Học chèo thuyền ở thành phố lãng mạn nhất thế giới
Dưới hơn 400 cây cầu lớn nhỏ của Venice là những chiếc thuyền đáy đế bằng - mà người ta thường gọi là Gondola - lưu thông hoặc nằm yên ả trên mặt nước. Gondola là loại thuyền truyền thống và đặc trưng nhất của Venice.
Từ cái hồi còn là cậu thanh niên choai choai lần đầu vác balo thăm thú Venice nhiều năm về trước, tôi đã không khỏi trầm trồ trước tài nghệ của những anh lái thuyền gondola. Làm sao họ có thể chèo lái con thuyền đen thon thả duyên dáng đến thế, uốn quanh những góc phố, những con đường dập dềnh sóng nước. Nhưng, cũng phải đến chuyến trở lại hồi tháng ba vừa qua, tôi mới phát hiện ra rằng người ta hoàn toàn có thể trở thành một người lái thuyền gondola điệu nghệ, sau khóa học dạy chèo thuyền tại Venice.
Có rất nhiều câu lạc bộ chèo thuyền trong thành phố, và du khách có thể đăng ký để được huấn luyện kĩ năng đặc biệt này. Bạn có thể nhờ phục vụ viên tại khách sạn đăng ký giúp, hoặc tự mình xếp lịch học qua email. Tôi đã sắp xếp được một buổi học vào ngày hôm sau với một chuyên gia của đội chèo thuyền Venice.
Giá cho một buổi học kéo dài một giờ ba mươi phút là 80 Euro (khoảng hơn 2 triệu đồng), chỉ đáng một phần chi phí ngồi thuyền Gondola với những anh lái thuyền kiêm hướng dẫn viên du lịch trong ngần ấy thời gian.Và, tôi đã sớm nhận ra, tự lái thuyền vui hơn hẳn so với được người ta lái đưa đi.
Sớm hôm sau, khi vợ và cậu con trai 11 tuổi của tôi còn đang say giấc, tôi khẽ bước ra khỏi khách sạn, hướng tới “lớp học” của mình. Khởi động ngày mới với ly cappuccino và những múi cam tươi, tinh thần tôi càng thêm phấn chấn.
Giáo viên của tôi là Nan McElroy, một người Mỹ. Vừa chuẩn bị thuyền, cô vừa hướng dẫn tôi những thao tác cơ bản. Đầu tiên, thuyền chúng tôi chèo không phải là gondola, mà là một chiếc batellina coda di gambero hai chỗ (thuyền nhỏ hình đuôi tôm). Giống như gondola, chiếc thuyền này có đáy phẳng, song nó rộng hơn và bởi vậy sẽ bớt cảm giác chòng chành.“Đây là chiếc hay nhất cho trải nghiệm lái thuyền lần đầu tiên”, Nan nói.
Và như bất cứ bài học lái thuyền nào khác, chúng tôi bắt đầu với kĩ năng chèo thuyền đứng của dân Venice. “Đây không phải là thuyền gondola, nhưng để lái bất cứ chiếc thuyền nào ở Venice, kĩ năng này luôn được áp dụng.”, Nan giảng giải.
Nan để tôi lái ở phía trước, bởi vị trí này dễ hơn, và nếu lái phía sau thì nhiệm vụ chuyển hướng cũng “nặng nề” hơn.Cô chỉ tôi cách đứng và đặt chân sao cho đúng, với chân phải ở trên, các ngón chân đặt ngang tầm với forcola (điểm đặt mái chèo trên con thuyền, đồng thời đóng vai trò tạo lực đòn bẩy khi kéo đẩy mái chèo).
“Hãy nghĩ như là bạn đang bước đi trên con thuyền vậy thôi”, Nan bảo tôi.
Vậy là, sau vài đường chèo loạng quạng phút ban đầu, tôi dần nhận ra mình đang đi đúng hướng. Dầu vậy, tay chèo của tôi vẫn còn cứng, bởi tôi chỉ sợ mình sẽ làm thuyền lật úp. Nan liên tục trấn an: “Đừng lo, chưa có học viên nào của chúng tôi bị rơi xuống nước đâu. Nhưng suýt thì cũng nhiều.”
Lái thuyền như dân bản xứ
Chúng tôi chèo thuyền trên những con kênh hẹp, qua những cung điện thâm u và cả những ngôi nhà bình thường trên phố. Tôi chèo trước, Nan chèo sau, khéo léo giúp cho con thuyền của chúng tôi vượt qua các góc quanh và những con thuyền khác.
Lái được một lúc thì tôi cũng nhuần nhuyễn hơn. Số lần mái chèo trật khỏi forcola cũng giảm hẳn.
Chúng tôi cúi thấp đầu để vượt qua bên dưới một cây cầu nhỏ bắc ngang hai bên bờ, và sau đó bất ngờ đón những ánh nắng ngập tràn của buổi bình minh. Mặc cho chút âm thanh bắt đầu nổi lên đâu đó của một thành phố lúc sớm mai, mặc cho tiếng mái chèo đập nước và những lời động viên, nhắc nhở của Nan, sự tĩnh lặng của Venice vẫn thật rõ nét. Hẳn rồi, không dưng người ta lại gọi Venice là La Serenissima – chốn thanh bình yên ả nhất trên thế gian này.
“Hàng nghìn năm qua, đây là cách duy nhất, và tốt nhất để con người ta thăm thú được toàn thành phố”, Nan chia sẻ. Từng là một nhà biên tập phim ở Los Angeles, Nan đã đem lòng yêu bộ môn chèo thuyền khi cô đến Venice khoảng 10 năm trước. Nặng lòng với nét đẹp văn hóa của thành phố này, cô đã cùng hợp tác với người bạn gốc Anh của mình – Jane Caporal – trong một dự án phi lợi nhuận mang tên Row Venice hồi năm ngoái.
Vào những ngày nhất định, cô cùng những huấn luyện viên đồng nghiệp mở các lớp học hướng dẫn chèo thuyền cho du khách. “Học viên của chúng tôi đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Họ có thể là vận động viên hay một người chưa từng biết đến lái thuyền. Họ cũng có thể là những người đã luống tuổi về hưu, hay các cô cậu thanh niên, hay các cặp đôi đang trong tuần trăng mật. Bất kỳ ai muốn học lái thuyền ở Venice đều có thể đến với chúng tôi.”
Và đặc biệt, Nan hồ hởi cho biết là phụ nữ, lạ thay, lại là những học viên nhanh tiến bộ hơn cả nam giới. Đó là bởi cánh mày râu thường hay nóng vội, dùng quá nhiều lực khi chèo thuyền mà thiếu đi cái mềm dẻo, khéo léo cần có. “Kể ra chúng tôi cũng giỏi đó chứ, sau có tiếng rưỡi mà hô biến một người chẳng biết gì về thuyền bè thành một tay lái cự phách”, Nan đùa.
Quá nửa thời gian học, Nan nói rằng giờ tôi đã có thể lái ở hàng sau. Kĩ thuật lái phía sau cũng không khác phía trước là mấy, trừ việc bạn phải đổi chiều và làm thêm nhiệm vụ bẻ lái, điều mà tôi nhanh chóng nhận ra nó khá giống với việc vừa xoa bụng vừa vỗ đầu.
Ví dụ, để chuyển hướng sang phải thì sau khi đẩy mái chèo về trước, bạn cần xoáy mái chèo sao cho nó hướng về mũi thuyền, xoáy nhẹ nhàng để chèo nằm song song với mặt nước. Để rẽ trái, bạn đẩy chèo về trước với lực mạnh hơn và rồi buông lỏng tay, mặc cho lực nước đẩy.
Khi tay chèo đã tương đối vững, tôi tự tin trao gửi những cái gật đầu, những câu chào “ciao” với những người lái thuyền bên cạnh, hứng khởi với ý nghĩ hẳn họ đã nhầm tôi với một anh chàng Venice chính hiệu.
Du thuyền trong gió
Như thể hiểu được tâm trạng của tôi, Nan quyết định chúng tôi sẽ nghỉ uống nước một chút.Chúng tôi dừng và buộc thuyền gần quán rượu Vino-Vero. Thú vị là Nan cũng là một chuyên gia hầu rượu (sommelier) đã được huấn luyện, vậy nên cô giáo của tôi đã gọi hai ly Prosecco mát lạnh ngon tuyệt. Sau một lúc nghỉ ngơi thưởng rượu và tán gẫu với người dân địa phương, chúng tôi quay trở lại với con thuyền.
Khi buổi học kết thúc, tôi đã bắt đầu mơ về Giáng Sinh ở Venice.Nhưng nếu lúc đó không lái thuyền được thì sao nhỉ?“Ở Venice thì bạn muốn lái thuyền lúc nào chẳng được, miễn là gió không mạnh quá”, Nan nói với tôi.
Bữa trưa, khi tôi kể với vợ và con trai về trải nghiệm đặc biệt của mình, họ cũng rất hứng thú muốn được thử một lần. Tiếc là, sáng hôm sau chúng tôi phải trở về Rome. Vậy nên, cả nhà đều vui thích với ý nghĩ được quay lại Venice vào dịp Giáng Sinh, tất nhiên rồi, một ý tưởng thật tuyệt vời!