Hoài Sa Thứ Hai | 20/11/2017 09:00

"Mộng World Cup" Trung Hoa

"Siêu giải đấu" Chinese Super League (CSL) cũng đang có hiện tượng bong bóng khi đổ vào đây hàng tỉ USD.

Thế giới bóng đá vẫn còn bàng hoàng vì đội tuyển từng 4 lần vô địch thế giới Ý không thể giành vé dự World Cup 2018, điều chưa từng xảy ra trong 60 năm qua. Nhưng còn một nền bóng đá khác cũng đau đớn không kém là Trung Quốc.

Trận đấu định mệnh của Ý (hòa Thụy Điển 0-0 ở lượt về play-off, chung cuộc thua 0-1) diễn ra trên sân San Siro, sân nhà của hai câu lạc bộ AC Milan và Inter Milan. Đây là hai đội bóng giàu truyền thống nhất tại Ý, cùng chia sẻ sân nhà nhưng đương nhiên là không đội trời chung trong các trận derby. Tuy nhiên, họ còn có một điểm chung nữa là giờ đang nằm trong tay các ông chủ Trung Quốc.

Năm ngoái, công ty đầu tư Sino-Europe đã mua đứt AC Milan từ tay cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi với giá 740 triệu euro, trong khi tập đoàn bán lẻ hàng đầu Trung Quốc Suning nắm 68,55% cổ phần của Inter. Những thương vụ trên nằm trong một chiến lược quy mô lớn mà Chính phủ Trung Quốc phát động, nhằm khuyến khích các tập đoàn lớn của nước này mua lại tài sản ở các nước Âu, Mỹ. Kết quả là có tới cả chục đội bóng ở châu Âu rơi vào tay các ông chủ Trung Quốc, trải đều ở các nền bóng đá lớn như Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha...

 

Đồng thời, các doanh nhân Trung Quốc cũng đổ hàng đống tiền vào giải vô địch quốc nội, biến Chinese Super League (CSL) trở thành một “siêu giải đấu” theo đúng nghĩa với hàng loạt bản hợp đồng bom tấn khiến các đội bóng lớn nhất châu Âu cũng phải thèm thuồng. Nhờ có tiền đầu tư của tỉ phú Jack Ma mà Câu lạc bộ Guangzhou Taobao Evergrande đã 2 lần lên ngôi ở AFC Champions League trong 4 năm qua, trong khi Shanghai SIPG cũng vào đến bán kết mùa giải 2017.

Tất cả những bước đi đó đều nhằm phục vụ cho “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dưới sự dẫn dắt của ông Tập, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế số 2 thế giới, trở thành cường quốc có ảnh hưởng lớn bao trùm cả thế giới trên mọi phương diện. Tuy nhiên, đội tuyển đại diện cho đất nước 1,4 tỉ dân này tiếp tục không thể giành vé dự World Cup, trong khi có tới vài đội tuyển dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vào năm sau đến từ những quốc gia có chưa tới 10 triệu dân. Thậm chí, Iceland chỉ có 330.000 người, tức tương đương một huyện nhỏ ở Trung Quốc.

Trong chuyến đi tới nước Anh cách đây 2 năm, ông Tập từng đến thăm sân tập của Câu lạc bộ Manchester City và thậm chí còn chụp selfie với ngôi sao Sergio Aguero. Còn các nhà khoa học Trung Quốc tìm mọi cách chứng minh rằng nền văn minh Hoa Hạ mới là quê hương của bóng đá, từ đời Tống cách đây cả ngàn năm, chứ không phải nước Anh.

Nhưng tại vòng loại World Cup 2018 vừa rồi, quê hương môn túc cầu chỉ xếp thứ 5 tại vòng đấu quyết định giành vé đến nước Nga, dù đã bổ nhiệm chiến lược gia lừng danh người Ý Marcelo Lippi làm huấn luyện viên trưởng trong giai đoạn cuối. Cùng thời điểm đội tuyển Ý chính thức bị loại, đội tuyển Trung Quốc của Lippi cũng thảm bại tới 0-4 trước Colombia trong trận giao hữu diễn ra trung tuần tháng 11. Nhưng bi kịch chưa dừng lại ở đó, bởi bong bóng ở giải CSL đang có nguy cơ tan vỡ còn sớm hơn thị trường chứng khoán hay bất động sản phát triển vô cùng nóng ở nước này.

Hàng loạt ngôi sao quốc tế khác như Paulinho, Fred Guarin, Renato Augusto... cũng đã, đang và sẽ tháo chạy khỏi CSL. Lý do là Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc ra luật mới, áp thuế 100% giá trị mỗi khi có câu lạc bộ nào chiêu mộ ngôi sao nước ngoài, như một cách bảo hộ tài năng trẻ nội địa.

Không rõ biện pháp mới ấy có giúp “Giấc mộng Trung Hoa” ở môn bóng đá trở thành hiện thực hay không, song nguy cơ CSL sẽ trở lại hình hài giải đấu làng, còn các câu lạc bộ Trung Quốc mất sức cạnh tranh ở AFC Champions League đang hiển hiện. Suốt một thời gian dài, giải vô địch quốc gia Trung Quốc từng chìm trong bóng tối của tệ nạn mua bán độ, dàn xếp tỉ số khiến khán giả quay lưng. Giờ mất nốt cả các ngôi sao nước ngoài, liệu khán giả có chịu đến sân xem các trận đấu của cả 22 cầu thủ nội?

Ý chí của giới lãnh đạo có thể giúp Trung Quốc thành công ở nhiều mặt. Nhưng có vẻ như, bóng đá lại cần đòi hỏi nhiều hơn thế...