HappyLand: Đường đua đã mở
Cách thủ đô Bangkok gần 400 km, một vùng đất hoang vu tại tỉnh Buriram đã được đầu tư gần 57 triệu USD để xây dựng đường đua Chang International Circuit. Không phải vô cớ mà chính phủ và các doanh nghiệp tại Thái Lan lại đầu tư nguồn kinh phí lớn cho đường đua này. Chỉ riêng trong ngày khai mạc, hơn 70.000 người đổ về tham dự đã đem lại cho tỉnh Buriram hơn 6 triệu USD. Nhìn rộng hơn, ngoài các danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa, phát triển du lịch bằng thể thao như bộ môn đua xe là khoản đầu tư đầy tiềm năng cho vùng đất này.
Có lẽ sức hấp dẫn của những trường đua như Chang International Circuit trở thành động lực cho các nhà đầu tư Việt Nam rốt ráo phát triển một mô hình tương tự. Ở Việt Nam, giới yêu thích tốc độ đã truyền nhau thông tin về giải đua tại HappyLand. Đây là một phần của khu phức hợp giải trí cùng tên do Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông làm chủ đầu tư tại xã Thạnh Đức, Bến Lức, tỉnh Long An.
Tháng 5 này, cả xã Thạnh Đức trở nên náo nhiệt khác thường bởi những tiếng động cơ của đủ các dòng xe đua môtô như Yamaha R1, BMW S1000R, Kawasaki Z1000 và Honda CB1000R và các tay đua chuyên nghiệp tập trung để chuẩn bị cho “Giải vô địch môtô Việt Nam và Giải vô địch ôtô Rally Việt Nam - tỉnh Long An mở rộng 2016”.
Muốn thành lập một sân chơi và đem đến các lớp học kỹ năng dành cho những bạn trẻ đam mê tốc độ là lý do ông Nguyễn Ngọc Hoan, Giám đốc Trường Huấn luyện và Thi đấu HappyLand ấp ủ và quyết tâm thực hiện dự án này. “Trường đua sẽ là nơi để các bạn yêu thích đua xe được thỏa niềm đam mê tốc độ một cách an toàn và hợp pháp. Chúng tôi hy vọng về lâu dài, cái nhìn tiêu cực của xã hội về bộ môn này cũng sẽ thay đổi”, ông Hoan cho biết.
Thực tế, tại Việt Nam, do chưa có một đường đua đạt chuẩn, nên các giải đua xe thường được tổ chức ở các sân vận động không đủ tiêu chuẩn an toàn. Chưa kể đến nạn đua xe trái phép gây bức xúc trong xã hội.
Trước đó, trường đua HappyLand đã “chạy roda” bằng một số hoạt động thử nghiệm. Khoảng 10% công trình liên quan đến các vấn đề kỹ thuật đang được hoàn thiện để trường đua đi vào hoạt động trong thời gian tới. Có diện tích 139.000 m2 với sức chứa 25.000 khán giả, HappyLand tích hợp 12 loại hình khác nhau dành cho xe đạp, xe môtô và ôtô, gồm 1,4 km đường nhựa dành cho mô tô; 1,1 km đường offroad dành cho xe cào cào, ATV; 400 m đường đua drag; 7,5 km đường đua cho ôtô rally; 18.000 m2 sân tập dành cho môtô Gymkhana; 5.000 m2 sân tập xe đạp và môtô cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.
Mô hình Trường Huấn luyện và thi đấu HappyLand mở ra hướng đầu tư khai thác thể thao, du lịch tại Long An - Ảnh: xedoisong.vn |
Theo chuẩn của Liên đoàn Môtô Thế giới (FIM), các trường đua cần được xây dựng ở khoảng đất có diện tích lớn, xa khu dân cư để không ảnh hưởng đến người dân. Đất cát tại Long An vốn không thích hợp cho phát triển nông nghiệp hay một loại hình kinh tế nào khác lại chính là “đất vàng” cho các trường đua. Với trường đua theo chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, Khang Thông không giấu tham vọng biến nơi đây thành dự án du lịch đúng nghĩa về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cho khách du lịch các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, đặc biệt là khách từ TP.HCM.
Lợi ích kinh tế mà một trường đua đem lại không hề nhỏ. Có thể thấy, Giải vô địch đua xe F1 thế giới được truyền hình trực tiếp và thu hút khoảng 600 triệu khán giả toàn cầu mỗi tuần, mang lại nguồn thu 4 tỉ USD mỗi năm. Đó là lý do vì sao thành lập đường đua và tổ chức đua xe không chỉ là trò chơi của giới nhà giàu mà đã được đầu tư ở nhiều quốc gia. Cách đây nhiều năm, Việt Nam từng xôn xao khi có thông tin về dự án đầu tư một trường đua F1 tại Nha Trang trị giá 150 triệu USD.
Đam mê các trò thể thao mạo hiểm trong hơn 20 năm và từng chạy cho các đội đua ở San Jose (Mỹ), ông Nguyễn Ngọc Hoan đã nghiên cứu dự án thành lập trường đua trong hơn 7 năm.
Tuy nhiên, vì là những người mở đường, nên nhà đầu tư cần tính toán về các chính sách có liên quan cũng như tìm được nguồn tài trợ từ các hãng xe và nhà cung cấp phụ tùng lớn của thế giới.
Ông Hoan tiết lộ, sau HappyLand, 2 trường đua khác ở khu vực miền Bắc và miền Trung cũng đang được một số nhà đầu tư quan tâm. Đến năm 2018, một trường đua có quy mô khoảng 350 ha đang được nghiên cứu triển khai, sẽ mang lại một diện mạo mới cho bộ môn đua xe mạo hiểm tại Việt Nam. Về lâu dài, đường bờ biển của Việt Nam cũng là một lợi thế mà nhiều quốc gia mong muốn để phát triển các đường đua liên tỉnh. Dù chưa thể so sánh với các đường đua lớn trong khu vực như Sepang (Malaysia), Sentul (Indonesia) hay Suzuka (Nhật), song để có được những sàn đấu lớn như thế, các trường đua quy mô nhỏ tại Việt Nam là những bước đệm đầu tiên.
Việt Nam hiện là nước có lượng xe gắn máy lớn thứ 2 trên thế giới với 90 triệu dân sở hữu hơn 50 triệu xe gắn máy và đang trên đà vượt qua Đài Loan trong vị trí dẫn đầu. Số người biết chạy hoặc tham gia đua xe máy ở Việt Nam rất cao, nhưng đa phần đều yếu về kỹ thuật do không được đào tạo cơ bản và không có sân tập đúng tiêu chuẩn.
Do đó, không chỉ là nơi tổ chức các giải đấu, đào tạo kỹ năng cần thiết trong đua xe cũng là mục tiêu của HappyLand. Các học viên nhỏ tuổi được làm quen trước với xe đạp. Học viên lớn hơn bắt đầu từ xe dưới 50 phân khối và học viên trên 18 tuổi được tập luyện với xe phân khối lớn. Qua đào tạo và thi đấu, những tay đua tiềm năng sẽ được phát triển thành vận động viên bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp. Mặt khác, Ban quản lý cũng có kế hoạch đưa các đội đua nước ngoài về thi đấu, để hướng tới mục tiêu biến trường đua thành địa điểm tổ chức các giải đấu Đông Nam Á - châu Á và liên kết tổ chức các giải đua mang tính quốc tế.
Lan Anh