCG, những vị khách này cho biết họ cảm thấy hài lòng gấp 3 lần khi được trải nghiệm điều mới mẻ so với việc sở hữu một món đồ xa xỉ với cùng chi phí bỏ ra. Điều đó có nghĩa, bán các dịch vụ cộng thêm xa xỉ cho các chuyến đi là một trong những khoản mang về lợi nhuận nhiều nhất cho các công ty trong ngành.
Abercrombie & Kent, một hãng lữ hành cao cấp, chẳng hạn, sắp xếp cho du khách ở Ai Cập được “đặc cách” đi thăm lăng mộ của Nữ hoàng Nefertari mặc dù cửa vào đã bị niêm phong từ hàng chục năm nay. Tại Moscow (Nga), khách hàng có thể ăn trưa với một cựu điệp viên KGB đã từng làm điệp viên ở London trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Thậm chí khi đi mua sắm, trải nghiệm đi mua sắm một món đồ có thể quan trọng không kém gì việc mua món đồ đó. Ví dụ, việc sở hữu một chiếc áo Burberry cũng quan trọng như việc mua nó tại cửa hàng sang trọng nhất của Burberry tại London.
Mối quan tâm lớn nhất của những du khách giàu có, theo Resonance, là mức độ an toàn. Những thành phố như London và New York đã trở nên thu hút hơn với những du khách này nhờ tỉ lệ tội phạm ở đây đã giảm xuống. Do đó, các khách sạn và các đơn vị tổ chức tour nhắm đến đối tượng người giàu phải chứng minh được mức độ an toàn của họ.
Abercrombie & Kent sở hữu “các công ty quản lý điểm đến” tại nhiều nước châu Phi và châu Á mà có khả năng phản ứng nhanh với những sự cố xảy ra. Chẳng hạn như việc họ đã nhanh chóng sơ tán những du khách bị kẹt trong trận động đất gần đây ở Nepal.
Những du khách thuộc loại giàu có nhất lại có thêm một sở thích khác: muốn những điểm đến xa xôi cho họ cảm giác như ở nhà. Kevin Johnson, từng đứng đầu bộ phận nhân sự và quản lý dinh thự cho nhiều tỉ phú, cho biết một số ông chủ của ông thậm chí muốn mang theo chiếc giường yêu thích của mình trong các chuyến đi du lịch. Khi sắp xếp một chuyến nghỉ mát trên một hòn đảo xa xôi, các ông chủ của ông cũng đòi nơi đó phải được lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin như ở nhà. Và vì thế, người được gửi đến hòn đảo đó trước để lắp đặt. Điều này, theo ông Johnson, một phần là để đảm bảo an ninh nhưng cũng đồng thời đảm bảo rằng ông chủ có thể xem được các kênh truyền hình ưa thích.
Rõ ràng, đối với những người giàu mà đã có trong tay mọi thứ, sự quen thuộc có thể là món đồ xa xỉ nhất. Và nhiều công ty sẵn sàng phục vụ “tận răng” để làm hài lòng những vị khách lắm tiền nhiều của này.
Văn Quốc
Nguồn The Economist