Thứ Ba | 19/01/2016 12:37

Lãnh đạo cũng phải biết khóc giống như ai!

Những giọt nước mắt thành thật của nhà lãnh đạo có thể mang lại sự tôn trọng và ngưỡng mộ từ mọi người xung quanh.

Hồi đầu tháng 1, các cư dân mạng đã có dịp xôn xao về việc tổng thống Mỹ Barack Obama rơi nước mắt trong suốt bài diễn văn cảm động về việc kiềm chế tình trạng bạo lực súng đạn đang quá rối ren tại Mỹ. Ông đã nghẹn ngào khi nói về thảm kịch xả súng tại Trường tiểu học Sandy Hook ở Newton, Connecticut vào năm 2012 làm chết 20 trẻ em.

Đây không phải lần đầu tiên có một nhà lãnh đạo rơi nước mắt như thế. Trước Barack Obama, từng có Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bật khóc trước mặt công chúng.

Có một câu hỏi đặt ra là nước mắt có làm nhà lãnh đạo trở nên yếu đuối hay không, hay nó thực sự làm tăng tầm ảnh hưởng của họ? Nhiều chuyên gia cho rằng nếu những giọt nước mắt đó thực sự đến từ cảm xúc chân thành, nó có thể đem lại sự ủng hộ và ngưỡng mộ của mọi người.

Trả lời phỏng vấn của Business Insider, Travis Bradberry - tác giả của cuốn Emotional Intelligence 2.0 nói: "Nước mắt cho mọi người thấy rằng nhà lãnh đạo cũng là con người có cảm xúc, và điều đó có tác động mạnh mẽ đến mọi người, miễn là cách thể hiện cảm xúc ấy thích hợp cho tình huống hiện tại."

Nhà báo kỳ cựu Deborah Milstein cũng từng viết trên Harvard Business Review rằng khóc trong bối cảnh công việc cũng là điều thích hợp, và đôi lúc thực sự là chuyện đáng để ngưỡng mộ như trường hợp của Obama. Nước mắt là dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhà lãnh đạo đang có những cảm xúc mạnh mẽ, và nó lập tức lan truyền tới tất cả những người chứng kiến.

Lanh dao cung phai biet khoc giong nhu ai!
Tổng thống Nga Vladimir Putin chảy nước mắt trong lúc đọc diễn văn tại điện Kremlin - Ảnh; Reuters

Chuyên gia hành vi Judi James từng phát biểu trên BBC vào năm 2010 rằng: "Hành vi khóc luôn có tác động sâu sắc lên người khác. Đó là điều mà bọn trẻ làm gây sự chú ý để nhận được sự quan tâm và tình thương, và bản năng của chúng ta là luôn muốn đồng cảm với những người đang chảy nước mắt". Mặt khác, bà cũng nhắc nhở rằng nếu người ta cảm thấy rằng bạn khóc vì có một mục đích gì đó thì điều đó chỉ mang lại sự nghi ngờ.

Chuyện các nhà lãnh đạo khóc trước mặt công chúng không phải điều gì quá mới mẻ, nhưng các chuyên gia tâm lý học đã để ý rằng phản ứng từ phía công chúng đã có nhiều thay đổi trong những năm qua.

Vào năm 1972, cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ Ed Muskie từng bật khóc khi bảo vệ vợ mình trước sự tấn công của một tờ báo, và những giọt nước mắt ấy đã khiến ông bị đánh giá là yếu đuối và mất nhiều phiếu bầu. Severin Beliveau - vị luật sư đã đứng bên cạnh Muskie lúc đó – nói với tờ The Boston Globe: “Tôi nghĩ rằng mọi thứ đã thay đổi đáng kể. Tôi cho rằng xã hội đã trưởng thành hơn về chuyện thể hiện cảm xúc”.

Lanh dao cung phai biet khoc giong nhu ai!
Cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bật khóc trong một cuộc mít tinh tại Rome - Ảnh: Reuters

Viết trên tờ Psychology Today, nhà tâm lý học Romeo Vitelli nói: " Vai trò giới tính đã được nới lỏng đôi chút trong những thập kỷ gần đây. Việc nam giới trở nên "nhạy cảm" đã được chấp nhận rộng rãi hơn, ngay cả đối với các chính trị gia ... Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ John Boehner đã khóc thường xuyên trước ống kính, đủ để mang về cho ông biệt danh 'Người khóc nhiều nhất Quốc hội' mà chẳng bị làm sao cả".

Nhìn chung, phản ứng của mọi người đối với giọt nước mắt nhà lãnh đạo bao giờ cũng sẽ có khen chê lẫn lộn. Nhưng nếu những giọt lệ ấy thực sự đến từ những cảm xúc chân thành và tuôn chảy vào đúng thời điểm, thì chắc chắn chúng sẽ mang lại sự ủng hộ cũng như truyền cảm hứng cho rất nhiều người.

Ý Nhi

Nguồn BI