Kêu gọi G-20 chấn hưng kinh tế theo hướng "tôn trọng môi trường"
200 tổ chức, đại diện cho 40 triệu người làm nghề y trên toàn cầu ngày 25.5, gửi thư ngỏ đến các lãnh đạo khối G-20, các cường quốc kinh tế chiếm 90% GDP toàn cầu, kêu gọi chấn hưng kinh tế theo hướng “tôn trọng môi trường” và để cho Trái đất còn là môi trường “sống được”.
Theo AFP, những người ký tên vào thư ngỏ nhấn mạnh, trong đại dịch COVID-19 đang diễn ra, những người làm nghề y là nhân chứng trực tiếp của những thảm cảnh mà các cộng đồng xã hội phải gánh chịu, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, môi trường. Các y bác sĩ toàn cầu khẩn thiết kêu gọi sự chú ý của giới lãnh đạo thế giới về tình trạng “chết chóc, bệnh tật và đau khổ tinh thần đã đạt đến mức độ nghiêm trọng” mà họ kết luận là “chưa từng thấy từ hàng chục năm nay”.
Theo các y bác sĩ, thảm kịch đang diễn ra cho thấy rõ tính chất bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội, sự thiếu đầu tư cho y tế công và đặc biệt là tình trạng môi trường bị tàn phá, khí hậu bị hâm nóng.
Lá thư ngỏ của 40 triệu nhân viên ngành y toàn cầu, được Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh Quốc tế vì khí hậu và sức khỏe hậu thuẫn, gắn liền vấn đề cải thiện hệ thống y tế với việc chuyển đổi nền kinh tế hiện nay, vốn phụ thuộc nặng nề vào các năng lượng hóa thạch gây nên những tổn hại về môi trường không thể vãn hồi, sang nền kinh tế xanh.
Chưa kể đến các thiệt hại do đại dịch COVID-19, lá thư nhấn mạnh là ô nhiễm không khí đã khiến 7 triệu người thiệt mạng hằng năm. Các y bác sĩ toàn cầu nêu bật một nghịch lý là đại dịch COVID-19 làm tê liệt kinh tế toàn cầu, nhưng lại khiến cho khí thải giảm mạnh, ô nhiễm tạm ngưng, ít bất lợi hơn cho sức khỏe của nhiều cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, với việc kinh tế hồi phục trở lại, nạn khí thải gây hiệu ứng nhà kinh, nạn phá rừng, các hoạt động gây ô nhiễm có khả năng sẽ tăng mạnh trở lại. Và nạn nhân trước hết là các cộng đồng dân cư yếu thế, dễ tổn thương.
Chủ tịch Hiệp hội Y tế Thế giới Miguel Jorge nhấn mạnh: “Sức khỏe con người phụ thuộc mật thiết vào sức khỏe của Trái đất”.