HAGL: Khi cơn bão thổi qua sân bóng
Hơn một năm trước, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) từng mạnh miệng tuyên bố Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sẽ là câu lạc bộ đầu tiên của Việt Nam tự nuôi được mình bằng các hoạt động liên quan đến bóng đá. Nhưng tình hình tài chính khó khăn của Tập đoàn đã ảnh hưởng đáng kể tới đội bóng Phố Núi. Nó cho thấy cái gọi là “bóng đá chuyên nghiệp” Việt Nam sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể tự đứng trên đôi chân của mình.
Bóng đá nuôi được bóng đá?
Hồi cuối tháng 3, Trưởng đoàn HAGL, ông Nguyễn Tấn Anh đã thừa nhận câu lạc bộ đã chậm lương của các cầu thủ trong 2 tháng. Từ Nhật, ngôi sao Công Phượng, người đang thi đấu cho Mito Hollyhock theo hợp đồng chuyển nhượng từ HAGL, cũng chia sẻ với các đồng đội cũ bằng dòng trạng thái trên Facebook: “Mong đội bóng sẽ vượt qua lúc khó khăn này”.
Trong khi đó, trước thềm V-League 2015, bầu Đức khẳng định HAGL sẽ là đội bóng đầu tiên ở Việt Nam “lấy bóng đá để nuôi bóng đá”. Nói nôm na, doanh thu từ hoạt động bóng đá sẽ đủ, thậm chí là vượt cả chi phí vận hành. Kết thúc mùa 2015, dù không đạt thành tích khả quan trên sân cỏ (chỉ trụ hạng ở những vòng cuối), song HAGL là đội thành công nhất về mặt tài chính, kiếm được hơn 20 tỉ đồng từ tiền tài trợ và quảng cáo, trong khi chỉ phải chi khoảng 15 tỉ đồng.
Thành quả này có được nhờ vào chiến lược khá bài bản, từ đào tạo cho tới kinh doanh, thậm chí là xuất khẩu. Đầu tiên là lứa cầu thủ do HAGL từ Học viện Arsenal JMG, với các ngôi sao như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... đã tạo ra cơn sốt lớn từ người hâm mộ cả nước, giúp HAGL thu về tới 5 tỉ đồng từ tiền bán vé. Quan trọng hơn, lứa tài năng trẻ ấy đã đem về hợp đồng quảng cáo trị giá 60 tỉ đồng trong vòng 4 năm với một hãng sữa. Bên cạnh đó còn các khoản thu từ bán bảng quảng cáo trên sân, bán đồ lưu niệm, áo đấu...
Cầu thủ Công Phượng trong màu áo của đội Mito Hollyhock - Ảnh: webthethao.vn |
Sang đến mùa này, HAGL còn kiếm được 10 tỉ đồng từ tiền chuyển nhượng Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường cho các câu lạc bộ Nhật và Hàn Quốc. Thế nên, nhiều tờ báo thậm chí đã ví von HAGL giống như một cỗ máy kiếm tiền thực sự, không chỉ tự nuôi bản thân mà còn sinh lời cho ông chủ, qua đó có điều kiện để tái đầu tư. Và điều quan trọng là cách kiếm tiền ấy khớp với mô hình hoạt động của câu lạc bộ chuyên nghiệp ở các nền bóng đá phát triển.
Đấy là điều đáng biểu dương trong một nền bóng đá nửa thị trường, nửa bao cấp như hiện nay. Hầu hết các đội bóng ở V-League trước đây đều trực thuộc sự quản lý của các Sở Thể dục Thể thao. Khi giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp được lập ra, tỉnh giao đội bóng cho các doanh nghiệp “nuôi nấng”. Có doanh nghiệp tâm huyết thực sự, nhưng có doanh nghiệp tiếp nhận một cách miễn cưỡng, cốt chỉ để đổi lấy quyền lợi kinh tế.
Thế mới có chuyện nhiều đội bóng đổi tên liên tục, vì hết qua tay doanh nghiệp này lại sang doanh nghiệp khác. Hay tệ hơn là bị giải thể vì không có doanh nghiệp nào nhận nuôi. Hệ quả là những yếu tố như truyền thống, màu cờ sắc áo đều phai nhạt hoặc bị xem nhẹ, các khán đài trở nên thưa thớt khán giả.
Trong bối cảnh ấy, việc một đội bóng kiểu mẫu như HAGL cũng gặp khó khăn khiến người hâm mộ không khỏi băn khoăn. Cho nên, khi xuất hiện nhiều ý kiến tố “bầu” Hiển (ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Ngân hàng SHB) nắm tới 3 đội bóng ở V-League, vi phạm quy chế chuyên nghiệp, thì cũng đã có người lật ngược lại vấn đề: Nếu giờ bầu Hiển buông 2 trong số 3 đội, ai sẽ dám nhận nuôi?
Câu hỏi ấy quả không dễ trả lời, nhất là trong thời điểm đến đại gia như bầu Đức cũng còn đang chờ giải cứu!
Chỉ để quảng cáo?
Việc HAGL xuất khẩu tới 3 cầu thủ sang các nền bóng đá hàng đầu châu Á như Nhật và Hàn Quốc quả là một thành tích đáng nể, mở ra một hướng phát triển để các câu lạc bộ khác noi theo. Chi phí chuyển nhượng chỉ là một phần, điều quan trọng nữa là điều đó sẽ góp phần nâng cao hình ảnh của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế, hấp thu tinh hoa từ những nền bóng đá phát triển.
Việc được tập luyện, cọ xát với những đội bóng, cầu thủ đẳng cấp sẽ giúp những cầu thủ như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, trui rèn kỹ năng để trở về phục vụ cho đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, sự lạc quan đó vẫn không thể gạt được những yếu tố gây nghi ngại khác, rằng chuyến xuất ngoại của 3 cầu thủ HAGL mang màu sắc thương mại nhiều hơn là chuyên môn.
Trong lần trở về tập trung cùng đội tuyển quốc gia đợt này, hành trang mà họ mang về chỉ là... 7 phút ra sân của Công Phượng trong màu áo Mito Hollyhock. Xuân Trường mới chỉ được 2 lần chơi cho đội dự bị của Incheon, còn Tuấn Anh chưa từng được thử lửa ở bất cứ cấp độ nào trên đất Nhật.
Trên sân cỏ thì im lìm như thế, nhưng trên bình diện quảng cáo, những cầu thủ này lại xuất hiện liên tục. Mito Hollyhock thậm chí còn lập cả một fanpage tiếng Việt chuyên để cập nhật thông tin đội bóng cho người hâm mộ Việt Nam. Sau khi câu lạc bộ này kiếm được hợp đồng tài trợ từ Vietnam Airlines, người ta cũng lờ mờ nhận ra rằng, mục đích chính của đội bóng Nhật khi chiêu mộ tài năng trẻ của HAGL hình như chỉ nhằm mục đích đó. Việc họ tung Công Phượng vào sân trong vài phút ít ỏi mới đây tại J-League 2 dường như cũng chỉ cốt chiều lòng các fan Việt đang sốt ruột muốn chứng kiến thần tượng của mình ra sân trên đất khách mà thôi.
Tương tự, trong khi chưa từng được vào sân trong màu áo đội 1 của Incheon, Xuân Trường đã liên tục được chọn làm đại diện hình ảnh cho một ngân hàng Hàn Quốc phục vụ cho Ngày hội Việt - Hàn, đón đầu sự kiện xứ sở kim chi chuẩn bị mở cửa đón nhận lại lao động Việt sang làm việc. Nhờ Xuân Trường, lao động Việt sẽ biết đến ngân hàng này để gửi tiền về cho gia đình.
Hoài Sa