Môtô: “Người yêu bạc tỉ” của doanh nhân
Rẽ ra khỏi dòng người hiếu kỳ trên đại lộ, chiếc môtô kềnh càng từ từ tiến vào sân với tiếng nổ “ầm ầm” như súng đại liên nhả từng loạt đạn. Trong nắng chiều sau mưa, một doanh nhân trung niên người Đài Loan mang kính đen bước xuống xe. Gỡ chiếc khẩu trang che kín mặt có họa tiết xương sọ ton-sur-ton với dàn áo độ lại của chiếc môtô Touring đang cưỡi, ông bắt tay người viết và nói: “Tôi chạy từ Bình Dương lên đây”.
Đặng Bác Văn (Teng Po Wen) là Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam Chuan Li Can, doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì kim loại đã hoạt động 13 năm tại Khu Công nghiệp Sóng Thần II, Bình Dương. Đây là một doanh nghiệp sản xuất tự động có doanh thu bình quân vài trăm tỉ đồng mỗi năm từ thị trường trong và ngoài nước. Tự đánh giá lĩnh vực của mình giàu lợi nhuận và ít cạnh tranh, ông đầu tư cho thú chơi môtô một cách vô tư và hoàn toàn độc lập với chuyện làm ăn.
Vì công việc, ông Văn ở Việt Nam một mình trong khi cả gia đình vẫn ở Đài Loan. Đã gắn bó với thú chơi môtô từ năm 20 tuổi, người đàn ông sinh năm 1963 càng quấn quýt với môtô khi sống một mình ở xứ người. Tuy mệt, nhưng nét mặt vị doanh nhân này bỗng chuyển rạng rỡ, rũ sạch bụi đường khi được hỏi đến môtô.
Người điều khiển xe môtô phân khối lớn được gọi là biker. Và ông Văn là một biker thực sự. Ngoại trừ những lúc gặp khách hàng phải đi bằng ôtô, hầu hết thời gian rong ruổi trên đường ông đều thưởng thức cảm giác vi vút với những con xe 2 bánh “dữ dằn” đã tậu được. 30 năm thưởng thức các hành trình trên đường với gió thốc vào mặt, biker phóng khoáng thường khó chịu với cảm giác tù túng khi ngồi trong ôtô. Người đàn ông trung tuần bật người ra phía sau, chống tay lên đùi cười ha hả: “Có hít thở được khí trời mới thấy mình tự do tự tại, mưa thì mặc áo mưa vào rồi đi thôi”.
Người ta nói ông Văn có 5 ngôi nhà nhỏ trong một ngôi nhà lớn. Cũng vì 5 chiếc môtô ông sở hữu thuộc hãng xe Harley có giá khá chát, không phải người yêu môtô nào cũng đủ khả năng rước về sống chung. Ông sưu tập xe để thuận tiện thay đổi trên những lộ trình khác nhau cho phù hợp.
Chiếc xe đắt nhất trong bộ sưu tập của ông là Road King Custom Vehicle Operations, một loại môtô chế tác thủ công mang tính cá nhân có giá 1,4 tỉ đồng. Ông Văn bổ sung chiếc này sau 4 “đứa con cưng” ở nhà vì tình cờ nhìn thấy mà không thể chối từ: “Nó quá đẹp, tôi cầm lòng không được”. Vừa nói, ông vừa chặc lưỡi xuýt xoa như chàng trai tuổi dậy thì nhìn thấy cô siêu mẫu gợi cảm.
Chiếc Softail Fat Boy Lo với bánh đúc đặc, tay lái rộng và đèn pha lớn là một biểu tượng mạnh mẽ khác trong bộ sưu tập của biker này. Đong đưa người trên ghế để diễn tả độ nhún thoải mái của chiếc môtô, ông Văn vỗ ngực tự hào: “Cả thế giới chỉ có 150 chiếc, xe của tôi đánh số 96”.
Riêng chiếc Touring Electra Glide Ultra nhiều thùng, nhiều cốp mà ông vừa bước xuống và dựng kế bên người viết, nó được mua với giá gần 900 triệu đồng và trải qua cuộc “phẫu thuật” nâng cấp máy 450 triệu đồng. Ông Văn đã thay động cơ nguyên thủy bằng động cơ 110 cubic inches, tương đương hơn 1.800 phân khối và là động cơ Harley mạnh nhất ở Việt Nam hiện tại. Ông đắc chí vì là 1 trong 2 người đầu tiên ở Việt Nam độ khối động cơ này. Người còn lại là ông Tổng Giám đốc Harley-Davidson Việt Nam.
Chiếc Touring Electra Glide Ultra của doanh nhân Đặng Bác Văn được mua với giá gần 900 triệu đồng và nâng cấp máy 450 triệu đồng - Ảnh: Linh Phạm |
Từ những chiếc môtô Honda hay Ducati lần lượt sở hữu trong thời trải nghiệm bốc lửa của tuổi trẻ, ông Văn kể bằng giọng chậm dần nhưng không quên hài hước: “Giờ tôi đã có tuổi và sợ chết, nên đi xe đắt tiền và chạy chậm cho mọi người còn kịp ngắm nhìn”.
Cuộc trò chuyện đang hồi sôi nổi thì tiếng pô xe khác rầm rập tiến lại, gần như âm thanh trực thăng tìm bãi đáp. Gạt chân chống loang loáng vệt bùn đất vì mưa, một biker khác điều khiển chiếc Road King sừng sững xuất hiện. Nhanh chóng tham gia câu chuyện về môtô, anh Trương Giới Minh, Giám đốc Công ty Trương Lê, một người đàn ông trạc tuổi 40 hăng hái kể về cuộc đời dành cho xe và hội những người chơi xe của mình.
Đời anh Minh chỉ có 2 thứ đam mê, một là thiết bị âm thanh, hai là xe phân khối lớn. Anh chọn đam mê thứ nhất làm nghề nghiệp và đùa vui rằng: “Anh cưới nó làm vợ để kiếm tiền nuôi dàn người yêu đỏng đảnh kia”. Hoạt động trong lĩnh vực âm thanh 20 năm, doanh nghiệp của anh đang là nhà phân phối độc quyền cho 11 hãng thiết bị âm thanh của Anh, Mỹ, Nhật. Công việc là bệ đỡ tài chính cho phép anh Minh ung dung tuyển hết chiếc môtô này đến chiếc môtô khác, khiến giới chơi xe TP.HCM không khỏi ghen tị.
Bắt đầu đam mê từ năm 16 tuổi, anh Minh sở hữu chiếc Kawasaki Eliminator trị giá 6 cây vàng. “Ðó là năm 1992, thời mà nhà trong ngõ chỉ có 2 cây vàng”, anh nhớ lại. Đam mê môtô khiến anh trở thành kẻ từng trải với 40-50 mối tình gặp gỡ và chia tay đủ các thương hiệu Kawasaki, Honda, Suzuki, Ducati, Triump... trong 25 năm kể từ khi biết đến xe phân khối lớn.Thậm chí, nhà anh Minh từng chứa cùng lúc tới 9 chiếc môtô. “Có một năm, anh mê xe quá, bỏ hẳn công ty nên cả nhà giấu bán hết xe đi...”, anh kể, giọng rưng rưng.
Trở về thực tại, anh Minh bắt đầu kể về những con xe mình đang sở hữu, có tổng trị giá 2,7 tỉ đồng. “Nhìn thấy xe đẹp thể nào cũng tìm mọi cách để xoay tiền mua”, anh khẳng định. Lý do là bởi môtô bây giờ mua dễ nhưng bán lại khó, mà cũng lỗ nhiều trên giá trị nên nếu chần chừ để chờ bán được xe cũ mới mua xe mới thì không biết phải chờ bao lâu. Anh Minh đập tay lên bàn chan chát: “Anh đã thử rồi, chờ một ngày là mất ngủ một ngày, chờ một tuần là mất ngủ một tuần, mà chờ một tháng là mất ngủ một tháng”.
Chăm xe cũng khá tốn kém. Chi phí bảo dưỡng một năm cỡ vài ngàn USD nếu không mua thêm các loại đồ chơi. “Mỗi lần rửa xe ở cửa tiệm ưng ý, anh trả 600.000 đồng để người ta kỳ cọ trong 4 tiếng. Còn nếu không mang về tự rửa cũng đến 8 tiếng mới xong”, anh Minh đưa tay mô phỏng động tác kỳ cọ cho người viết dễ hình dung.
Nhà của anh Trương Giới Minh từng chứa cùng lúc tới 9 chiếc môtô - Ảnh: Linh Phạm |
Khi được hỏi vì sao lại chọn Harley mà không còn giữ các xe khác, anh Minh trả lời: “Thành thật mà nói xe này rất đắt, nó như đích đến cuối cùng cho hành trình chơi môtô của anh. Người muốn chơi thường cũng phải có tuổi, tài chính đủ vững vàng mới chơi được”. Được biết, Câu lạc bộ Harley Owner Group (H.O.G) cũng là nhóm giàu có và đình đám nhất trong làng môtô ở TP.HCM.
Tự hào khoe huy hiệu cờ đỏ sao vàng của thành viên trong hội đồng sáng lập H.O.G, anh Minh cho biết nếu đánh giá về xe, giá trị của một chiếc Harley chỉ chiếm 10-15% trong quyết định chơi xe của cá nhân. Điều làm anh thích thú là việc chơi có hội, mà hội Harley có quy mô tổ chức toàn cầu. Trên chiếc áo jacket bằng da là chi chít những dấu ấn (pin) của các hội Harley ở khắp nơi trên thế giới, những nơi anh Minh đã chạy xe đến giao lưu. Giống như chiến tích của một biker đường trường, anh ưỡn ngực khoe cái này của Úc, cái này của Thái, cái kia của Mỹ, của Nhật... một cách say sưa.
Từ những ngày đầu lập hội, anh Minh còn đóng vai trò của một Road Captain, người dẫn đường cho đoàn xe. Anh cũng cho biết khác với thời trẻ hay chạy sportbike phô diễn đủ kỹ thuật “bốc đầu, tăng tốc, nẹt pô”, chạy xe theo đoàn có những yêu cầu khó hơn, đòi hỏi mọi thành viên phải cứng tay và tuân thủ quy trình huấn luyện. Khác với hình ảnh những biker ở Mỹ thường lực lưỡng, xăm trổ đầy mình và điều khiển những con xe rất ngầu, hội của anh Minh toàn những con người nho nhã hơn nhiều vì hầu hết họ là những doanh nhân giàu có chơi xe. Anh cười khà khà khi khoe ảnh đứng ra huấn luyện kỹ thuật chạy xe cho công an tỉnh Đồng Nai. “Đây là hình ảnh mà biker ở Mỹ không tin là có thật, vì không đâu biker lại thân thiện với cảnh sát như ở Việt Nam. Ở Mỹ, họ là 2 thế lực đối đầu”, anh tiết lộ.
Sự thỏa mãn của người chơi môtô là khi được rong ruổi cùng chiến mã trên cung đường và những chuyến hành trình. Các thành viên trong H.O.G của anh Minh tổ chức nhiều chuyến đi bằng môtô từ Nam chí Bắc và sang cả Campuchia, Lào, Thái Lan, Úc, thậm chí cả nước Mỹ xa xôi. “Có người mang xe theo, có người qua Mỹ thuê”, anh phấn khích kể. Tuy nhiên, vì khác yêu cầu về khí thải hay tiếng ồn nên thường có quá nửa số xe mang qua không được sử dụng. Anh chậc lưỡi: “Nghề chơi cũng lắm công phu, tốn tiền mang qua mất vài ngàn USD lại không được chạy, đau lắm. Được cái xe Việt Nam mang qua vẫn oai hơn vì đắt gấp 3 lần những xe cùng loại bên Mỹ”.
Rồi anh Minh lại kể về những chuyến hành trình trên đường cao tốc với môtô 3 bánh ở nước ngoài khi muốn tìm đến tốc độ. Do Việt Nam chưa cho chạy xe trên đường cao tốc, cũng không còn cho nhập môtô 3 bánh nữa, nên muốn điều khiển các con xe này ở tốc độ 200-250 km/giờ, anh sẽ phải sang Mỹ hoặc Thái Lan. Nói đến đó thì 2 chân anh Minh dạng thẳng ra, tay mô phỏng cầm lái, mắt nhắm nghiền, đầu đong đưa và miệng lẩm nhẩm: “Cảm giác bồng bềnh như đi cano trên đường vậy”. Anh say sưa với cảm xúc của mình đến nỗi làm cho kẻ ngoại đạo, chưa bao giờ nếm gió với tốc độ trên 100 km/giờ như người viết cũng cảm thấy rát mặt. “Không ít lần xe lao xuống vực 1-2 m nhưng anh lôi lên nổ máy chạy tiếp. Được cái xe này rất cứng và bền, chưa lần nào phải thất thểu dắt về”, anh Minh thích chí nói.
Bắt được mạch chuyện để sống với niềm đam mê, anh Minh kể liên hồi dù muộn giờ đón con đã lâu mà vẫn chưa muốn rời khỏi ghế. Trời chiều 6 giờ chập choạng chưa muốn tối hẳn, chiếc môtô đã lên dàn đèn sáng rực, phô diễn 2 vòng cho mọi người mục kích trước khi rời đi. Những biker phóng khoáng này cũng không quên dặn: “Còn muốn nghe chuyện thì cứ hẹn ra cà phê nhé, anh kể tiếp cho nghe”, rồi mất hút vào dòng xe lấp loáng đang di chuyển trên đường.
Gia Linh