Ảnh: Global Times

 
Kim Thùy Thứ Sáu | 21/08/2020 08:00

Nhựa sử dụng một lần có ngăn được virus Corona?

Công cuộc phòng chống dịch COVID-19 đã khiến lượng rác thải nhựa, rác thải y tế trở nên quá tải.

Trong cuộc chiến chống COVID-19, nhựa sử dụng một lần đang góp phần giữ an toàn cho mọi người trong đại dịch, khi có mặt hầu hết trong các thiết bị y tế như khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ, màng ngăn giọt bắn. Nhưng đồng thời, nó cũng tạo ra những bước lùi trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở nhiều quốc gia.

Hiện nay, mỗi tháng ngành y tế toàn cầu tiêu thụ 89 triệu chiếc khẩu trang y tế, 76 triệu đôi găng tay và 1,6 triệu cặp kính bảo hộ, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trọng lượng bình quân của một chiếc khẩu trang y tế 3 lớp khoảng 30 gram, đôi gang tay 50 gram, với hơn 65% thành phần là nhựa tổng hợp. Uớc tính sơ bộ, mỗi tháng không dưới 4.205 tấn rác nhựa được thải ra môi trường.

Với nhiều ưu điểm đa năng, tiện lợi, giá cả phải chăng, không thấm nước, nhựa trở thành một vật liệu cần thiết để sản xuất ra các thiết bị bảo hộ cá nhân. Nhưng “việc khuyến khích mọi người tiêu thụ đồ nhựa không dựa trên bất kỳ thông tin khoa học có cơ sở nào và thậm chí còn gây hiểu nhầm là an toàn, trong khi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra virus Corona lưu lại trên bề mặt nhựa lâu hơn các chất khác”, Yavuz Eroglu, Chủ tịch Hiệp hội Ngành nhựa Thổ Nhĩ Kỳ (PAGEV), chia sẻ.

Ảnh:
Ảnh: Quý Hoà

Những giọt bắn mang virus có thể bay tới các bề mặt, lưu giữ tại đó trong một khoảng thời gian nhất định. Theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ và Đại học Hồng Kông (HKU), thời gian tồn tại của virus SARS-CoV-2 trong không khí là 3 giờ, trên bề mặt đồng là 4 giờ, trên bề mặt carton là 24 giờ, trên bề mặt thép từ 2-3 ngày và trên bề mặt nhựa từ 4-7 ngày.

Đối với mũ chắn giọt bắn được làm từ nhựa, Tiến sĩ - Dược sĩ Phạm Đức Hùng, Bệnh viện Nhi Cincinnati, Ohio, Mỹ, cho rằng: “Loại mũ này chỉ có tác dụng như có thêm một lớp bảo vệ, nhưng không ngăn cản được việc người khỏe mạnh hít phải giọt bắn có virus trong không khí”, vì thế cần phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ sau khi sử dụng.

 

Trong khi đó, tại Việt Nam, việc xử lý rác thải y tế vẫn còn nhiều hạn chế. Điển hình ở Đà Nẵng, điểm nóng dịch COVID-19 hiện nay, trung bình mỗi ngày lượng rác nguy hại là 4,8 tấn. Nhưng “cả thành phố chỉ có 1 lò đốt ST200 xử lý rác thải nguy hại có công suất 200 kg mỗi giờ, hiện đã bị quá tải vì tổng khối lượng rác y tế thu gom được từ 40 điểm cách ly y tế tập trung, bệnh viện đã vượt quá công suất hoạt động của lò đốt”, ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Đà Nẵng, cho biết. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ rác y tế rất cao.

Tình trạng quá tải rác thải nhựa, rác thải y tế trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19 cũng diễn ra ở nhiều nước. Tại Singapore, chỉ trong 8 tuần thực hiện giãn cách xã hội, 5,7 triệu cư dân nước này đã tạo ra thêm 1.470 tấn chất thải nhựa từ bao bì bọc thực phẩm và các chuyến giao hàng. Số lượng khẩu trang được đặt mua để ứng phó với dịch bệnh ở Pháp đã lên tới 2 tỉ chiếc. Tại Vũ Hán (Trung Quốc), nơi được cho là điểm bắt nguồn của đại dịch, lượng rác thải y tế tại các bệnh viện đã tăng gấp 6 lần so với thời điểm trước khi khủng hoảng xảy ra.

 

COVID-19 đã góp phần tạo một bước lùi trong hành trình loại bỏ rác thải nhựa, khi nhiều quốc gia có tầm ảnh hưởng trong cuộc cách mạnh xanh như các nước châu Âu, Anh, Mỹ lần lượt dời thời hạn cấm các vật dụng sử dụng nhựa một lần. Tuy nhiên, “các sản phẩm nhựa dùng một lần là 100% có thể tái chế. Vì thế, nếu các rác thải này được thu gom đúng cách, sẽ không có bất kỳ vấn đề môi trường nào” Yavuz Eroglu, thuộc PAGEV, chia sẻ thêm.

Lạm dụng các sản phẩm bảo hộ từ nhựa sử dụng một lần không phải là giải pháp tối ưu có thể bảo vệ con người khỏi COVID-19. Một cách để tạo ra các sản phẩm thay thế là chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, trong đó khái niệm quan trọng là thiết kế không lãng phí. Chìa khóa thành công của cách tiếp cận nền kinh tế này là tập trung vào giai đoạn thiết kế, thay vì cố gắng xử lý chất thải vào cuối vòng đời của sản phẩm.