Làm sao để biết đâu là kim cương “sạch”?
Sau khi đầu tư nâng cấp phòng kiểm định chất lượng, một ngày nọ, các nhân viên kiểm định của Công ty Giám định Kim cương PNJ (PNJLab) phát hiện có những viên kim cương mặc dù có giấy xác nhận của Viện Ngọc học Mỹ là kim cương thiên nhiên nhưng lại cho kết quả là kim cương tổng hợp. “Liên tiếp trong năm 2015 và 2016, chúng tôi đã phát hiện liên tiếp những viên kim cương tổng hợp HPHT và CVD, đặc biệt có một số trường hợp khách hàng đưa tới đi kèm là những giấy tờ giả mạo giấy chứng nhận của Viện Ngọc học Mỹ. Điều này phần nào chứng tỏ những viên kim cương tổng hợp đã phổ biến khắp thị trường...”, ông Đặng Ngọc Thảo, Giám đốc PNJLab, cho biết.
Kết quả của PNJLab đưa ra một lời cảnh báo. Tuy nhiên, nguyên nhân xuất hiện ban đầu của kim cương tổng hợp trên thị trường lại từng được đánh giá cao. Chỉ khi trong lưu hành xảy ra tiêu cực thì kim cương tổng hợp mới dần mất đi giá trị.
Năm 2011, Jason Payne và Lindsay Reinsmith cùng nhau đi mua nhẫn đính hôn, nhưng khi đến cửa hiệu trang sức, họ lại nảy sinh một vấn đề khá nan giải. Cả hai rất quan tâm đến xuất xứ của viên kim cương trên chiếc nhẫn: liệu chúng có phải là kim cương máu (khai thác từ vùng chiến tranh, nổi dậy, xung đột...) hay không. “Chúng tôi cảm thấy không thoải mái khi sử dụng trang sức được khai thác từ những hầm mỏ như thế. Chúng tôi muốn cái gì đó mang tính bền vững, nhân văn và đơn thuần”, Reinsmith chia sẻ. Cũng bởi lý do này, cặp đôi đã cho ra mắt Ada Diamonds, một công ty sản xuất kim cương nhân tạo có tính chất hoàn toàn giống kim cương tự nhiên. Với mô hình của mình, Ada nhận được sự hỗ trợ từ nhiều quỹ đầu tư như 8VC, Winklevoss Capital và Autonomous.
Ada Diamonds đại diện cho xu hướng khai thác và sản xuất kim cương theo hướng đề cao giá trị môi trường, tính nhân văn và hạn chế mối liên hệ với khu vực nổi dậy hoặc các quốc gia có bất ổn chính trị. Xu hướng này cũng được một bộ phận người dân ủng hộ. Đây cũng là tiền đề để những viên kim cương được sản xuất trong phòng thí nghiệm “rộng đường” phát triển. Và tất nhiên chúng có mặt khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Một số chuyên gia kim hoàn thống kê, có tới khoảng 80% sản lượng kim cương trên thế giới được khai thác từ những vùng không chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề về nhân quyền như Canada, Botswana. Tuy nhiên, 20% còn lại xuất phát từ các vùng khai thác tận thu tại 18 quốc gia ở khắp châu Phi và Nam Mỹ có ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về môi trường, sức khỏe và nhân quyền. Đây cũng được gọi là “kim cương máu”. Liên hiệp Quốc cũng đã từng đưa ra số liệu cho rằng, thị phần của loại kim cương này trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã giảm đi còn dưới 1%.
Tuy nhiên, trong khi người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào nguồn gốc viên kim cương của mình, thì một số nhà kinh doanh lại cố “che đậy”. Từ đó, khái niệm kim cương đã định hình sẵn giá trị của nó mặc dù có thể độ tinh khiết chỉ khoảng 30% thậm chí 0%.
Sự cạn kiệt nguồn tài nguyên về kim cương đã làm cho giá loại đá quý này tăng vọt. Ảnh: marklacey.co.uk |
Theo các chuyên gia kim hoàn, chính sự cạn kiệt nguồn tài nguyên về kim cương đã làm cho giá loại trang sức này tăng vọt, dẫn đến việc gian lận của một bộ phận trong giới buôn kim cương. Thiệt hại không chỉ ở người tiêu dùng mà còn đối với cả doanh nghiệp. “Với những viên kích thước quá nhỏ, máy không phát hiện được kim cương tổng hợp, chắc chắn sẽ rất nguy hiểm cho các doanh nghiệp bởi chúng có thể trộn lẫn vào những lô hàng lớn”, ông Thảo nhận xét.
Kim cương tổng hợp HPHT và CVD được ông nhắc đến là loại kim cương tổng hợp được thực hiện trong phòng thí nghiệm nhưng lại có thành phần hóa lý hoàn toàn giống với kim cương thiên nhiên. Đây là 2 loại kim cương tổng hợp phổ biến trên thế giới.
“Kim cương được sản xuất theo phương pháp HPHT đã được hãng GE của Mỹ sản xuất thành công vào năm 1955, nhưng chỉ có giá trị công nghiệp bởi kim cương này lẫn rất nhiều than chì. Đến năm 1990, loại kim cương này mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam và chiếm đa số là màu vàng, nâu, xanh dương. Năm 2012, hãng AOTC của Mỹ đã sản xuất và đạt chất lượng ngọc không màu, có giá trị thương mại, độ sạch từ IF - VVS, màu từ nước D - nước F, kích thước khá hơn có những viên đạt 0,37 carat. Tuy nhiên, sau khi cắt mài cũng chỉ ra những viên nhỏ và rất nhỏ, do đó phần lớn kim cương tổng hợp HPHT thường chỉ có giá trị công nghiệp, ít được dùng trong trang sức tại Việt Nam”, Thạc sĩ Đoàn Thị Anh Vũ, Giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, phân tích.
Đối với kim cương CVD, đây là kim cương được sản xuất dưới hình thức tổng hợp tích tụ hơi hóa học, từng được công bố vào năm 1952. “Trước đây người ta chỉ có thể tổng hợp mỗi lần 1 tinh thể, nhưng nay sản lượng nhiều hơn, có thể được đến 50 tinh thể trong 1 lần, với chất lượng cao, kích thước lớn, có những tinh thể lớn đạt 9-10 carat và sau khi cắt mài có những viên đạt 5 carat và có thể sản xuất đại trà trong tương lai gần”, bà Anh Vũ cho biết.
Với các hoạt động giám định bằng phương pháp ngọc học như độ cứng, tỉ trọng, chiết suất, quang phổ, phát quang, đều cho kết quả chính xác, độ tin cậy 100%. Đối với những viên kim cương tổng hợp, hầu như những phương pháp soi chiếu bằng máy, kính hiển vi thông thường vẫn không thể phân biệt được.
Trong kinh doanh thường sử dụng bút thử kim cương nhưng chỉ phân biệt được một loại thấp cấp hơn kim cương tổng hợp được gọi là đá nhái kim cương. Đây là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp sản xuất. Tính chất của chúng hoàn toàn khác biệt với kim cương thiên nhiên và cũng không được gọi là kim cương tổng hợp. Thị trường hiện phổ biến 2 loại đá nhái là Moissanite và CZ vì chúng có đặc điểm gần giống kim cương thiên nhiên như chiếu lửa và độ cứng gần tương đương.
Ông Lê Hữu Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty PNJ, cho rằng kim cương thiên nhiên, ruby... ngày càng khan hiếm và đã bị khai thác cạn kiệt thì việc sản xuất ra kim cương nhân tạo là một cuộc cách mạng trong ngành. Tuy nhiên, điều này cũng phần nào làm xáo trộn thị trường kinh doanh kim cương nói chung cũng như thị trường trang sức nói riêng. Không ít người tiêu dùng đã chịu thiệt khi đa phần những kim cương nhân tạo kia chỉ là đá CZ, Moissanite...
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TP.HCM, đây là lúc các đơn vị kinh doanh cần ưu tiên đầu tư máy móc công nghệ hiện đại trong việc kiểm định kim cương, nhằm tăng cường bảo vệ thương hiệu, quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng.
Anh Đức