Làm sao để trả lời câu hỏi hóc búa này của nhà tuyển dụng?
Đây là một câu hỏi phỏng vấn đang ngày càng trở nên phổ biến hơn vì nó có tính thử thách không thua gì câu “Đâu là điểm yếu lớn nhất của bạn?”, mà lại còn buộc ứng viên phải tìm hiểu kỹ về công ty. Alina Tubman, một nhà tư vấn nghề nghiệp với kinh nghiệm thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn tuyển dụng, cho biết: ‘Tôi thích câu hỏi này và luôn sử dụng nó trong mọi cuộc phỏng vấn.”
Để trả lời được rằng bạn muốn thay đổi gì ở công ty, bạn phải vừa có một chút sáng tạo lẫn hiểu biết thực tế, cũng như đủ khéo léo để không làm phật ý người phỏng vấn hay tỏ ra là kẻ biết tuốt. Việc né tránh câu hỏi này cũng là rất khó, vì các nhà tuyển dụng luôn biết rằng công ty của mình không bao giờ hoàn hảo, do đó tốt hơn hết bạn đừng nên nói rằng mình không có bất cứ ý tưởng nào.
Làm thế nào để bạn đưa ra một câu trả lời dứt khoát với câu hỏi hóc búa này? Một số chuyên gia phỏng vấn đã chỉ ra cách tốt nhất để tìm hướng trả lời, cũng như những điều bạn nên né tránh.
1. Tìm hiểu kỹ về công ty
Bạn nên nghiên cứu kỹ về công ty trước buổi phỏng vấn. Chẳng hạn, bạn có thể đọc kỹ tài liệu về công ty, hoặc tốt hơn, hãy nói chuyện với một nhân viên đang làm tại đó để tìm ra những điểm yếu của công ty này. Ngay cả trong buổi phỏng vấn, hãy cứ tiếp tục dò hỏi thông tin và chú ý đến những thách thức mà người phỏng vấn đề cập đến. Nếu họ không bàn đến đề tài này, hãy thẳng thừng hỏi xem điểm nào họ cảm thấy thực sự cần thay đổi. Tất cả các thông tin đó sẽ dần định hình cho câu trả lời của bạn.
2. Hãy nhớ rằng không có gì là hoàn hảo
Các nhà tuyển dụng biết rằng công ty của họ chưa bao giờ là tốt nhất, do đó tốt hơn hết bạn đừng nên nói rằng mình không có bất cứ ý tưởng nào về sự thay đổi. Trong thực tế, đó có thể là câu trả lời tồi tệ nhất. Theo cố vấn hướng nghiệp Martha Schmitz của công ty tư vấn Mentat, điều đó cho thấy bạn là một con người thiếu trí tưởng tượng và tư duy phê phán. Schmitz cho biết thêm: “Khi bạn chỉ đưa ra được một câu trả lời nhạt nhẽo như vậy, hẳn nhiên công ty sẽ nghĩ bạn không mang lại được một ý tưởng sáng tạo mới mẻ nào cả.”
3. Giữ thái độ tích cực
Tubman cho biết nếu ứng viên trả lời bằng cách dựa vào những tin đồn không hay, hoặc chỉ nghĩ về các khía cạnh tiêu cực của công việc thì điều đó sẽ mang lại một ấn tượng xấu. Một câu trả lời rất dở mà Tubman từng nhận được là: “Tôi biết môi trường làm việc tại đây là theo kiểu “cá lớn nuốt cá bé”, và nếu tôi làm việc ở đây tôi sẽ thay đổi điều đó”.
Tubman khuyên rằng một câu trả lời hay sẽ nêu ra được điểm yếu của công ty, nhưng theo tinh thần tích cực: “Có vẻ như có nhiều người cho rằng môi trường làm việc tại đây khá là gay gắt. Có bao giờ bạn nghĩ về việc xây dựng môi trường mang tính tập thể hơn giữa các bộ phận không?”.
4. Hãy nhớ là bạn đang ứng tuyển vào vị trí nào
Nếu đang dự tuyển vào một vị trí tập sự thì bạn chớ nên đưa ra lời khuyên về việc tái cơ cấu toàn bộ công ty. Carolyn Thompson, quản lý chính của công ty Merito Group, khuyên rằng nếu bạn đang ứng tuyển cho một vị trí điều hành cấp cao và công ty đã nói rõ ràng rằng họ muốn “cải cách” phương thức làm việc hiện tại thì cứ thoải mái bình luận về tình hình toàn cảnh. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, hãy tránh đề cập đến việc “dọn dẹp nhà cửa” (thay đổi hàng loạt nhân sự), và cần trình bày rõ rằng bạn muốn đánh giá kỹ lưỡng mọi thứ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn nào.
5. Biết được điều gì là không quan trọng
Khi Thompson phỏng vấn các ứng viên cho hội đồng quản trị, một trong số đó “bắt đầu nói về tất cả những gì cô ấy muốn thay đổi về hội đồng quản trị, và kết quả là hội đồng trở nên rất khó chịu.” Vấn đề ở đây không phải là ứng viên này đã có ý tưởng thay đổi, mà đó là những điều mà cô ta muốn thay đổi lại là những điều khá vặt vãnh và không thuộc diện ưu tiên. Thompson chỉ ra rằng: “Cô ấy đã mắc sai lầm, thay vì làm như vậy thì cô ấy nên quan tâm đến chương trình hoạt động của hội đồng quản trị trong năm tới và đưa ra đề xuất tương ứng. Cô ấy đã không kết nối được bản thân mình với hướng đi của chúng tôi.”
6. Đừng dựa vào những giải pháp cũ
Thompson cũng cảnh báo rằng không nên dựa vào những điều bạn đã làm trong quá khứ để đưa ra các thay đổi mới. Khi trả lời như vậy, bạn đang cho thấy là mình không biết rằng nơi làm việc mới sẽ khác nơi cũ như thế nào, và điều đó nghĩa là nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi về khả năng thích ứng với tình huống của bạn.
7. Nhận ra những ưu điểm hiện có của công ty
Schmitz khuyên: “Những câu trả lời tốt sẽ nêu ra được những gì mà công ty đang làm đúng hướng, đưa ra ví dụ về một điểm cần được cải thiện và cách bạn sẽ thực hiện”. Một ví dụ tốt mà Schmitz đưa ra là câu trả lời của một chuyên gia giải quyết mâu thuẫn, cô này trả lời rằng các nhân viên tại công ty đều cho biết họ có quan hệ rất tốt với đồng nghiệp, nhưng công ty lại thiếu quy trình giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Đề xuất của ứng viên này đưa ra là sẽ chủ động xây dựng quy trình đó, để một khi có vấn đề xảy ra thì đã có sẵn phương pháp giải quyết.
Ý Nhi
Nguồn FastCompany