Huy chương và tiền
Các vận động viên golf, tennis hay một số ngôi sao bóng rổ Mỹ có thể đi chuyên cơ đến Rio, hoặc nghỉ tại khách sạn 5 sao thay vì làng Olympic nhờ mức thu nhập cực khủng. Cũng có một số ngoại lệ dành cho các siêu sao như Michael Phelps hay Usain Bolt. Nhưng họ chỉ là thiểu số trong hàng chục ngàn vận động viên có mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Bởi lẽ, có một thực tế buồn là không chỉ ở Việt Nam, các vận động viên Olympic tại không ít quốc gia phát triển cũng không giàu có gì, thậm chí nhiều người còn khá cơ cực sau khi giải nghệ. Điều đáng nói là ở đa số các quốc gia phát triển, khi thể thao được chuyên nghiệp hóa đến mức cao độ, các vận động viên phải tự kiếm tiền để theo đuổi sự nghiệp cũng như nuôi sống bản thân, thay vì trông chờ vào ngân sách của Nhà nước.
Không chỉ ở Việt Nam mà vận động viên nhiều nước cũng đối mặt với nguy cơ thất nghiệp khi giải nghệ, bởi họ đã dành cả tuổi thanh xuân cho thể thao thay vì được đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp. Thế nên, cách duy nhất kiếm ra tiền là tranh giải để kiếm tiền thưởng. Ông Craig Leon, chuyên gia kinh tế thể thao thuộc Trung tâm Marketing Thể thao Warsaw thuộc Đại học Oregon (Mỹ), cho biết, các vận động viên Mỹ hầu như không nhận được bất cứ đãi ngộ nào từ chính phủ, hoặc hiếm hoi lắm cũng chỉ ở mức 400 USD/tháng và cũng chỉ cho một số môn thể thao đặc biệt.
Chỉ đến các sự kiện thể thao lớn như Olympic thì các vận động viên mới được nhận thưởng trích từ tiền thuế của dân. Chẳng hạn, Ủy ban Olympic Mỹ treo thưởng 25.000 USD cho mỗi tấm huy chương vàng ở Thế vận hội, 15.000 USD cho huy chương bạc và 10.000 USD cho huy chương đồng. Con số này khá lớn, song còn lâu mới sánh được so với các ngôi sao tennis hay golf, những người có thể kiếm tới hơn 2 triệu USD cho mỗi chức vô địch Grand Slam.
Dĩ nhiên, các vận động viên nổi tiếng có thể kiếm sống nhờ tiền thưởng từ các giải đấu, tiền quảng cáo hay tiền trả lời phỏng vấn báo chí -truyền hình, tiêu biểu là vận động viên bơi lội Mỹ Michael Phelps. Theo một nghiên cứu của Nation Money, thu nhập của Phelps trong năm nay, năm diễn ra Olympic 2016, khoảng gần 45 triệu USD, trong đó phần lớn đến từ hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng Under Amour và Visa.
Vận động viên người Jamaica Usain Bolt trên biển quảng cáo giày Puma. Ảnh: joshrothstein.com |
Tuy nhiên, dù đoạt được hàng tá huy chương, nhiều hơn bất cứ vận động viên nào trong kỷ nguyên Olympic hiện đại, song tổng số tiền thưởng của kình ngư này vẫn không thấm vào đâu so với những ngôi sao tennis như Serena Williams (kiếm được tổng cộng khoảng 75 triệu USD tiền thưởng trong sự nghiệp).
Tương tự, siêu sao điền kinh Jamaica Usain Bolt cũng có thu nhập chủ yếu đến từ quảng cáo, ước tính khoảng 30 triệu USD trong năm qua. Trước khi lập kỳ tích ở Bắc Kinh 2008, Bolt chỉ có một số hợp đồng nhỏ với hãng Puma và một công ty viễn thông trong nước. Còn giờ, vây quanh anh là một loạt thương hiệu nổi tiếng, từ Visa, Hublot, All Nippon Airways cho đến Virgin Media.
Mặc dù vậy, đa số lại không có được may mắn như Phelps và Bolt. Chỉ đến Olympic, những môn thể thao đại chúng mới được người ta nhắc đến, nên cơ hội để họ xuất hiện cũng ít hơn để có thể hy vọng kiếm được nguồn tài trợ hay hợp đồng quảng cáo. Vậy mà so với 11.551 vận động viên tranh tài ở Rio thì chỉ có 306 bộ huy chương. Nghĩa là đa phần sẽ ra về mà không có phần thưởng, để rồi lại lao vào luyện tập miệt mài, cũng như là một tương lai bất định sau khi rời xa sân đấu.
Hoài Sa