Kinh thánh cho đàn ông mặc đồ suit
Đồ complet (tiếng Pháp) và đồ suit (tiếng Anh) - hay còn gọi là com-lê theo cách phiên âm của người Việt, là loại trang phục không thể thiếu trong tủ quần áo. Một bộ suit bao gồm áo và quần được may cùng chất liệu vải (khác với từ Veston - từ tiếng Pháp đồng nghĩa với từ Jacket trong tiếng Anh, dùng để chỉ nguyên một chiếc áo khoác).
Cách ăn vận đồ suit của đàn ông sẽ thay đổi sao cho phù hợp sở thích, hoàn cảnh sống và điều kiện khí hậu. Tuy vậy, vẫn có những quy tắc chung nhất cho bất kỳ ai mặc đồ suit.
Chú ý đầu tiên: Mua suit cho dịp nào?
Đồ suit để diện đến công sở nhiều hơn một lần/tuần nên chỉ có loại màu: đen và cổ điển.
Đồ suit để mặc trong các dịp lễ tiệc hiếm hoi trong năm, như đám hiếu đám hỷ, nên chọn màu đen và xanh navy là tốt nhất.
Riêng đồ suit mặc trong ngày phỏng vấn xin việc, tức là người mặc muốn mình trông thật bảnh, nhưng không được bảnh hơn người đang phỏng vấn bạn, nên chọn một bộ có giá vừa phải. Đồ suit có thể có nhiều lựa chọn để phối hợp cùng giày sneaker, áo phông hay quần jeans; miễn rằng đó không phải đồ của hãng Brooks Brothers hay Hickey Freeman.
Chú ý thứ hai: Bạn mặc cỡ nào?
Điều thiết yếu nhất đối với một bộ suit là phải vừa vặn. Hãy bỏ ngoài tai những lời tán tụng của mấy anh chị bán hàng, người mua cần cảm nhận trọn vẹn cảm giác “vừa vặn” theo cách riêng của mình.
- Cầu vai:
Phần vai của áo suit cần ôm khít lấy bờ vai của người mặc, tức là nó không nhô ra quá độ rộng của vai. Hãy đứng nghiêng người sát vào tường, nếu phần cầu vai chạm vào tường trước khi vai bạn cảm nhận thấy bức tường, có lẽ chiếc áo đã quá rộng.
- Vùng ngực:
Một chiếc áo mặc vừa sẽ cho cảm giác thoải mái ngay cả khi người mặc cài đủ các khuy mà không phải …nín thở. Ngược lại, phần không gian giữa ngực và áo cũng không nên vượt quá một nắm đấm bàn tay.
- Độ dài áo:
Với một chiếc áo vừa vặn thì khi buông thõng tay, bàn tay bạn có thể nắm hờ mép áo ở hai bên. Tuy nhiên bạn cũng có thể cân nhắc về độ dài mong muốn, bởi ngày nay thời trang cũng cho ra đời những mẫu suit dáng khá ngắn và trẻ trung.
Chú ý thứ ba: Số lượng khuy áo
Những chiếc khuy nhỏ có thể làm nên cả phong cách cho bộ suit. Trước khi tới cửa hàng, hãy nghĩ xem bạn muốn một chiếc áo suit với bao nhiêu hàng khuy. Dưới đây là vài gợi ý:
- Áo ba hàng khuy: vốn rất thịnh hành trong thập niên 90, những mẫu suit ba hàng khuy giờ được xem như một lựa chọn chuẩn mực cho những chàng trai trẻ. Thay vì lựa chọn những mẫu áo khuy cao che gần hết vùng ngực, hãy tìm kiếm chiếc suit với phần ve lật dễ dàng, nút khuy trên cùng có thể giấu đi khi bạn lật ve áo (tạo phần cổ chữ V sâu hơn), và bạn chỉ cần cài khuy giữa trở xuống.
- Áo hai khuy: Trong nhiều năm, suit hai khuy là biểu tượng “chỉnh tề”đại diện cho những gì cổ điển và có phần cứng nhắc, nghiêm trang. Giờ đây, nó lại trở thành “chàng thơ” cho những nhà thiết kế ưa tìm tòi, sáng tạo, và được họ tôn vinh như một thứ thời trang sang trọng mà chẳng kém phần hiện đại cho các đấng mày râu. Trong ảnh là một trong những mẫu suit hai khuy mốt nhất hiện nay.
- Áo một khuy duy nhất: Đây sẽ là một lựa chọn thông minh cho ai đang tìm kiếm một bộ suit phá cách. Suit một khuy không phải ai mặc cũng hợp, nhưng một khi đã hợp, người mặc sẽ không có gì phải phàn nàn.
Chú ý thứ 4: Đường xẻ tà phía sau lưng áo
- Suit có đường xẻ giữa luôn tiện dụng, vừa hiện đại vừa cổ điển và bạn chẳng phải đắn đo gì hết.
- Suit có đường xẻ hai bên mai hơi hướng châu Âu, lịch lãm và lãng tử.
- Suit không có đường xẻ… không phải là một lựa chọn khôn ngoan. Thời trang thập niên 80 không hề ảnh hưởng đến lĩnh vực này.
Chú ý thứ 5: Ve áo
- Ve thường (notch lapel): Đây là mẫu ve áo chuẩn xuất hiện trên hầu hết các mẫu áo suit của nhiều doanh nhân. Giản dị và …an toàn.
- Ve nhọn (peak lapel): Kiểu cách hơn một chút là chiếc áo suit có phần ve được cắt hơi nhọn, đem tới cảm nhận vừa góc cạnh vừa trang nhã.
Khi mọi quan sát đã xong xuôi, người mặc hãy hướng tới phòng thử đồ và chắc chắn rằng bạn sẽ luôn “đóng đủ bộ” khi chọn mua suit. Nếu không mang theo sơ mi hay giày âu, hãy hỏi mượn người chủ cửa hàng. Tốt nhất người mua nên mặc đồ và ngắm mình với ba chiếc gương thẳng đứng soi đủ các góc của thân thể. Đừng chỉ chăm chăm xem xét cái áo, mà còn phải ướm quần cho thật vừa. Quần âu nên ôm vừa vặn mà vẫn thoải mái, đồng thời cạp không quá cao hoặc quá thấp.
Chú ý thứ 6: Hãy ghi nhớ, có những chi tiết thợ may có thể sửa và không thể sửa cho bạn:
- Vai áo: Nếu áo không vừa vai thì nó sẽ chẳng vừa chỗ nào nữa hết. Thường thì thợ may nói rằng họ có thể bóp hay thu nhỏ cầu vai, nhưng thực tế việc này là không thể. Tốt nhất là thử một mẫu áo khác.
- Quần âu: Nếu bụng quần rộng hơn hoặc chật hơn khoảng 2,5cm, thợ may có thể bóp lại cho vừa, nhưng nếu hơn mức đó thì bạn nên thật sự cân nhắc, nếu không muốn “chữa bò lành thành bò què”.
- Chiếc áo khoác: Thường thì thợ may hay người bán hàng sẽ điều chỉnh đôi chút độ dài tay áo khoác, và hãy nói với họ rằng bạn muốn đảm bảo phần cổ tay áo sơ mi cùng chiếc khuy đính lấp lánh sẽ được “để lộ” ra một chút. Hai bên của áo cũng có thể phải bóp li lại để chiếc áo ôm vừa vặn lấy thân người.
Và chú ý cuối cùng: Luôn luôn thử lại comle
Khi quần áo đã được sửa xong xuôi, người mua đừng mang về ngay mà hãy chịu khó mặc thử lần nữa, bởi có lẽ sẽ vẫn cần một vài điều chỉnh nho nhỏ giúp cho bộ comle và cơ thể bạn cân xứng hoàn hảo với nhau.
Nguồn GAFIN, GQ/DVO