Khởi đầu mới của Serena Williams
Serena Williams đã nhanh chóng quên đi thất bại ở bán kết US Open, cũng như việc bị mất ngôi số 1 thế giới, để vùi đầu vào đêm ra mắt bộ sưu tập thời trang mang tên cô. Nhưng thời trang không chỉ là cuộc dạo chơi. Có lẽ, cô cần tính đến khả năng bỏ hẳn tennis để chuyển sang một lĩnh vực mới.
Thực tế, Serena có giã từ sự nghiệp vào lúc này cũng không phải nuối tiếc nhiều. Cô em nhà Williams đã có tổng cộng 22 chức vô địch Grand Slam, ngang bằng với huyền thoại Steffi Graf, trở thành tay vợt giàu thành tích nhất trong kỷ nguyên Open. Còn nếu tính mọi thời đại, thì Serena cũng chỉ kém Margaret Court chỉ 2 chức vô địch mà thôi.
Nhưng trong khoản tiền thưởng, Serena hoàn toàn không có đối thủ. Trong sự nghiệp của mình, cô đã thu về tổng cộng gần 82 triệu USD tiền thưởng, nhiều hơn gấp đôi người đứng gần nhất là Maria Sharapova (hơn 36 triệu USD). Riêng năm 2015, tay vợt Mỹ 34 tuổi này đã kiếm được 28,9 triệu USD mà các hợp đồng quảng cáo góp đến 20 triệu USD, qua đó lần đầu tiên vượt qua Búp bê Nga ở khoản này.
Tuy nhiên, sự hào nhoáng đó không che giấu được sự thật là dường như Serena đã qua thời đỉnh cao. Tay vợt này hiện vẫn đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng WTA, nhưng lại đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp. Trong cả mùa giải, Serena mới chỉ giành được 2 danh hiệu. Cho dù một trong số đó là chức vô địch Wimbledon, song con số khiêm tốn kia đủ để nói về nỗi thất vọng mang tên Serena.
“Chỉ một chức vô địch Grand Slam là không đủ so với tầm vóc của Serena,” huấn luyện viên của cô, Patrick Mouratoglou thừa nhận. Còn đội trưởng đội tuyển quần vợt Fed Cup Mỹ Mary Joe Fernandez nói: “Sẽ ngày càng khó khăn hơn (cho Serena) khi gánh nặng tuổi tác đã bắt đầu đè nặng lên đôi vai, trong khi lớp trẻ ngày một thăng tiến”.
Buổi ra mắt của thương hiệu thời trang Serena Willams tại New York. Ảnh: yrbmagazine.com |
Fernandez nói không ngoa. Thất bại Serena phải nhận ở các giải lớn năm nay đều là từ những đối thủ trẻ hơn cô tới cả một giáp. Như thế, đã quá đủ để tạm đưa ra kết luận rằng thời của Serena sắp qua. Sở dĩ cô còn giữ được vị trí thứ 2 cho đến giờ là do làng quần vợt nữ hiếm những đối thủ thực thụ, điều trái ngược với giải nam khi cả Novak Djokovic cũng phải vất vả giữ ngôi trước sự vươn lên của hàng loạt tay vợt khác ngoài Big Four.
Chính vì thế, đã xuất hiện không ít lời khuyên rằng Serena nên sớm rời vũ đài, vừa để bảo toàn danh tiếng, vừa kịp đánh bóng cho sự nghiệp hậu tennis vào thời điểm mà cô vẫn được các nhà quảng cáo săn đón.
Thật ra, Serena đã chuẩn bị cho tương lai không còn cầm vợt nữa từ lâu rồi. Năm 1999, cô đã tham gia khóa học thời trang tại Học viện Mỹ thuật Fort Lauderdale. Đồng thời, tay vợt người Mỹ đã kết hợp với hãng Nike cho ra đời những sản phẩm trang phục thể thao gắn liền với tên cô, cũng như hợp tác với thương hiệu thời trang HSN từ năm 2009.
Buổi trình diễn ở sàn thời trang New York vào hạ tuần tháng 9 vừa qua cũng là kết quả của sự hợp tác giữa cô và HSN. Trên hàng ghế khán giả có rất nhiều những gương mặt quyền lực nhất trong làng thời trang thế giới, như Tommy Hilfiger và Tổng Biên tập Tạp chí Vogue Anna Wintour. Phát biểu với CNN Money, Serena cũng không giấu giếm rằng thời trang sẽ là sự nghiệp kế tiếp của cô: “Tôi sẽ không chơi tennis mãi mãi. Một ngày nào đó, tôi sẽ đi làm bằng việc đến văn phòng thay vì tới sân tập”.
Mặc dù vậy, để phát triển sự nghiệp thời trang, Serena vẫn cần thúc đẩy kế hoạch tiếp theo của mình nhờ những thành tích trên sân quần vợt, ít nhất là trong 1-2 mùa giải nữa. Nếu có được sự tập trung tốt nhất, Serena vẫn thừa sức lấy lại ngai vàng. Tới lúc đó, cô có nghỉ hẳn tennis để chuyển sang thời trang cũng chưa muộn.
Hoài Sa