Nhà vô địch Wimbledon "khóc ròng" vì brexit
Việc nước Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) đương nhiên sẽ khiến Premier League đánh mất vị thế giải bóng đá số 1 hành tinh, khi các cầu thủ EU rồi cũng sẽ bị xem như cầu thủ nước ngoài. Nhưng không chỉ có bóng đá, cả tennis cũng bị ảnh hưởng không kém.
Sau cú sốc Brexit, bắt đầu từ ngày 1.7, tỉ giá đồng bảng Anh đã xuống đến mức thấp nhất trong vòng 31 năm qua, dưới mức 1 bảng ăn 1,31 USD. Nhà vô địch Wimbledon, giải tennis lâu đời và danh giá nhất thế giới, hẳn sẽ chau mày khi nghe tin đồng bảng Anh mất giá trị. Năm 2016, tổng giá trị giải thưởng của Wimbledon đạt mức kỷ lục 28,1 triệu bảng Anh. Nhưng thực tế, con số này đã sụt giảm tới 11% so với giá trị của giải năm ngoái sau khi thị trường phản ứng tiêu cực với kết quả trưng cầu Brexit. Lâu nay, Wimbledon đã đi đầu về bình đẳng giới, nhà vô địch nam và nữ đều được hưởng số tiền thưởng bằng nhau. Năm ngoái là 1,8 triệu bảng, năm nay là 2 triệu bảng. Thế nhưng, khi quy đổi ra USD, năm nay, thực tế quán quân nam và nữ chỉ nhận được khoảng hơn 2,62 triệu USD mỗi người.
Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, nhà vô địch Wimbledon thu về gần 3 triệu USD tính theo tỉ giá lúc ấy. Thậm chí, nếu Wimbledon năm nay đẩy sớm lên trước khi có kết quả Brexit, quán quân Wimbledon cũng không đến nỗi mất trắng khoảng 400.000 USD mỗi người. Á quân sẽ thiệt hại 200.000 USD, có mặt trong trận bán kết mất 100.000 USD... Đấy là các tay vợt hàng đầu, vài trăm ngàn USD không phải vấn đề quá lớn nếu không muốn nói là chẳng thấm tháp gì. Nhưng đối với những tay vợt ít tên tuổi, bị loại sớm, cú sốc Brexit khiến họ cảm nhận được rõ sự mất mát. Chẳng hạn, theo tính toán của Fox Sports, những tay vợt bị loại từ vòng 1 sẽ mất 6.000 USD, vòng 2 mất khoảng 10.000 USD; chi phí ăn ở, đi lại, thuê huấn luyện viên thì hầu như không đổi. Trong khi chi phí sinh hoạt tại London vốn nổi tiếng đắt đỏ.
Đau lòng nhất phải kể đến trường hợp của tay vợt người Áo, Gerald Melzer. Anh này bắt đầu trận đấu trước hôm thị trường phá đáy, nhưng do trời mưa nên trận đấu hoãn lại vào hôm sau, đúng lúc đồng bảng tụt dốc thê thảm. Kết thúc thời điểm nào, tiền thưởng sẽ chốt ở theo tỉ giá ngày hôm đó. Tâm sự với tờ New York Times, Melzer than thở rằng anh đã mất khoảng 1.000 euro chỉ vì trời mưa. “Bảng vẫn là bảng, nhưng euro đã không còn là euro”, Melzer nhăn nhó.
Tương tự là trường hợp của tay vợt người Bỉ, Yannick Mertens, người cũng bị loại ở trận đấu phải hoãn 1 ngày do trời mưa. “Chúng tôi mất tiền một cách vô nghĩa vì tỉ giá. Đối với chúng tôi, Brexit là điều vô cùng tệ hại”, Mertens nói với tờ Times xuất bản tại London. “Đó là mất mát lớn”, tay vợt xếp hạng 131 thế giới Austin Krajicek đồng tình. “Chẳng biết các tay vợt hàng đầu nghĩ thế nào, chứ với những tay vợt phải tham gia đấu loại như chúng tôi, 1xu cũng quý”.
Krajicek cùng những tay vợt kém tên tuổi khác đã phải lang thang trên đất Anh suốt cả tháng qua để dự các giải đấu tiền Wimbledon (nhằm tích đủ điểm dự giải đấu chính). Khi đó, cuộc trưng cầu Brexit vẫn chưa diễn ra và đa số vẫn tự tin về khả năng nước Anh ở lại EU. Đến lúc vào được Wimbledon thì có kết quả trưng cầu, người Anh chọn Brexit, kéo theo là thị trường tài chính London chao đảo.
Với việc để thua tay vợt Mỹ, Sam Querrey ở vòng 2 Wimbledon, tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic không những tắt luôn hy vọng đoạt Slam Calendar (tức cả 4 chức vô địch Grand Slam trong một năm trọn vẹn), mà anh còn thiệt hại nặng về kinh tế khi ra về với mức tiền thưởng là 80.000 bảng Anh. Nên nhớ là Djokovic bước vào giải với tư cách đương kim vô địch, một năm trước đó nhận được phần thưởng 1,8 triệu bảng Anh, nâng tổng thu nhập từ Wimbledon trong sự nghiệp lên 7,5 triệu bảng (3 lần vô địch). Con số 80.000 bảng tiền thưởng là mức thấp nhất mà Djokovic nhận được trong các lần dự Grand Slam, kể từ lần đầu dự một giải lớn là French Open 6 năm về trước. Trong 2 năm qua, chỉ có 4 lần tay vợt người Serbia dự một giải đấu mà giành được ít tiền đến thế.
Rõ ràng, việc đồng bảng Anh mất giá đã khiến những chiến thắng ở Wimbledon ít nhiều mất đi ý nghĩa. Thế nên, trang Fox Sports mới nói đùa, lần gần nhất mà đồng bảng Anh xuống mức 1 USD ăn 1,31 bảng là vào năm 1985, tức năm mà bộ phim khoa học viễn tưởng Back To The Future ra rạp. Các tay vợt tennis hẳn bây giờ đều đang ước có cỗ máy thời gian để trở về quá khứ, trước khi diễn ra cuộc trưng cầu Brexit.
Andy Murray nói gì?
Khi có kết quả trưng cầu Brexit, người đầu tiên trong làng thể thao mà người ta muốn biết phản ứng chính là tay vợt người Scotland, Andy Murray. Dù từng đại diện cho Vương quốc Anh tham dự Olympic London 2012 (đoạt huy chương vàng) cũng như ở các trận đấu thuộc Davis Cup, song Murray đã không ít lần bày tỏ quan điểm không ủng hộ nước Anh. Hồi World Cup 2006, Murray từng bày tỏ niềm vui khi đội tuyển bóng đá Anh bị loại. Tiếp đó, trong cuộc trưng cầu về độc lập cho Scotland năm 2014, Murray đã viết lên Twitter: “Ngày vĩ đại cho Scotland, thật hứng khởi để chờ đợi kết quả”.
Cả 2 lần đó, Murray đều hứng chịu cơn thịnh nộ từ các cổ động viên người Anh, những người luôn ủng hộ Murray ở Wimbledon với tư cách tay vợt chủ nhà. Thế nên lần này, Murray chọn giải pháp im lặng, nhất là khi giới lãnh đạo Scotland bày tỏ mong muốn tiếp tục ở lại EU và xem xét khả năng tiếp tục tổ chức trưng cầu rời khỏi nước Anh. Thôi thì cứ chờ đến bao giờ Scotland tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh, Murray lên tiếng cũng chưa muộn.
Hoài Sa