Golf Việt khác biệt gì Golf Mỹ?
Golf Việt đi sau thế giới đến hàng trăm năm, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Thế nhưng, cách chơi golf của đa phần người Việt có thể khiến cho nhiều người Mỹ cảm thấy choáng váng.
Cô gái chỉ khoảng 20 tuổi, da trắng lưng ong, ghé vai kéo từ cốp xe hơi chiếc túi nhãn hiệu Honma. Cạnh đó có khoảng chục cái túi gậy Honma da đen da nâu bóng loáng để ngay ngắn trong từng ô. Chủ nhân của những túi gậy ấy là những người đàn ông trung niên đi xe hơi cũng bóng loáng, cầm cái thẻ “check in” rồi tiến tới line (ô tập), khởi động vài động tác rồi huỳnh huỵch thử từ gậy sắt cho tới gậy gỗ. Có thể bắt gặp hình ảnh này ở mọi sân tập golf Hà Nội.
Honma là tên của hãng gậy có xuất xứ Nhật, trước khi bị Trung Quốc mua lại, vốn nổi tiếng với những chiếc gậy mạ vàng với những thông số kỹ thuật chính xác tới từng gram. Honma phân chia đẳng cấp sản phẩm của mình giống như cách phân hạng khách sạn và giá tiền để sắm đủ một bộ gậy từ 150 triệu đồng đến khoảng 1,5 tỉ đồng. Riêng cái túi da của hãng cũng có giá vài chục triệu đồng.
Kỳ Anh, người chỉ bắt đầu biết chơi golf từ khi anh sống ở nước ngoài, đã trở nên lạc lõng khi lần đầu về nước tìm tới một sân tập golf. Anh nhét giày và quần áo tập trong túi, loay hoay tìm phòng thay đồ có tiện nghi không khác gì khách sạn hạng sang. Bỡ ngỡ khi có nhân viên chăm chút từng tí một mà phí tập luyện chẳng hơn mấy so với việc nhông nhông chạy ngoài nắng đuổi theo quả bóng da hay bóng nỉ. Hơn 100.000 đồng cho 100 quả bóng tập. Rẻ bằng một nửa ở Mỹ. Mà phục vụ tới tận răng, quạt điện, khăn lạnh, khăn khô... không hề lăm le đòi hỏi tiền bo.
Ở Việt Nam, golf giờ phổ biến hơn trong giới trẻ. Ảnh: vietnamsbestgolf.blogspot.com |
Ở Mỹ, đi tập golf phải tự lấy gậy, tự xách túi, tự đi tìm chỗ mua thẻ đổi bóng, tự đổ bóng ra ô và trần mình dưới cái nắng mùa hè gay gắt. Nhưng quy đổi theo thu nhập và sức mua tương đương kiểu chỉ số Big Mac, với chi phí chơi golf như ở Việt Nam thì nhiều người Mỹ trung lưu cũng không thể theo đuổi được môn chơi quý tộc này.
Có những người nhìn thoáng qua đoán họ chừng 60-70 tuổi với bộ gậy mòn vẹt và cán cầm bóng loáng - những dấu hiệu của một bộ đồ nghề có tuổi thọ chừng 20 năm. Họ vẫn dùng những bộ gậy cổ lỗ bất chấp các hãng sản xuất gậy hàng đầu thế giới mỗi năm ra mấy mẫu với quảng cáo rằng gậy mới giống như những cây đũa thần giúp cho các golf thủ đạt thành tích mong muốn.
Dịch vụ đỉnh cao có lẽ là sự tiện lợi duy nhất mà chơi golf Việt Nam có được so với chơi golf Mỹ. Lý do là các sân tập golf ở Việt Nam hầu hết là phương cách giữ đất dự án và tận dụng trong thời gian xoay vốn và xoay cả chính sách để tạo nên những dự án bất động sản thay vì bỏ hoang. Chỉ riêng TP.HCM đã có 5 sân golf, trong đó sân golf Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hoa - Việt (quận Thủ Đức) và sân golf sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đã đi vào hoạt động, sân golf GS (huyện Củ Chi) đang xây dựng, sân golf Sing - Việt (huyện Bình Chánh) chưa xây dựng. Bốn dự án golf chiếm khoảng 650 ha đất.
Cô gái làm caddy (người kéo túi, chỉ dẫn về đặc thù của sân qua từng hố và đi cùng với người chơi từ đầu chí cuối) ở sân golf Vân Trì đã tỏ ra vô cùng biết ơn khi tôi tự tay sửa lại một vết đánh lột lên một mảng cỏ. Cô muốn lần sau sẽ để cô được làm công việc của mình. Cô cũng cảm ơn khi tôi hỏi rằng liệu tôi có thể chip trên mặt green (nơi có hố golf và chỉ dùng những gậy gạt mà chuyên môn gọi là putter). Cô bảo nhiệm vụ của cô là phải ngăn cản bất cứ ai có ý định dùng gậy thông thường trên cái mặt cỏ láng mịn như nhung ở mỗi điểm cuối cùng của 18 hố.
Ở Việt Nam sân nào cũng có caddy và người chơi nào cũng có caddy đi cùng vừa là hỗ trợ vừa là giám sát đảm bảo luật của sân được tôn trọng. Người chơi gặp caddy ngay từ lúc vừa tới sân và quy trình phục vụ thường kéo dài 4-5 tiếng. Nhưng ở Mỹ, phải ở những sân golf đặc biệt lắm mới có caddy để thuê vì thường là không có người chơi golf phong trào nào lại cần caddy cả. Họ đa phần có ý thức tuân thủ luật lệ, đọc trước quy định của sân. Mặt khác, giá lao động ở Mỹ với 40 USD/giờ làm việc cho một số công việc tay chân đặc thù thì golf dù đã rất hữu nghị nhưng thuê caddy cũng lên tầm 80 USD/18 hố trong khi phí chơi và thuê xe điện tự lái ở nhiều sân chỉ 20-30 USD và thậm chí chỉ ngang với mua 100 quả bóng tập.
Nhưng điều khiến cho các sân golf ở Việt Nam phải thu phí rất cao bởi giá thành của một sân golf là rất đắt khi mà sự hình thành của nó là đoạn cuối của cuộc đấu tranh với chủ trương, cơ chế, chiến lược và rất nhiều cửa, chứ không phải là tận dụng quãng thời gian chết của dự án chung cư nào đó làm sân tập.
Sân golf ở Mỹ hình thành giản đơn hơn, hay nằm lẫn trong khu dân cư hay một bìa rừng nào đó. Người Mỹ vì thế chơi golf thường tự đến sân rồi trở về nhà với bộ quần áo còn vương những ngọn cỏ. Nó cũng chỉ như việc họ chơi bóng đá đâu đó quanh nhà. Vô cùng đơn giản và hầu như chẳng có nghi lễ nào giống như những buổi chơi golf ở Việt Nam như người ta vẫn kể nhau nghe.
Ở Việt Nam gần đây, golf không còn dành riêng cho quan chức, doanh nhân và người nước ngoài nữa mà một thế hệ những người chơi trẻ hơn, đồ nghề giản dị hơn, quan tâm tới tính năng của những cây gậy của Titleist, Mizuno, Ping... chứ không phải là cái mác của bộ gậy. Họ ra sân tập sau những giờ phút nghiên cứu kỹ thuật phổ biến trên internet và những chương trình dạy golf trên truyền hình. Họ chơi không phải bởi golf không đòi hỏi vận động mạnh mà nó thực sự là môn thể thao văn minh, cần rất nhiều trí lực và để đánh đúng kỹ thuật và biết xử lý các tình huống khó và nắm đúng luật phải cần nhiều năm.
Điều tuyệt vời là các giải golf trẻ ở Hà Nội hay TP.HCM giờ được tổ chức hằng tháng. Giải golf của những hội đồng hương tổ chức hàng quý. Và giải golf trẻ mở rộng Vietnam Junior Open vừa diễn ra ở Hồ Tràm, sân golf đẹp nhất Việt Nam.
Điều này có thể là tiền đề cho viễn cảnh golf không còn là một trong những nét tiêu biểu nhất của một Việt Nam khác Mỹ.
Phạm Tấn