Thứ Sáu | 15/05/2015 19:30

Mất 13 năm để tìm ra hang Sơn Đoòng

Phát hiện dòng nước hang Khe Ry và hang Én gặp nhau ở một điểm, rồi đột ngột biến mất giữa rừng, Howard Limbert tin có một hang động lớn quanh đây.

Giữa trưa hè oi ả ở Quảng Bình, ông Howard Limbert (57 tuổi) vui vẻ tiếp chuyện phóng viên. Mắt ông rực sáng khi nhắc tới những chuyến thám hiểm hang động.

Ông Howard Limbert, người tìm ra hơn 500 hang động ở Việt Nam, trong đó có hang lớn nhất thế giới Sơn Đoòng. Ảnh: Hoàng Táo.
Ông Howard Limbert, người tìm ra hơn 500 hang động ở Việt Nam, trong đó có hang lớn nhất thế giới Sơn Đoòng. Ảnh: Hoàng Táo.

25 năm trước, khi chọn Việt Nam cho những chuyến khám phá hang động mới, vợ chồng nhà Limbert (quốc tịch Anh) không ngờ lại gắn bó với đất nước này lâu đến vậy. Lần đầu tiên ông và vợ, bà Deb Limbert, cùng 10 thành viên Hang động Hoàng gia Anh đặt chân đến Phong Nha (Quảng Bình) là vào năm 1990. “Lúc bấy giờ, người dân bản địa còn nghèo, rất nghèo”, ông Limbert nhớ lại.

Động Phong Nha khi ấy đã được khám phá, nhưng người dân chưa hưởng lợi nhiều. Ông Limbert trăn trở phải giúp người dân kiếm tiền, nâng cao cuộc sống. Đến năm 1992, ông bất ngờ gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở vùng đất Phong Nha. “Đại tướng rất quan tâm đến việc khám phá hang động và hoạt động du lịch. Câu chuyện kéo dài đến 2 tiếng, đến nay tôi còn nhớ rõ”, ông Limbert kể.

Sau cuộc gặp này, vợ chồng ông càng thêm động lực để khám phá vùng đất tiềm năng về hang động Phong Nha. Năm 1994, ông Limbert cùng các chuyên gia hang động Anh khám phá ra hang Én, được miêu tả là “rất lớn vào lúc đó”. Hang Én sau này được công bố lớn thứ ba thế giới.

3 năm sau, hang Khe Ry được khám phá và công bố là hang sông dài nhất thế giới cho đến nay. Từ thời điểm đó, vợ chồng Howard Limbert bắt đầu hình dung về một hang động rất lớn đang ẩn mình. “Dòng nước hang Khe Ry và hang Én gặp nhau ở một điểm, rồi đột ngột biến mất giữa rừng. Tôi biết chắc chắn có một hang động lớn ở quanh đây”, Limbert hồi tưởng.

10 năm liên tục, vợ chồng ông đau đáu tìm kiếm chiếc hang bí ẩn này, nhưng đều vô vọng. Chưa có một manh mối nào để lần ra cửa hang.

Ông Howard (áo vàng) và vợ trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1992. Ảnh: NVCC
Ông Howard (áo vàng) và vợ trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1992. Ảnh: NVCC

Đến năm 2007, Limbert gặp Hồ Khanh. "Đó là người rất giỏi đi rừng và đã kể cho tôi về một cửa hang lớn ở trong rừng mà anh nhìn thấy vào năm 1990 khi tránh bão. Hồ Khanh bảo có gió lớn thổi từ trong hang ra và tôi biết ngay đó là cái hang mình đang tìm kiếm”, ông Limbert nói.

Một năm sau, Hồ Khanh trở vào rừng để tìm lại cửa hang. Đến năm 2009, Hồ Khanh, ông Limbert và đoàn chuyên gia hang động đến từ Anh tìm ra Sơn Đoòng, khám phá và công bố đây là hang lớn nhất thế giới vào 2010.

“Thực sự rất khó khăn để tìm thấy Sơn Đoòng. Lần đầu đặt chân vào, tôi và mọi người quá sững sờ. Sơn Đoòng không chỉ lớn, mà còn rất rất đẹp”, ông Limbert liên tục nhấn mạnh về sự tráng lệ của hang vừa được hãng truyền hình Mỹ ABC làm phim trực tiếp.

Trong 25 năm qua, hàng chục tỉnh thành có dấu chân của vợ chồng người Anh. Hơn 200 hang động ở Quảng Bình và 300 hang động từ Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng… được vợ chồng ông khám phá, công bố.

Gắn bó với Phong Nha - Kẻ Bàng, nhưng Limbert cho rằng những gì ông làm được đang còn quá ít. “Tôi mới khám phá được khoảng 25% vùng đất này, còn rất nhiều hang động ở sâu trong rừng đang chờ được phát hiện”, ông thông tin.

Chia sẻ cảm giác thích thú khi là người đầu tiên khám phá ra hang mới, Limbert bảo động Phong Nha ở ngay trung tâm, mỗi năm đón hàng nghìn lượt khách, nhưng đã có mấy người khám phá hết động này? “Chỉ có 3 người đặt chân đến điểm cuối của Phong Nha. Chúng tôi mất 2 ngày để thám hiểm hết động và việc này không phù hợp với khách du lịch chút nào”, ông khuyến cáo.

Limbert lý giải chính sự phấn chấn khi khám phá ra một động mới khiến ông yêu thích nghề hang động và là lý do để ông gắn bó với Phong Nha - Kẻ Bàng. Trước khi chọn Việt Nam, vợ chồng Limbert từng khám phá nhiều hang động ở các nước, như Australia, Tây Ban Nha, Mexico, Nam Mỹ, New Zealand…

Ông Limbert và Hồ Khanh, hai người phát hiện và công bố Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, bên trong hang này, vừa được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Ảnh: NVCC
Ông Limbert và Hồ Khanh, hai người phát hiện và công bố Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, bên trong hang này, vừa được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Ảnh: NVCC


“Để tìm kiếm hang động, việc đầu tiên đòi hỏi bạn phải có sức khỏe để đi bộ nhiều ngày giữa rừng. Bạn cũng cần kiên trì và cẩn thận, cạnh đó là trang thiết bị chuyên dụng để đảm bảo an toàn và giúp khám phá toàn bộ hang ở nhiều địa hình như sông suối, đồi núi, hố sụt…”, Limbert nói về khó khăn của nghề.

Ngoài thời gian vào rừng khám phá hang mới, ông bà Limbert tranh thủ dạy tiếng Anh, giúp người dân địa phương học cách làm du lịch để phát triển kinh tế. “Phong Nha bây giờ khác hẳn thời tôi mới đến. Cuộc sống người dân khá lên rất nhiều. Họ được hưởng lợi lớn từ nghề du lịch. Chỉ phục vụ hang Sơn Đoòng cũng giúp khoảng 100 người dân có thu nhập ổn định”, ông Limbert thông tin.

Kết hợp trong các chuyến đi, ông Limbert còn dạy cho nhiều người Việt Nam cách tìm kiếm và khám phá hang động. “Tôi khuyến khích các bạn trẻ rời bỏ bàn phím máy tính để ra ngoài khám phá cuộc sống. Việc tìm kiếm hang đòi hỏi phải có lòng đam mê. Ví dụ để thả người xuống những hố sụt thẳng đứng, cần rất nhiều năm kinh nghiệm mới thực hiện được. Nếu không đam mê thì bạn sẽ có thể bỏ cuộc ngay lần đầu”, ông lý giải.

Vợ chồng Limbert chia sẻ đã nghĩ đến việc nhập quốc tịch Việt Nam. “Tôi đã có một số cố gắng trong việc nhập quốc tịch các năm qua. Tuy vậy, tôi sẽ chờ một số thay đổi theo chiều hướng thuận lợi hơn trong vài năm tới để thực hiện dự định này”, Limbert mỉm cười nói.

Hiện, vợ chồng ông làm việc cho một công ty du lịch ở địa phương để thực hiện các tour khám phá hang Sơn Đoòng và nhiều hang động khác ở Quảng Bình. Họ cũng định cư hẳn ở xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) để tiện cho những chuyến tìm kiếm. Tháng 3/2016 sắp tới, ông Limbert cùng 12 chuyên gia Anh và 6 sinh viên Việt Nam sẽ trở vào rừng Phong Nha để tìm kiếm hang động trong 2 tháng.

Ghi nhận đóng góp của ông Howard Limbert, mới đây nhà nước tặng thưởng ông Huân chương Lao động hạng ba, vì “thành tích xuất sắc trong công tác thám hiểm, nghiên cứu và khảo sát hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh Quảng Bình”.

Nguồn Vnexpress