Golf vắng bóng ở Olympic Rio
Olympic Rio 2016 tại Brazil là kỳ Thế vận hội đầu tiên mà golf được đưa trở lại chương trình thi đấu trong vòng hơn 100 năm qua. Nhưng bất chấp dấu mốc lịch sử ấy, nhiều tay golf nổi tiếng vẫn quyết định quay lưng với sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Nhưng nó cũng chứng tỏ golf không phải và sẽ không bao giờ là môn thể thao đại chúng. Nó chẳng cần tới lượng người xem khổng lồ để xác định vị thế “quý tộc” của mình.
Trong số 60 tay golf sẽ đến Rio de Janeiro tháng tới, cả 4 tay golf hàng đầu gồm Jason Day (số 1, người Úc), Dustin Johnson (2, Mỹ), Jordan Spieth (3, Mỹ), McIlroy (4, Bắc Ireland-Vương quốc Anh) đều vắng mặt. Trong top 10 còn có 2 tay golf khác cũng không đến Brazil là Adam Scott (7, Úc) và Branden Grace (10, Nam Phi).
Nỗi sợ virus gây chứng bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh có tên Zika là lý do được nhiều tay golf đưa ra, nhằm biện minh cho quyết định của mình. Tuy nhiên, lý do này thật khó thuyết phục, bởi vận động viên của các môn thể thao khác vẫn sẽ tề tựu đông đủ ở Rio, dù họ chỉ được hưởng điều kiện ăn ở kém hơn rất nhiều so với các golf thủ triệu phú. Ngoài ra, gần như toàn bộ các tay golf nữ hàng đầu cũng sẽ góp mặt.
Cần nhắc lại, đây là lần đầu tiên golf được đưa vào chương trình thi đấu ở Olympic kể từ sau Thế vận hội St. Louis năm 1904, tức cách đây đã 112 năm. Nên đáng ra, các tay golf phải coi đây là một vinh dự, niềm tự hào khi được đại diện cho tổ quốc để tranh tài ở Olympic, chứ không phải từ chối một cách lãng xẹt như vậy. Do đó, sự vắng mặt của các tay golf nam hàng đầu đã gây nên phản ứng phẫn nộ từ nhiều phía. Chủ tịch Liên đoàn Golf Thế giới (IGF) Peter Dawson nói thẳng rằng các tay golf đã có “phản ứng thái quá” về tình hình virus Zika và ông quan ngại với những gì diễn ra trong làng golf thế giới.
Việc Jordan Spieth từ chối dự Olympic là một đòn đau đối với nỗ lực đưa golf trở lại Thế vận hội. Ảnh: AFP |
Ngoài nỗi sợ Zika, một lý do khác khiến cuộc tranh tài của golf ở Olympic khó hấp dẫn chính là quy trình tuyển chọn vận động viên. Cựu số 1 thế giới Tiger Woods là người mới nhất lên tiếng chỉ trích quy trình này khi cho rằng nó không quy tụ được những người xuất sắc nhất, dù cho các tay golf không tẩy chay đi chăng nữa.
Ông Dawson từng nói rằng ông hy vọng việc golf được đưa vào Olympic, điều mà IGF đã phải đấu tranh nhiều năm với Ủy ban Olympic Quốc tế IOC, sẽ thúc đẩy môn thể thao này phát triển hơn nữa. Thế nhưng, McIlroy, người từng có 4 danh hiệu vô địch các giải lớn, đã dội gáo nước lạnh vào nỗ lực của IGF với tuyên bố: “Tôi không nghĩ rằng golf cần phát triển”.
Thay vì đến Brazil tranh tài, các tay golf hàng đầu đã tới Scotland dự giải British Open. Đây là một trong những giải đấu lớn nhất của làng golf chuyên nghiệp và rõ ràng ảnh hưởng của nó đã che mờ cả Olympic. Việc golf đã vắng mặt quá lâu ở Thế vận hội có lẽ là một trong những lý do khiến người ta cảm thấy môn thể thao này không cần thiết phải có trong chương trình thi đấu. Không có Olympic thì golf vẫn giữ vững được vị thế của mình từ 112 năm qua rồi.
Hơn thế nữa, Olympic dường như chỉ phù hợp cho các môn thể thao đại chúng, như khẩu hiệu của phong trào Thế vận hội từ thời Hy Lạp cổ đại là Nhanh hơn-Cao hơn-Xa hơn. Ngay cả với môn thể thao danh giá khác như tennis cũng vậy, chiếc huy chương vàng Olympic không thể so được với chức vô địch Grand Slam. Nhiều tay vợt nổi tiếng cũng xem nhẹ đấu trường Olympic, dù họ tới dự giải với tư cách đại diện cho tổ quốc. Huy chương vàng Olympic cũng danh giá thật đấy, nhưng làm sao đem lại nhiều tiền như Grand Slam.
Hoài Sa