Thứ Hai | 30/05/2016 13:00

MU đổi huấn luyện viên: Thực dụng kiểu Mỹ

Việc sở hữu M.U đối với nhà Glazer chỉ là một thương vụ kinh doanh thuần túy, mà đã là kinh doanh thì phải thực dụng.

Cho dù rất thất vọng trước thành tích tệ hại dưới thời Louis van Gaal, song các cổ động viên Manchester United (M.U) cũng không khỏi bất ngờ khi hay tin Ban lãnh đạo bổ nhiệm Jose Mourinho thay cho huấn luyện viên người Hà Lan. Nhưng đó là quyết định dễ hiểu, bởi M.U hiện nằm trong tay người Mỹ (gia đình tỉ phú Glazer), mà người Mỹ bao giờ cũng thực dụng.

Quyết định sa thải Van Gaal được Ban lãnh đạo M.U đưa ra chỉ một ngày sau khi đội bóng giành chiến thắng trước Crystal Palace trong trận chung kết Cúp FA. Dù đây là chiếc cúp lâu đời nhất thế giới song nó không bù đắp được cho việc Quỷ Đỏ không giành được suất dự Champions League mùa tới. Đấy mới là điểm mấu chốt dẫn đến việc Van Gaal bị sa thải, bởi tổn thất tài chính là vô cùng lớn.

Thứ nhất, trước mắt, M.U sẽ mất 30 triệu bảng Anh tiền bản quyền truyền hình được chia cho các đội dự giải đấu danh giá nhất châu Âu. Đó là chưa kể tiền bán vé từ các trận đấu ở Champions League, mà nếu càng lọt sâu vào vòng trong, tiền bán vé lại càng nhân lên gấp bội. Song, đó vẫn chưa phải là tất cả.

Ngay trước trận chung kết Cúp FA, Phó Chủ tịch Điều hành Ed Woodward đã phải muối mặt khi xác nhận với các nhà đầu tư (M.U là đội bóng đầu tiên lên sàn chứng khoán Mỹ) về chuyện sẽ mất 30% giá trị hợp đồng quảng cáo với hãng Adidas, do điều khoản cho phép hãng sản xuất đồ thể thao hàng đầu này cắt giảm tiền tài trợ nếu M.U không được dự Champions League. Nghĩa là với các đội bóng lớn như M.U, việc lọt vào Champions League là điều kiện sống còn. Nên một khi Van Gaal không thể giúp đội bóng này giành vé thì việc ông phải ra đi là điều hoàn toàn dễ hiểu, bất chấp việc huyền thoại Alex Ferguson vẫn ủng hộ chiến lược gia người Hà Lan tiếp tục dẫn dắt đội bóng.

MU doi huan luyen vien: Thuc dung kieu My
Các thành viên nhà Glazer tham dự một trận đấu tại giải Ngoại hạng Anh - Ảnh: atomicsoda.com

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, những gì mà Van Gaal làm được mang tính nền tảng, mà xét về lâu về dài, chiến lược dài hơi của ông sẽ rất có lợi cho M.U. Trong khi đó, Jose Mourinho lại thuộc mẫu huấn luyện viên “ăn xổi”. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha cũng là một dạng Vua Midas, “chạm vào đâu là thành vàng” với thành tích giành 8 chức vô địch quốc gia ở 4 nước, 2 Champions League với 2 câu lạc bộ khác nhau cùng vô số danh hiệu lớn nhỏ khác.

Song, Mourinho lại không có thói quen gắn bó lâu dài với bất kỳ đội bóng nào. Đương nhiên, chiến lược mà ông xây dựng cho các đội bóng ấy cũng đều ngắn hạn. Đó là lý do tại sao sau khi Mourinho rời khỏi Inter, đội bóng này từ chỗ giành cú ăn 3 lịch sử đã tụt dốc không phanh. Điều này cũng giải thích tại sao Ngài Alex đã dứt khoát không chọn Mourinho sau khi nghỉ hưu cách đây 3 năm. Ông đã chọn David Moyes, rồi tiếp đó là Van Gaal.

Vậy mà bây giờ, M.U đành muối mặt quay lại với Van Gaal, mà cách giải thích duy nhất là sự sốt ruột của nhà Glazer. Những ông chủ người Mỹ vẫn bị các cổ động viên M.U ví như kẻ vắt sữa bò tàn nhẫn, đặt lợi nhuận lên hàng đầu thay vì đoái hoài đến tình cảm của những người sống chết vì đội bóng. Từ khi mua lại câu lạc bộ năm 2003 cho đến khi qua đời năm 2014, tài phiệt Malcolm Glazer thậm chí còn chưa bao giờ đặt chân đến sân Old Trafford, chỉ có các con trai của ông ta là trực tiếp đến Anh tham gia điều hành câu lạc bộ.

Trên hết, việc sở hữu M.U đối với nhà Glazer chỉ là một thương vụ kinh doanh thuần túy, mà đã là kinh doanh thì phải thực dụng. Do đó, sẽ là ảo tưởng nếu có ai nghĩ người Mỹ sẽ đem đến những điều mơ mộng này nọ. Hãy chấp nhận thực tế: cứ cái gì có lợi thì họ sẽ làm.

Hoài Sa