Sử dụng năng lượng tái tạo giúp ngành thủy sản tại Việt Nam giảm áp lực lên tài nguyên đất. Ảnh: GIZ

 
Vân Nguyễn Thứ Năm | 09/04/2020 20:12

Nuôi trồng thủy sản kết hợp điện mặt trời

Cách tiếp cận mới để Đồng bằng sông Cửu Long tối ưu việc sử dụng đất và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Một thỏa thuận vừa được Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) ký với Viện Fraunhofer về Hệ thống năng lượng mặt trời (ISE) theo cơ chế hợp tác công - tư  (PPP) để triển khai một dự án mới về kết hợp nuôi trồng thủy sản và điện mặt trời tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo thỏa thuận này, các mô-đun điện mặt trời sẽ được lắp đặt trên mái của các nhà kính nuôi tôm tại một nhà máy thí điểm thuộc tỉnh Bạc Liêu, trong khuôn khổ dự án “Hệ thống sản xuất tích hợp nuôi trồng thủy sản và năng lượng mặt trời cho hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên” (SHRIMPS).

Dự kiến, dự án được thực hiện đến năm 2022, sẽ tận dụng hiệu quả việc sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, giảm lượng nước ngọt tiêu thụ và nước thải phát sinh, giảm phát thải khí CO2, trong khi đó vẫn duy trì nhiệt độ nước ổn định để tôm phát triển cũng như cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân tại nhà máy.

Ông Tobias Cossen, Giám đốc Dự án, cho biết, dự án sẽ cung cấp một giải pháp thiết thực nhằm tối ưu hóa việc sử dụng diện tích đất, đồng thời cho sản xuất thực phẩm và năng lượng tại Việt Nam, góp phần hỗ trợ các vùng nuôi trồng thủy sản tại địa phương thích ứng tốt hơn với tác động của biến đổi khí hậu.

 “Chúng tôi sẽ giám sát hoạt động lắp đặt nhà máy thí điểm, tiếp đó sẽ chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp thủy sản vừa và nhỏ tại các tỉnh khác và cuối cùng sẽ nhân rộng ra các nước khác trong khu vực Đông Nam Á”, Tobias nói.  

Với tốc độ gia tăng nhu cầu sử dụng điện hằng năm vào khoảng 10%, Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính từ 8% đến 25% trước năm 2030 theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21), nếu không thúc đẩy việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, việc nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng sử dụng nhiều nguồn nước ngầm để phục vụ sản xuất do tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt gia tăng, cùng với việc tận dụng nước cho mục đích sinh hoạt và nông nghiệp, các hoạt động này đã dẫn đến tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng.

Hợp tác giữa GIZ và ISE, một cách sử dụng năng lượng tái tạo giúp ngành thủy sản tại Việt Nam giảm áp lực lên tài nguyên đất, phát triển và bảo vệ môi trường một cách bền vững. Trước khi ký kết thỏa thuận, ISE đã hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi về tiềm năng kết hợp nuôi trồng thủy sản và điện mặt trời trong năm 2018. ISE cũng đã thử nghiệm tính khả thi về kỹ thuật và thương mại của việc kết hợp đồng thời diện tích đất cho hoạt động phát điện mặt trời và nuôi trồng thủy sản tại một vùng nuôi tôm cụ thể.