Nguồn ảnh: Quý Hòa
Khỉ là động vật hoang dã, không phải thú cưng
Trong cuộc chiến bảo vệ động vật hoang dã, khỉ dường như đã bị bỏ quên khi số lượng cá thể bị nuôi nhốt để làm thú cưng và cung cấp cho thí nghiệm y khoa không hề suy giảm.
Theo Nghị định 06/2019 về Quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp, 5 loài khỉ bản địa ở Việt Nam gồm khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), khỉ đuôi cộc (Macaca arctoides), khỉ vàng (Macaca mulata), khỉ đuôi lợn (Macaca leonina) và khỉ mốc (Macaca assamensis) là các loài được bảo vệ thuộc Nhóm 2B nghiêm cấm mua bán, quảng cáo, hoặc sở hữu khỉ không có giấy phép của Cục Kiểm lâm.
Nguồn ảnh: infonet.vietnamnet.vn |
Nhưng hiện cả 5 loài này đều được tìm thấy trong nhiều hoạt động thương mại. Số liệu thống kê về các vụ án động vật hoang dã của Trung Tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) từ tháng 1.2010 đến tháng 5.2020 đã ghi nhận 2.967 vụ vi phạm.
Trong đó, 1.790 trường hợp liên quan đến việc sở hữu trực tiếp và trực tuyến đối với khỉ hoặc các bộ phận và sản phẩm của khỉ, trong khi 771 trường hợp liên quan đến quảng cáo hoặc bán khỉ hoặc các bộ phận và sản phẩm làm từ khỉ.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách Chính sách và Pháp luật của ENV, cho biết: “Ở Việt Nam, khỉ thường bị săn bắt từ tự nhiên và bán cho các hộ dân, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê hay các cơ sở kinh doanh khác để nuôi nhốt phục vụ nhu cầu giải trí hoặc làm thú cưng”.
Các trường hợp sở hữu khỉ đã tăng 44% từ 177 trường hợp vào năm 2018 lên 255 vào năm 2019, cho thấy sự gia tăng đáng kể về số lượng người nuôi khỉ làm vật nuôi. Chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, dẫn đầu cả nước là TP.HCM với 78 vụ tàng trữ, tịch thu 92 con khỉ, trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu bị tịch thu 55 con khỉ, theo sau là Hà Nội với 52 con.
Tình trạng nuôi nhốt khỉ đang vượt quá khả năng kiểm soát của các cơ quan thực thi pháp luật cũng như năng lực cứu hộ của các trung tâm cứu hộ. Qua chiến dịch truyền thông “Khỉ không phải thú cưng” với loạt bài viết và hình ảnh liên quan đến các cá thể khỉ bị nuôi nhốt của ENV, hy vọng các cơ quan chức năng và mỗi cá nhân cần đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng của hành vi khai thác, tiêu thụ khỉ trái phép tại Việt Nam, bà Hà chia sẻ thêm.
Một nghịch cảnh đau lòng khác, mặc dù nằm trong nhóm các loài nguy cấp với số lượng ít trong tự nhiên, nhưng do cơ thể gần tương đồng với cơ thể người, lại có khả năng sinh sản rất tốt trong điều kiện gây nuôi, Việt Nam cũng như nhiều cơ sở y học hàng đầu trên thế giới ở Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp đều sử dụng khỉ, đặc biệt là khỉ đuôi dài làm vật thí nghiệm các loại vaccine trước khi sử dụng phổ biến ở người, nguồn Bộ Y tế.
Tại Việt Nam, hàng ngàn con khỉ đang được nuôi trong điều kiện bán hoang dã ở đảo Rều thuộc tỉnh Quảng Ninh, cho mục đích thí nghiệm khoa học, sản xuất vaccine và nhiều sinh phẩm y tế phục vụ sự nghiệp cứu người. “Để phục vụ cho sản xuất vaccine và thử nghiệm khoa học, con khỉ tiêu chuẩn phải đạt từ 1,5-2 tuổi, cân nặng từ 2-2,5 kg. Nhờ công nghệ hiện đại, giờ đây để có được 10 triệu liều vaccine thành phẩm, cần hy sinh khoảng 70 chú khỉ, giảm 10 lần so với trước”, Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Công Long, chuyên gia linh trưởng, Trại trưởng Trại chăn nuôi đảo Rều, cho biết.
Ngay trong lúc toàn cầu đối phó với đại dịch, khỉ đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thử vaccine ngừa COVID-19. Nhà sản xuất thuốc Moderna (Mỹ) đã ghi nhận biểu hiện tích cực khi thí nghiệm trên 16 khỉ và tiến tới thử nghiệm lâm sàng trên quy mô 30.000 tình nguyện viên. Nga, Trung Quốc cũng đã thành công trong bước thử nghiệm vaccine trên khỉ. Thái Lan ngày 22.6 đã tiêm liều vaccine thứ 2 thử nghiệm cho khỉ và chờ đợi phản ứng tích cực để có thể tiến hành các thử nghiệm lâm sàng ở người vào tháng 10 tới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc dùng các loài linh trưởng trong nghiên cứu y học vẫn luôn gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu khỉ thí nghiệm nghiên cứu vaccine chống COVID-19 nhiều khả năng sẽ còn gia tăng.