Ảnh: TL
Mượn ly đẩy lui rác nhựa
Đầu năm 2018, sau thời gian dài sinh sống và học tập tại châu Âu, Lê Thùy Linh trở về Việt Nam với mong muốn thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng trong việc sử dụng nhựa một lần. Mong muốn này là nền tảng hình thành AYA Cup - dự án cho mượn ly thay việc dùng ly nhựa tiện dụng. Ngoài tính chất vì cộng đồng, môi trường, dự án còn là một ví dụ điển hình của kinh tế tuần hoàn này đã được chọn vào vòng cuối của cuộc thi Asean Impact Challenge 2019 tại Bangkok, Thái Lan. Cái tên Linh AYA cũng bắt đầu từ đó.
Tiếng nói của người trẻ
Linh cho biết ý tưởng của cô bắt đầu từ những buổi tiệc với bạn bè. Sau mỗi lần vui chơi, cô cùng họ nghiễm nhiên được thêm tiền từ nguồn rác của mình. Đổi chai thủy tinh, chai nhựa tại các máy đổi vỏ chai, đặt ở siêu thị để lấy tiền là những hoạt động phổ biến ở các nước phát triển như Phần Lan, Đức... Thích cách làm của các quốc gia đó, nhưng để ứng dụng mô hình này ở quê hương, Linh biết, mình phải thực hiện bằng một hình thức khác, thân thiện và bền vững hơn với môi trường, thay vì lắp đặt máy móc đắt tiền.
Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới với mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển, trong đó 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền, theo xếp hạng lượng rác thải nhựa do Nhật ước tính. Để góp phần giải quyết vấn đề này, đầu tiên, Linh đầu tư sản xuất loại ly đặc biệt. Nguồn nguyên liệu chính cho loại ly thân thiện này là 35% bột tre cùng với melamin, vừa bớt đi lượng nhựa sử dụng, vừa làm tăng chất lượng mỗi chiếc ly. AYA dự kiến đưa vào thử nghiệm với chất liệu bột khoai mì 40% và polypropylen 60%. Mỗi chiếc ly mới sẽ giảm được 250 gram khí carbon dioxide so với ly nhựa nguồn gốc 100% hóa dầu cùng loại.
Theo cô gái năng động này, vì Việt Nam có hệ thống cửa hàng ăn uống rất phát triển, dễ hình thành nên hệ thống cho mượn, đổi trả và mang đi những chiếc ly tiện dụng của AYA. Do đó, Linh mạnh dạn liên kết với các chủ tiệm. Bước đầu những người chủ cũng e ngại về việc sử dụng loại ly tái sử dụng nhưng sau đó họ chấp nhận thử nghiệm. Đến thời điểm hiện tại, AYA Cup đã có mặt tại hơn 30 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở quận 2, TP.HCM. Mô hình cho mượn ly trên cơ chế cực kỳ dễ dàng, đơn giản. Khách hàng chỉ cần đặt cọc 50.000 đồng ở bất kỳ cửa hàng nào trong hệ thống, để nhận 1 ly AYA, sử dụng và bảo quản không giới hạn thời gian. Khách hàng cũng có thể đổi ly mới hoặc trả lại ly để nhận lại tiền cọc tại bất kỳ địa điểm nào của hệ sinh thái.
Chọn tập trung ở địa bàn Thảo Điền, quận 2, TP.HCM, Linh cho biết, đây là khu vực đông người ngoại quốc, họ sẵn sàng thay đổi thói quen vì môi trường, cùng chung tay vì lợi ích chung. Từ một cộng đồng nhỏ, sự thay đổi sẽ sớm lan tỏa. “Sắp tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến đối tượng trẻ, sinh viên, học sinh, hướng họ thành người chuyển tải thông điệp xanh”, Thùy Linh chia sẻ. Thực tế, tiếng nói khách hàng rất lớn, chính họ làm thay đổi tư duy kinh doanh của nhiều cửa hàng về ô nhiễm môi trường. Linh tin rằng người trẻ sẽ dẫn dắt xu hướng, thói quen của cộng đồng.
Con đường giảm rác nhựa
2025-2026 là mốc Việt Nam không còn sử dụng đồ nhựa một lần. Đó cũng là khoảng thời gian mà Lê Thùy Linh AYA cho biết sẽ theo mô hình kinh doanh chuyên nghiệp hơn. Bởi vì, khi nhận thức đúng về kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn thì người dân sẽ sẵn sàng thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày của mình. “Lúc đó, người sử dụng sẵn sàng thay đổi, doanh nghiệp sẵn sàng cung ứng, Chính phủ cũng sẵn sàng hỗ trợ, có điều luật, nghị định rõ ràng, tất cả cùng cố gắng. Con đường giảm thiểu rác nhựa thông thoáng hơn”, Linh nói.
Sinh ra và lớn lên trên đất Bắc nhưng Linh cho rằng, TP.HCM mới là môi trường thuận lợi để xây những viên gạch đầu tiên, tiến đến hoàn thiện mô hình, xây dựng thêm hệ thống quản lý, mở rộng ra hơn ở các thị trường cho AYA, từ đó, lan đến những vùng quê. Cô khá tự tin với dự án này vì ly AYA khá dễ dàng trong vận chuyển, cách sử dụng, độ bền khá cao... Do đó, từ điểm khởi đầu là giải quyết bài toán cho thực phẩm tiện lợi, phục vụ nhu cầu mang đi, AYA sẽ phát triển thêm các sản phẩm phục vụ những địa điểm khép kín như trường học. Làm tốt được khu vực người dùng này, Linh tin câu chuyện của AYA sẽ tiếp tục gây được ảnh hưởng lớn đến cộng đồng.
Có điều kiện trải nghiệm ở nhiều quốc gia, Linh hiểu, bản chất nhựa không có lỗi, có hay chăng là cách sử dụng của con người. Việc tái chế, tái sử dụng, cho thuê lại có thể giúp sản phẩm được sử dụng lâu hơn. Rất mừng là hiện nay, doanh nghiệp đã phần nào nhận thức được bài toán về môi trường, chọn kinh tế bền vững là ưu tiên hàng đầu. “Vấn đề quan trọng của Việt Nam là việc xử lý phát thải còn hạn chế. Chính sách hỗ trợ đầu tư về tái chế, hiện tại chưa có nhiều. Khi chỉn chu hơn về các khâu, tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành quốc gia đạt các tiêu chuẩn môi trường bền vững”, Linh nói.