Thứ Sáu | 03/06/2016 15:51

Mỏ vàng cầu lông

Tiến Minh là một vận động viên thể thao kiếm được khá nhiều tiền từ tiền tài trợ, quảng cáo, thậm chí còn hơn cả các ngôi sao bóng đá thời thượng.

Dù đạt thành tích ra sao thì Olympic Rio 2016 sắp tới sẽ là một cột mốc đáng nhớ với Tiến Minh, khi tay vợt cầu lông số 1 Việt Nam lập kỷ lục 3 lần tham dự Thế vận hội. Đấy cũng sẽ là lần cuối cùng Tiến Minh thi đấu với tư cách một vận động viên chuyên nghiệp, bởi anh không giấu diếm ý định sẽ giải nghệ ngay sau đó. Càng đáng nói hơn khi vận động viên 33 tuổi này sẽ dự giải với bạn gái của anh là tay vợt nữ Vũ Thị Trang.

Có thể coi Tiến Minh là một “của hiếm”, không chỉ với bộ môn cầu lông mà với cả làng thể thao Việt Nam. Bởi anh gần như là vận động viên duy nhất tiệm cận được tốp đầu thế giới, từng leo lên hạng 5 trên bảng xếp hạng BMF và giành huy chương đồng Giải vô địch thế giới năm 2013. Nhưng đấy chưa phải là tất cả, bởi Tiến Minh còn là một trong những vận động viên thể thao kiếm được nhiều tiền nhất từ tiền tài trợ, quảng cáo, thậm chí còn hơn cả các ngôi sao bóng đá thời thượng.

Hồi đầu năm nay, tay vợt người Sài Gòn đã ký hợp đồng tài trợ trị giá 1 tỉ đồng với hãng trang phục, dụng cụ thể thao Mizuno, con số lớn nhất mà một vận động viên thể thao Việt Nam đạt được. Bên cạnh đó, hãng thể thao Nhật Bản này còn tài trợ toàn bộ vợt, trang phục thi đấu cho Tiến Minh, hỗ trợ kinh phí để anh tham dự các giải quốc tế trong năm 2016. Bản hợp đồng còn có những điều khoản cho phép Tiến Minh trở thành nhà phân phối trang phục, dụng cụ của Mizuno thông qua siêu thị thể thao mà anh mới khai trương hồi tháng 3. Nghĩa là Minh đã chuẩn bị sẵn cho mình một tương lai vững chãi về mặt tài chính sau khi giải nghệ để chuyển sang công tác huấn luyện.

Tất cả những điều đó biến Minh trở thành hình mẫu của một vận động viên thể thao chuyên nghiệp, theo nghĩa là tự lực cánh sinh, hái ra tiền nhờ thành tích thi đấu của mình. Trong một nền thể thao vẫn mang nặng tính bao cấp như ở Việt Nam thì đấy là điều vô cùng đáng khích lệ. Một vận động viên tài năng, không dính bất cứ scandal nào thì không có lý gì không thể tỏa sáng. Đương nhiên, điểm mấu chốt là Tiến Minh phải có tài năng đặc biệt, gia đình có kinh tế khá giả. Song, anh không thể thành công nếu thiếu đi sự khổ luyện và chiến lược phát triển đúng đắn. Kể từ khi giành danh hiệu vô địch quốc gia lần đầu tiên năm 2002, rồi được Liên đoàn Cầu lông Thế giới chính thức xếp hạng, Tiến Minh đã nỗ lực tự mình vươn lên thay vì trông chờ hỗ trợ của nhà nước.

Mo vang cau long
Ảnh: Tiến Minh và Vũ Thị Trang tại lễ công bố vận động viên cầu lông dự Olympic Rio 2016 tổ chức hôm 30/5. (Ảnh: Quốc Khánh)

Đó là con đường mà các vận động viên nổi tiếng thế giới vẫn đi: tham dự các giải đấu quốc tế, vừa để tích lũy điểm số nhằm gia tăng thứ hạng, vừa để kiếm tiền phát triển sự nghiệp. Mỗi năm, Minh xách vợt tham dự trên dưới 10 giải lớn nhỏ, ban đầu là bỏ tiền túi, rồi sau đó là sống nhờ giải thưởng và tiền tài trợ. Một chức vô địch giải thuộc hệ thống Super Series có thể đem lại 10.000 USD, giải nhỏ vài ngàn USD, số tiền thưởng giảm tương ứng tùy thuộc vào việc lọt sâu đến đâu.

Theo những thống kê không chính thức giai đoạn đỉnh cao 2012-2014, Tiến Minh có thể kiếm được tiền tỉ mỗi năm. Đương nhiên, anh cũng phải đầu tư lại vào việc tập luyện, rồi tự lo chi phí ăn ở khi đi nước ngoài. Song, điều quan trọng là thành tích nổi bật giúp Minh nhanh chóng lọt vào mắt xanh của nhiều Mạnh Thường Quân, chưa kể các đơn vị như Sở Thể dục Thể thao TP. HCM và Tổng cục Thể dục Thể thao cũng hỗ trợ ít nhiều.

Trước khi ký hợp đồng với Mizuno, Minh từng có hợp đồng với các tên tuổi như Yonex, Victor, Kawasaki hay Becamex. Thời điểm Tiến Minh tạo nên cơn sốt cho người hâm mộ cả nước với thành tích leo lên hạng 5 thế giới, anh đã được Becamex tài trợ 50 triệu đồng/tháng nếu duy trì được vị trí trong top 10. Mãi đến cuối năm 2015 hợp đồng đó mới chấm dứt sau khi Tiến Minh xuống hạng dưới 40.

Rõ ràng, thành công của Tiến Minh là một trường hợp điển hình để các vận động viên khác noi theo. Đường đến đỉnh cao của thể thao chuyên nghiệp ngoài tài năng thì còn cần đến cả sự khổ luyện, ý chí và phong cách sống lành mạnh nữa. Ngoài ra, cần phải có sự đầu tư nghiêm túc từ phía cá nhân cũng như cơ quan chủ quản. Phải hội tụ đủ từng đó yếu tố khiến giới hâm mộ lo ngại rằng đằng sau Tiến Minh sẽ là một khoảng trống cho cầu lông Việt Nam.

Tiến Minh lần đầu tiên lọt vào top 10 thế giới (hạng 9) là vào năm 2009, sau khi giành vị trí á quân Giải Grand Prix Thái Lan Open. Tháng 12.2010, Tiến Minh có bước tiến lịch sử khi được xếp hạng 5 và một lần nữa đạt vị trí đó vào tháng 8.2013 sau khi giành huy chương đồng Giải vô địch thế giới tổ chức ở Quảng Châu.

Theo bảng xếp hạng mới nhất, Tiến Minh xếp thứ 32, đứng thứ 17 trong số 38 tay vợt đủ điều kiện dự Olympic Rio 2016. 

Hoài Sa