Novak Djokovic: “Độc cô” đã biết bại
Khi Novak Djokovic bị loại khỏi Wimbledon từ vòng 3, người ta nói rằng đấy chỉ là tai nạn và tay vợt số 1 thế giới sẽ nhanh chóng lấy lại vị thế. Nhưng từ đó đến nay, tay vợt Serbia, người từng được coi là “độc cô cầu bại”, đã không giành được bất cứ danh hiệu lớn nào nữa. Và thất bại mới đây ở Shanghai Masters có thể được coi là đỉnh điểm của nỗi thất vọng mang tên Djokovic.
Trước đó, Djokovic đã có sự khởi đầu như mơ trong năm 2016 khi giành liên tiếp các chức vô địch lớn nhỏ, mà đáng kể nhất là danh hiệu Roland Garros giúp anh hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam. Vào thời điểm đó, Djokovic gần như là bất khả chiến bại, tưởng như không còn gặp bất cứ trở ngại nào trên đường chinh phục những cột mốc mới, khi cả Roger Federer và Rafael Nadal coi như đã hết thời, còn Andy Murray không đủ sức thách thức người đứng trên mình.
Nhưng kể từ ấy, thành tích của Djokovic chỉ có đi xuống, thậm chí là rơi theo chiều thẳng đứng. Thất bại trước Stan Wawrinka trong trận chung kết ở Flushing Maedows khiến người hâm mộ bàng hoàng nhận ra rằng, dường như cụm từ Djokovic-bất-khả-chiến-bại đã không còn được bảo toàn. Thất bại cứ lặp đi lặp lại ở các giải quan trọng cho thấy, Djokovic đang lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng thấy kể từ khi anh chiếm ngôi số 1 của làng banh nỉ.
Sau khi buộc phải rút khỏi China Open ở Bắc Kinh do chấn thương, giải đấu mà Djokovic đã giành 29 chiến thắng liên tiếp kèm theo 4 chức vô địch trong 4 năm qua, anh đã gây thất vọng khi gục ngã sau 2 set với cùng tỉ số 6-4 trước Roberto Bautista Agut. Đấy là trận đấu anh đã không còn giữ được sự bình tĩnh khi liên tiếp hành hạ cây vợt của mình bằng cách nện xuống đất. Không những thế, tay vợt 29 tuổi này còn giật lấy chiếc khăn lau mồ hôi từ tay cô bé nhặt bóng, giằng giật chiếc áo trong giận dữ sau khi để mất điểm break point, to tiếng với trọng tài rồi luôn miệng phàn nàn trong buổi họp báo sau trận đấu. Không còn những khoảnh khắc vui nhộn, thứ làm nên thương hiệu của “chú hề Djoker”, cho dù Djokovic liên tục nói rằng anh đang tìm lại phong thái tự tin như thường thấy.
Djokovic không còn giữ được sự đĩnh đạc của một tay vợt lớn. Ảnh: atpworldtour.com |
“Djokovic đang lâm vào một cuộc khủng hoảng”, Federer chia sẻ trên trang Yibada. “Một khi bạn đã giành được Grand Slam sự nghiệp (tức giành cả 4 chức vô địch Grand Slam) thì một sự nghiệp mới sẽ bắt đầu. Bạn sẽ tự vấn rằng mình sẽ tiếp tục chơi như thế nào, mục tiêu sắp tới là gì, có cần thay đổi thái độ thi đấu hay không?”. Theo Federer, quá trình ấy đôi khi kéo dài một tuần, thậm chí là một tháng, một năm, tùy thuộc vào việc bản thân vận động viên đã tìm được trạng thái tương ứng với vị thế mới của mình hay không.
“Đối với cá nhân tôi, đành rằng tennis là một phần quan trọng trong cuộc đời tôi, kéo dài suốt 20 năm qua, nhưng trong cuộc sống vẫn còn nhiều thứ quan trọng kéo chúng ta xa rời khỏi sân banh nỉ. Hạnh phúc của chúng ta còn là sức khỏe của gia đình, những người thân yêu nhất”, Nadal tiếp lời.
Như thế, có thể kết luận rằng Djokovic đã đạt tới một cảnh giới cao hơn kể từ sau khi hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam, giống như Federer và Nadal và có vẻ anh chưa chuẩn bị sẵn tâm thế để đương đầu với những thách thức mới, dù xét ở nhiều khía cạnh khác, Djokovic đã vượt 2 tay vợt đàn anh.
Dĩ nhiên, Djokovic cũng đã sẵn sàng đương đầu với nó, khi nói rằng những thách thức mới không phải là không thể vượt qua. “Sớm hay muộn tôi cũng phải trải qua quãng thời gian này. Tôi biết mình không thể lúc nào cũng chơi với phong độ cao nhất, hết năm này qua năm khác. Nhưng tôi hy vọng, thời kỳ tốt đẹp hơn sẽ tới”, Djokovic phân trần.
Chỉ có điều, không ai biết cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ kéo dài tới bao giờ. Và Djokovic vẫn còn cơ hội chuộc lỗi ở giải đấu lớn cuối cùng của năm 2016: ATP World Tour Finals!
Hoài Sa