Ngừng đánh bắt cá mỏ đầu u!
Cá mó đầu u hay cá mó đầu gù (Danh pháp khoa học Bolbometopon Muricatum) là một loài cá biển trong họ cá mó (Scaridae). Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), đây là loài cá mó lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những loài cá lớn nhất sống ở san hô. Chúng phân bố trên rạn san hô ở vùng biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, biển Đỏ cho tới phía Tây của Samoa và từ Bắc đảo Yaeyama cho tới Nam Great Barrier Reef, Úc.
Ở Việt Nam, cá mó đầu u được xếp vào danh mục những loài thủy sản nguy cấp nhóm I, thuộc lớp cá xương, theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP ban hành ngày 8.3.2019. Mức phạt tiền đối với hành vi thu gom, lưu trữ, chế biến, bảo quản, vận chuyển trái phép thủy sản, sản phẩm thủy sản và bộ phận của những loài thủy sản có tên trong nhóm I các loài nguy cấp, quý hiếm dao động từ 50-70 triệu đồng nếu khối lượng thủy sản từ 20-100kg, nguồn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nhưng tới nay, loài này vẫn bị ngư dân săn bắt, phần nhiều do người dân chưa được cập nhật thông tin chi tiết, gây nhầm lẫn với các loài cá mó khác. Thêm vào đó, mức độ suy thoái của môi trường sống cũng góp phần làm suy giảm đáng kể số lượng cá mó đầu u.
Trong bài viết kêu gọi bảo vệ loài cá mó đầu u của tổ chức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển Marine Life Vietnam, đăng ngày 6.5.2020, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chia sẻ: “Loài cá này hiện rất hiếm vì các bãi rạn san hô ở Việt Nam còn lại rất ít, chủ yếu ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đánh bắt loài cá này bằng 2 nghề chính là lưới kéo (lưới bao rạn) và lặn đèn dùng súng bắn (ngư dân Phú Quốc hay sử dụng). Hai nghề trên ngoài khai thác các loài quý hiếm còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rạn san hô”.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, trong 4 năm trở lại đây, tổng số vụ vi phạm các quy định quản lý nhà nước liên quan đến công tác bảo tồn biển là 767 vụ. Nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế cao hơn rất nhiều khi các hoạt động trong khai thác, lặn bắt những loài hải sản nguy cấp, quý hiếm vẫn xảy ra ngay trong vòng nghiêm ngặt. Tàu cá sử dụng các nghề lưới kéo, màng, ngư cụ có mắt lưới nhỏ, ngư cụ cấm sử dụng chất nổ để khai thác trong và xung quanh các khu bảo tồn biển nhưng cơ quan chức năng không có chế tài để xử phạt kịp thời.
Trao đổi tại Hội nghị “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh” tháng 10.2019, ông Jacob Brunner, đại diện Tổ chức IUCN, cho rằng: “Tại Việt Nam, khu vực bảo vệ bảo tồn nghiêm ngặt rất nhỏ, khoảng dưới 1% diện tích, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế là 30%. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc bảo tồn các loài sinh vật”.
Trong quá trình nghiên cứu, IUCN còn phát hiện một trong những yếu tố làm cản trở sự quản lý hiệu quả tài nguyên sinh vật biển Việt Nam không phải bắt nguồn từ sự thiếu vốn hay cơ sở vật chất mà do sự không đồng ý của người dân. Trong trường hợp cá mó đầu u, nhiều ngư dân vẫn nghĩ rằng chúng là loài phá hoại san hô khi mỗi con cá mó đầu u có thể tiêu thụ tới 5 tấn san hô mỗi năm. Nhưng thực chất, theo NOAA, chúng là “nhà sản xuất” cát san hô quan trọng, đóng vai trò tích cực tới sự phục hồi hệ thống sinh thái rạn san hô.
“Trong một hệ sinh thái, sự cân bằng của chuỗi thức ăn duy trì sự cân bằng của các loài trong đó. Việc số lượng cá mó đầu u thấp và dễ bị tổn thương là do sự lựa chọn thức ăn của chúng. Khi có tác động của con người cộng với đặc tính dễ bị tổn thương đẩy chúng tới nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo vệ chúng, cần ngăn chặn hành vi khai thác chúng cùng với việc bảo vệ sinh thái rạn san hô”, ông Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ.
Không chỉ cá mó đầu u mà còn rất nhiều loài thủy sản quý hiếm khác cũng trong hoàn cảnh tương tự, Nhà nước cấm nhưng dân không hay. Làm sao vừa bảo tồn các loài quý hiếm, duy trì tài nguyên cho khai thác thủy sản bền vững, vừa phát triển hoạt động du lịch và không ảnh hưởng đời sống của dân địa phương là một bài toán không dễ tìm lời giải. Trên hết, cần có cơ chế tuyên truyền và biện pháp thực thi rõ ràng để doanh nghiệp và cộng đồng liên kết cùng nhau quản lý, sử dụng và bảo tồn đa dạng sinh học biển