Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc và làng du lịch Triêm Tây
Trong khi sạt lở đất diễn ra ngày càng phổ biến, có lẽ việc biến một ngôi làng bị nước sông dữ đánh sập hết 2/3 diện tích thành khu du lịch được đầu tư triệu đô là điều không tưởng. Tuy nhiên, làng du lịch Triêm Tây, nằm ở hạ nguồn sông Thu Bồn (Quảng Nam), đang được vực dậy từ chính điều tưởng chừng khó thực hiện ấy.
“Có giữ được bờ sông, giữ được đất thì mới giữ được dân, rồi mới nói đến chuyện giữ làng, dựa vào làng để phát triển du lịch”, kiến trúc sư Việt kiều Bùi Kiến Quốc nói. Đưa ánh mắt nhìn về đoàn khách đang bước xuống những chiếc ghe để dạo quanh khu du lịch Triêm Tây, ông Quốc tạm thấy an lòng với thành quả của mình. Bởi chỉ vài năm trước, trước tình trạng sạt lở, Triêm Tây đã được chính quyền đưa vào diện di dời.
Sau hàng chục năm sinh sống ở Pháp, ông Quốc đã quyết định trở về quê hương Hội An. Bởi ông nhận thấy đây là nơi mình có thể thực hiện những ý tưởng kiến trúc tạo được sự yên tĩnh, bình lặng, nhưng vẫn có thể hoạt động kinh doanh.
Kiến trúc sư Việt kiều Pháp Bùi Kiến Quốc, người thiết kế và xây dựng làng du lịch sinh thái Triêm Tây. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Đó cũng là lúc hàng trăm hộ dân sinh sống ở Triêm Tây phải “bỏ của chạy lấy người” khi chứng kiến cảnh bờ tre, gốc mía của họ đổ theo dòng sông từng ngày. Cả vùng Triêm Tây có 3 xóm, dân đã đi mất 2 xóm.
Cũng vì thế mà chuyện một Việt kiều tuổi đã cao như ông Quốc tìm đến để tạo dựng khu du lịch tại đây đã khiến mọi người tò mò. Hơn 100.000 bao cát, hàng ngàn mét tường đá và đà bê tông đã được ông thiết kế ngầm xung quanh khu vực Triêm Tây, đồng thời kết hợp trồng cây chịu nước, có rễ giữ được đất ven bờ. Nhờ đó, tuy nhìn bên trên mặt nước không thấy có sự bê tông hóa, nhưng bờ đất Triêm Tây không còn sạt lở như trước.
Ðã giữ được đất, nhưng giữ được làng hay không vẫn sẽ là chặng đường dài. Ai sẽ tin tưởng và ở lại cùng ông Quốc tại nơi đây? Ðể tạo lòng tin tuyệt đối cho bà con vào chính công trình tâm đắc của mình, ông đã đầu tư gần 2 triệu USD để xây dựng Khu du lịch Nhà vườn Triêm Tây, tổng diện tích hơn 13.000 m2, giữ nguyên kiến trúc của một làng quê xứ Quảng theo mô hình văn hóa nông thôn. Khu du lịch này có 4 biệt thự, 4 hồ bơi, 3 bến đò đón ghe thuyền và hệ thống 25 phòng nghỉ, nhà hàng và phòng họp, cùng với hơn 10.000 m2 vườn cây.
Ở đây, từng ngôi nhà thôn dã được tôn tạo và gìn giữ nguyên trạng, hoặc xây mới nhưng giữ đúng không gian của một làng quê thực thụ. Từng ngôi nhà được xây dựng từ tre, gỗ thuần túy và lắp ghép 100% theo tiêu chuẩn sườn tre, lợp tranh, vách gỗ, cửa song sập. Khu du lịch được hoàn thành sau gần 4 năm, và khâu chống sạt lở là kỳ công nhất.
Hơn 40 năm làm việc tại Pháp, ông Quốc đã trải qua nhiều công trình ở các nước tiên tiến, chứng kiến sự hưng thịnh của đô thị hóa và cả những cuộc sống chìm nổi theo quá trình này. Đối với ông, sự hưng thịnh phải đi kèm với cả văn hóa, lối sống của người dân. “Phố cổ Hội An là một di sản đối với thế giới. Nhưng làng nông thôn ven sông, làng nghề quả thực là một di sản quá bình dị. Một mai, đô thị hóa mạnh mẽ sẽ làm mất đi di sản này”, ông chia sẻ.
Triêm Tây ngày nay không chỉ là một khu du lịch sinh thái. Mô hình kinh doanh ở đây còn kết hợp với làng nghề truyền thống của người dân địa phương là đan chiếu, nghề mộc và gốm. Khách đến Triêm Tây nghỉ dưỡng, ngoài việc thăm thú sông nước, sẽ được tham quan làng nghề và thưởng thức món ăn do bà con trong vùng thực hiện. Khu du lịch của ông Quốc kết hợp với người dân cùng làm, với 100% nhân lực là người địa phương.
Bị thuyết phục bởi cách làm này, UNESCO đã tài trợ cho dự án Triêm Tây, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 20 hộ dân với mức lương mỗi nhân viên trung bình 4 triệu đồng/tháng. Dự án giữ làng này cũng dạy tiếng Anh cho người dân, cách làm mà theo UNESCO “sẽ giúp Triêm Tây tránh được những sai lầm trước đó ở một dự án khác đã vướng phải”. Cũng theo định hướng của UNESCO, khu du lịch của ông Quốc sẽ đóng vai trò kích thích hoạt động du lịch cộng đồng cho làng nghề truyền thống gồm 150 hộ dân.
“Ở khắp nơi trên thế giới, ta có thể thấy cuộc sống ngày càng vận động nhanh hơn, nhanh hơn nữa... Và vấn đề là chúng ta phải trả giá. Cái giá đó là thiên nhiên, tình thân, giáo dục. Chúng ta đã đánh mất những giá trị đó. Thế nên, việc bảo tồn rất quan trọng”, bà Leslie Wiener, một nhà làm phim của UNESCO đã nói như thế khi đánh giá về mô hình của Triêm Tây.
Tất nhiên, mô hình du lịch kết hợp giữa doanh nghiệp và người dân cùng làm không thực sự mới. Nhưng cách mà Triêm Tây thực hiện có thể xem là bài học quý cho các khu du lịch ven sông tương tự. “Tôi nghĩ thiết kế như vậy vẫn giữ được đất thì giữ được làng, vẫn hiện đại, vẫn tiện nghi nhưng không làm mất đi hình ảnh làng quê Việt Nam. Và đặc biệt, mô hình này cũng phù hợp với tất cả những ngôi làng trên mọi miền tổ quốc”, ông Quốc bày tỏ.
Thanh Hậu